Cẩm nang sống 5 bí kíp đơn giản giúp bạn được tôn trọng ở bất cứ đâu

Để được tất thảy mọi người tôn trọng, nể phục là điều không hề dễ dàng, nhưng không phải là việc bất khả thi. Nếu muốn lọt vào “mắt xanh” của “bàn dân thiên hạ”, hãy lướt qua 5 bí kíp đơn giản sau đây nhé.

15.5981

1. Hãy nói nhiều nhưng cũng không quên lắng nghe

Bất cứ ai cũng muốn thể hiện, chứng tỏ “đẳng cấp” trong mắt mọi người. Vì thế, chúng ta chẳng mảy may nhận ra mình đang tự nói về bản thân quá nhiều trong các cuộc chuyện trò. Theo nghiên cứu của Đại học Harvard, chúng ta có xu hướng dành đến 60% cuộc hội thoại để... ca tụng chính mình. Tuy nhiên, đây là một dấu hiệu tốt. Khi chia sẻ cho bạn bè nghe về các thành quả của bản thân, điều đó chứng tỏ bạn đang tự hào về mình, đồng nghĩa với việc một phần não bộ đang được kích thích và mang lại cảm giác hưng phấn như khi quan hệ tình dục hay thưởng thức sơn hào, hải vị.

Mỗi người đều có nhu cầu thể hiện như nhau, vì thế, hãy bày tỏ sự tôn trọng đối phương bằng cách lắng nghe khi họ cần chia sẻ. Các chuyên gia cho biết, việc chăm chú theo dõi và tiếp nhận những điều người khác kể sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong giao tiếp, khiến mọi người dễ có cảm tình và tin tưởng nhau hơn. 


Hãy lắng nghe người khác như cách bạn muốn họ lắng nghe chính mình. Nếu áp dụng được điều này, đối phương sẽ thấy cảm kích vì bạn tôn trọng họ, và đương nhiên sẽ thể hiện thái độ tương xứng. (Ảnh: Internet).

2. Đừng quên tự giới thiệu bản thân để tạo ấn tượng tốt

Trong lần gặp mặt đầu tiên, việc tạo ấn tượng rất quan trọng. Trong nhiều nền văn hóa, tự giới thiệu về mình là một cách để ghi điểm với đối phương vô cùng hiệu quả. Sau khi xưng tên và nói đôi điều về thông tin cá nhân, cần chủ động đưa tay ra ngỏ ý muốn bắt tay người đối diện. Bạn cần đứng thẳng người, mắt nhìn thẳng vào đối phương, không bóp tay họ quá chặt và giữ khoảng cách lịch sự giữa hai người. Việc đứng quá gần người mới gặp sẽ khiến họ cảm thấy đang bị xâm phạm không gian riêng. Cần cẩn trọng khi muốn tạo ấn tượng tốt, vì bắt tay đúng cách là cả một nghệ thuật.


Việc giới thiệu bản thân còn là một thông điệp ngầm chứng tỏ bạn quan tâm và có thành ý kết bạn với đối phương. Do vậy cần chuẩn bị kĩ lưỡng để thực hiện thật suôn sẻ nhé! (Ảnh: Internet).

3. Luôn giữ dáng đứng chuẩn


Những điều nên và không nên để giữ tư thế chuẩn. (Ảnh: Internet - Việt hóa: T. Huỳnh).

Tư thế ảnh hưởng rất nhiều đến cách nhìn của người khác về bạn. Ngôn ngữ cơ thể truyền tải đến 70% thông điệp, trong khi lời nói chỉ có sức nặng khoảng 30%. Hãy chú ý dáng đứng của một giáo sư khi giảng bài trên bục, hay tư thế của giám đốc lúc chủ trì cuộc họp. Phong thái của họ hoàn toàn khác so với nhân viên cấp dưới, hay một em học sinh rụt rè không thuộc bài, phải không nào?


(Ảnh: Internet)

Hành động cho tay vào túi quần thể hiện sự tự tin của người nói nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu của sự kiêu ngạo, kẻ cả. Việc khoanh tay trước ngực là biểu hiện của một người không muốn bị làm phiền, hoặc cũng có thể do họ đang cảm thấy thiếu an toàn trong môi trường hiện tại. Ngôn ngữ cơ thể thực chất nói lên rất nhiều về một người, do vậy, bạn cần học cách giữ tư thế chuẩn nếu muốn thu hút người đối diện.


Bạn sẽ cảm thấy ấn tượng và choáng ngợp với dáng đứng tự tin, bệ vệ của vị giáo sư, chứ không phải bởi tư thế khúm núm, sợ sệt của một cậu học trò lười nhác. (Ảnh: Internet).

4. Hãy cố gắng chiếm lĩnh tri thức

“Tri thức là bến bờ của sự thành công”, do vậy, hãy chinh phục người khác bằng sự hiểu biết của mình. Khi phát biểu trước đám đông hoặc chuẩn bị một bài thuyết trình, hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu tường tận về đề tài mình sắp truyền tải. Việc trang bị kĩ càng kiến thức về các vấn đề liên quan sẽ khiến mọi người cảm thấy kính trọng và nể phục đầu óc, cũng như tinh thần trách nhiệm của bạn. 


Tri thức là chìa khóa thành công. (Ảnh: Internet).

Chuyên gia tư vấn chiến lược tiếp thị nổi tiếng Noah Fleming đã khuyến khích rằng, mỗi người nên chịu khó cập nhật thông tin về các lĩnh vực công nghệ, thể thao, văn hóa nhiều hơn để có thể tham gia hăng hái trong mọi cuộc hội thoại. Khi ngồi trong một tập thể, bạn sẽ dễ dàng “chém gió” về mọi vấn đề được đề cập đến mà không gặp bất kì trở ngại nào. Mọi người xung quanh hẳn nhiên sẽ cảm thấy bạn là một người thông thái, hiểu biết rộng. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ nể trọng bạn cũng như nguồn kiến thức bất tận của bạn.

5. Luôn tự tin nhưng đừng tự mãn

Nhiều người nhầm lẫn đức tính khiêm tốn với sự rụt rè, không dám thể hiện bản thân. Thái độ tự tin, dám bộc lộ khả năng của chính mình là một yếu tố cần thiết để ghi điểm trong mắt cộng đồng. Tuy nhiên, đừng trở nên tự tin quá lố đến mức tự mãn nhé, điều này sẽ gây tác dụng ngược đấy! Một người biết tin tưởng vào bản thân sẽ dễ thành công, song muốn được mọi người tôn trọng thì cần phải rèn luyện thêm đức tính khiêm tốn, biết học hỏi từ người khác và không quá khoe khoang về thành tích. “Hữu xạ tự nhiên hương”, người tài giỏi tự khắc sẽ được biết đến mà không cần phải khoe chiến tích. 


Hãy luyện rèn tri thức và sự tự tin đúng mực để mọi người thực sự nể phục và tôn trọng bạn.  (Ảnh: Internet).

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]