Cấy ghép... tính cách

Một người đàn ông 47 tuổi, sau ca ghép tim đột nhiên thấy say mê nhạc cổ điển, đặc biệt là những bản viết cho violon mặc dù trước đó ông mù tịt về âm nhạc.

15.6023

Thì ra trái tim mới của ông vốn thuộc về một người rất yêu nhạc cổ điển và biết chơi violon. Một ông chồng sau khi ghép thận của vợ bỗng thích nấu ăn, đi mua sắm và cũng nhạy cảm như vợ... Có nhiều câu chuyện về sự thay đổi tính cách kỳ lạ xảy ra ở bệnh nhân ghép tạng mà các nhà nghiên cứu chưa tìm ra lời giải thích thỏa đáng.

“Thừa hưởng” tính cách từ... nội tạng

Cheryl Johnson và con trai. 
Trước khi ghép thận, ông Gammons, sống ở thị trấn Spalding, Weston, Lincolnshire, rất ghét nấu ăn, mua sắm và làm vườn. Nhưng bây giờ ông hạnh phúc một cách khác thường khi làm các công việc nội trợ đầy nữ tính này. Thậm chí ông bắt đầu yêu thương chú cún cưng của vợ - loài vật mà trước đây ông ghét cay ghét đắng. Sự thay đổi xuất hiện sau khi ông được ghép quả thận của vợ. Hóa ra, quả thận không phải thứ duy nhất mà bà Lynda đã hiến tặng cho chồng mình. Ông Gammons nói: “Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng rõ ràng tôi đã thừa hưởng một số tính cách đặc trưng của Lynda từ khi nhận quả thận của cô ấy”.

Cô Cheryl Johnson ở thị trấn Penwortham, thành phố Preston (Anh) cũng rơi vào tình trạng kỳ lạ tương tự như thế. Gần như cô đã trải qua một cuộc “cấy ghép tính cách” hoàn toàn kể từ khi được thay một quả thận mới. Người phụ nữ 37 tuổi này tin rằng cô đã “hấp thụ” những tính cách của người hiến tặng - một người đàn ông 59 tuổi đã chết vì chứng phình mạch. Không chỉ thay đổi về tính cách, sở thích của cô cũng thay đổi hoàn toàn. Trước đây, Cheryl chỉ thích đọc những mẩu tin về các ngôi sao, giờ cô bỏ đọc các tờ báo lá cải, dành phần lớn thời gian tìm hiểu và đọc các tác phẩm văn học của nhà văn Anh Jane Austen và nhà văn Nga Dostoevsky. Ngoài việc được sống thêm lần thứ 2, quả thận mới khiến cho sở thích của Cheryl mang tính trí thức hơn rất nhiều, trí thông minh của cô cũng tăng lên đáng kể.

Trường hợp cô Jaime Sherman - người được cấy ghép tim đầu tiên ở Đông Bắc nước Mỹ còn kỳ lạ hơn. Trước đây, Jaime Sherman chẳng bao giờ nghĩ có lúc mình sẽ chơi thể thao hoặc ăn món ăn Mexico nhưng sau ca ghép tim, mọi chuyện đã khác hẳn. Cô tham gia đội bóng chày, tập bơi và không bỏ sót một trận bóng đá nào trên truyền hình. Cô mê mẩn trước những món cay xé lưỡi của đất nước Trung Mỹ. Ngạc nhiên vì sự thay đổi của chính mình, Jaime Sherman tìm hiểu và được biết, tất cả những thói quen đó là của người đã tặng cho cô trái tim. Anh ấy là vận động viên nghiệp dư của một trường đại học ở bang Kansas, Mỹ.

Không chỉ có thế, Jaime Sherman còn được nghe nhiều câu chuyện lạ lùng về những người cùng hoàn cảnh. Một người khác, sau khi được ghép tim của một cô gái mắc bệnh biếng ăn bỗng xuất hiện những triệu chứng khó chịu, buồn nôn khi ngửi thấy mùi xào nấu. Một doanh nhân 58 tuổi ở bang Arizona, Mỹ vốn là người say mê công việc và gần như suốt đời chỉ có mối bận tâm duy nhất là tiền bạc, sau khi được ghép tim của một nhà hoạt động xã hội đã từ bỏ kinh doanh và dành phần lớn thời gian để làm từ thiện...

Nội tạng cũng có ký ức và tính cách?

GS.Gary Schwart.

Y văn thế giới đã ghi nhận hàng trăm trường hợp bệnh nhân ghép nội tạng, đặc biệt là tim, có những biến đổi bất thường về mặt tâm, sinh lý theo chiều hướng giống với của người hiến. Tuy nhiên, cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa thống nhất được với nhau trong cách lý giải nguyên nhân của những biến đổi kỳ lạ này. Nhiều nhà khoa học cho rằng sau ca đại phẫu kiểu “thập tử nhất sinh” như ghép tim, bệnh nhân có thể thay đổi tâm tính là điều dễ hiểu. Ngoài ra, việc sử dụng hàng chục loại thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật và các chất gây mê trước đó cũng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn về mặt hành vi, tâm lý bệnh nhân. Kết hợp 2 yếu tố này, sẽ thấy chẳng có gì là ngạc nhiên khi một số bệnh nhân sau ghép tạng bỗng nhìn cuộc sống với con mắt khác hẳn và sống cuộc sống ấy theo một cách hoàn toàn khác!

Tuy nhiên, điểm đáng nói không phải là họ trở thành người khác mà là sự thay đổi ở họ quá đặc trưng. “Đó là sự thay đổi có chủ đích. Bởi nếu đó là hệ quả của việc dùng thuốc, căng thẳng tinh thần hay trùng hợp ngẫu nhiên thì tại sao lại giống người hiến tạng đến vậy?” - GS. Gary Schwart ở Đại học Arizona, một trong số những nhà cấy ghép tạng hàng đầu của Mỹ nói. Theo khẳng định của GS. Schwart, ít nhất 10% những người được cấy ghép tim, phổi, thận và gan đã nhận thấy có những đổi thay trong tâm lý và tính cách của mình. Ông và cộng sự đã nghiên cứu nhiều trường hợp kỳ lạ xảy ra sau ghép tạng. Điển hình như vụ một thanh niên 18 tuổi, yêu thích thơ ca và sáng tác nhạc, chết do bị tai nạn xe và trái tim được ghép cho Daniele. Khi đến thăm cô gái này, cha mẹ cậu mở một ca khúc cậu từng sáng tác và Daniele, dù chưa nghe qua bao giờ, lại biết trước phần lời bài hát. GS. Schwart cũng từng điều tra nghiên cứu trường hợp một cô bé 7 tuổi bị bệnh tim. Cô bé đã nhận trái tim của một chú bé 10 tuổi vốn bị giết rất tàn bạo. Sau đó cô bé bỗng có những cơn ác mộng về việc bị giết như thế nào. Dựa theo những mô tả chi tiết về kẻ sát nhân mà cô bé thấy trong giấc mơ, cảnh sát đã tìm ra và bắt được kẻ sát nhân thực sự.

Theo giải thích của GS. Schwartz, có thể các cơ quan nội tạng như tim, phổi, thận, gan... có một “ký ức” sinh học và năng lượng sinh học riêng. Ký ức và năng lượng này nằm trong mọi tế bào, chi phối cảm xúc và khắc họa nên tính cách riêng của từng người. Một khi các tế bào còn sống thì ký ức và tính cách còn tồn tại. Khi được ghép qua chủ mới, những ký ức và năng lượng này sẽ được chuyển giao, tạo nên sự thay đổi về hành vi, sở thích, tính cách,... thậm chí là giới tính của người vừa được cấy ghép. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một giả thuyết và chưa được giới khoa học chính thức công nhận. Bởi giả thuyết này nghe có vẻ rất gần với những điều thần bí. Hầu hết các bác sĩ và khoa học gia trước nay đều tin rằng tim, gan, thận... đơn thuần chỉ là những bộ phận chức năng của cơ thể. Còn “chỗ” của thói quen, tâm trí, tính cách thì nằm trong bộ não.

Tiến sĩ Lili Phong, giáo sư Trường Y dược Baylor, bang Texas, Mỹ cho biết hiện các nghiên cứu về ký ức của tế bào và nội tạng cũng như việc truyền ký ức, tính cách từ người hiến sang người nhận tạng vẫn ở giai đoạn rất còn mới. Với những gì mà nền khoa học thực nghiệm biết hiện nay thì chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh giả thuyết này. Cũng như chưa có giả thuyết nào khác đủ tin cậy để lý giải cách thức cơ thể lưu trữ ký ức cũng như tạo ra tính cách. Thực tế, khoa học vẫn chưa thể định nghĩa chính xác tính cách là gì chứ đừng nói đến việc xác định nguồn gốc cũng như nơi cư ngụ của nó trong cơ thể. Thế nhưng, nếu giả thuyết này là đúng thì có lẽ đến một ngày nào đó, các bác sĩ sẽ đề xuất việc cấy ghép tính cách cho những người muốn thay đổi cá tính của mình!

Quang Khải (Theo Ourstrangeworld)

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]