Đánh trẻ vào mông sẽ ảnh hưởng trí thông minh?

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh chia sẻ một bài viết trên mạng xã hội về một nghiên cứu cho rằng, đánh vào mông sẽ khiến trẻ mất trí thông minh. Sự thật như thế nào?

16.3395

Tổn thương cả thể xác và tinh thần

Theo như bài chia sẻ của nhiều phụ huynh, cuộc nghiên cứu này thực hiện ở Mỹ với trên 1.500 trẻ từ 2-9 tuổi, kéo dài trong suốt 4 năm cho ra kết quả: Những em bé không bị trừng phạt thân thể có chỉ số thông minh (IQ) trung bình cao hơn trẻ thường bị đánh đập từ 5-28 điểm.

Ảnh minh họa

 

Nghiên cứu này phân tích, việc đánh vào mông làm mất trí thông minh của trẻ là do mô não nằm trong khoang sọ của hộp sọ và kết nối với cột sống con người. Nếu cha mẹ đánh quá nặng, quá nhanh, mông của trẻ sẽ bị tác động đột ngột. Lực đánh truyền qua cột sống có thể gây ra các biến dạng tổng thể của hộp sọ, gây thiệt hại cho thân não, ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ. Thông tin này đã khiến không ít ông bố, bà mẹ lo lắng về phương pháp giáo dục con của mình và có nên đánh chúng hay không?

Chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền (Tổng đài tư vấn 19006844) cho rằng, văn hóa phương Đông khác biệt văn hóa phương Tây nên khó nói cách giáo dục nào là tốt nhất. Nó phụ thuộc vào cách chọn lựa của các bậc làm cha mẹ.

Người Việt ta vốn vẫn quan niệm “Thương cho roi cho vọt”, không ít phụ huynh vẫn áp dụng đòn roi trong việc giáo dục con cái. Không những bộc phát trong lúc nóng giận, mà còn coi việc dùng đòn roi với con là biện pháp cần áp dụng mỗi lúc bảo con không nghe, thậm chí cho con trận đòn “thiếu chết” để giúp con tiến bộ.

Việc đánh trẻ có thể gây ra rối loạn hành vi và ảnh hưởng trí thông minh còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Cường độ đánh, mức độ đánh thế nào là điều đáng nói. Việc lâu lâu mới đánh khác hẳn với việc thường xuyên đánh và lực tác động mạnh thường xuyên thì mới có ảnh hưởng.

Tuy nhiên, sự trừng phạt bằng đòn roi thường xuyên sẽ phá hủy sự thân mật giữa con cái và cha mẹ. Đồng thời, chúng cũng ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ. Một số trẻ nếu thường xuyên bị đòn roi có thể dẫn đến nổi loạn, dạn đòn, có xu hướng bắt chước người lớn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Còn với những trẻ nhút nhát khi giáo dục bằng bạo lực sẽ khiến trẻ trở nên thiếu tự tin và trầm cảm.

Đồng quan điểm, BS Nguyễn Trọng An, Chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, kết quả của một nghiên cứu phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp chọn mẫu, lựa chọn chỉ số để thu thập, đánh giá, kỹ thuật phân tích kết quả. Phải chứng minh được trong thực tế có xảy ra việc đánh vào mông gây hậu quả xấu lên não thì mới kết luận việc đánh vào mông sẽ giảm chỉ số thông minh.

Không chỉ đánh vào mông, mà đánh trẻ vào bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều gây tổn thương đến thể xác và tinh thần. Tổn thương về thể xác chúng ta có thể nhìn thấy ngay được tùy mức độ từ sự bầm tím, sây sát đến chảy máu, thương tích trên cơ thể hoặc tàn tật. Tổn thương về tinh thần, chúng ta khó có thể đong đếm được nhưng có thể rất trầm trọng, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sức khỏe, tâm trí của trẻ, thậm chí đeo đẳng đến suốt cuộc đời.

“Đã có rất nhiều trẻ bị rối loạn tâm thần, trầm cảm, tự tử do cách giáo dục bằng đòn roi, bạo lực của cha mẹ. Hơn nữa, những đứa trẻ thường xuyên bị bạo lực lúc nhỏ, khi lớn lên sẽ có nguy cơ trở nên hung hăng, bạo lực. Đồng thời, chúng tỏ ra vô kỉ luật ở trường học và khả năng học tập, tiếp thu thường kém hơn những trẻ khác”, BS Nguyễn Trọng An nhấn mạnh.

Dạy con cách nào?

BS Nguyễn Trọng An khuyến cáo, tuyệt đối cha mẹ không nên dùng vũ lực hoặc sỉ nhục con!. Việc giáo dục trẻ bằng bạo lực là vi phạm quyền trẻ em và chỉ có những ông bố bà mẹ bất lực, kém hiểu biết, thiếu tình thương con trẻ thì mới giáo dục con bằng cách này.

Muốn dạy con nên người thì cha mẹ phải dạy con thông qua sự nêu gương, hãy là những tấm gương tốt cho con noi theo học tập. Cha mẹ hãy dùng tình cảm, tình yêu thương, sự kiên nhẫn và phương pháp đúng đắn để dạy dỗ con cái. Mỗi khi con trẻ mắc lỗi, cần có sự phân tích, chỉ bảo để trẻ nhận ra khuyết điểm, biết được nguyên nhân để sửa chữa.

Hãy áp dụng phương pháp “Kỷ luật tích cực”. Đây là hình thức sử dụng hệ quả tự nhiên và lôgíc, hình thành, thiết lập nề nếp kỷ luật trong gia đình và nhà trường để giúp trẻ biết lỗi, sửa lỗi, thay đổi những hành vi tiêu cực. Cách này dựa trên sự tôn trọng quyền của trẻ em, phù hợp với năng lực, nhu cầu, các giai đoạn phát triển của trẻ em. Hoặc dùng “Kỷ luật không nước mắt, không dùng đòn roi” để dạy con và luôn khuyến khích động viên con tiến bộ.

Đầu tiên, các bậc phụ huynh nên thay đổi tư duy rằng làm cha mẹ là có quyền bắt con phải làm theo ý mình. Thay vì ra lệnh, các bậc phụ huynh hãy sử dụng lý lẽ để thuyết phục con mình hợp tác. Tiếp theo, xây dựng một bộ quy tắc gia đình do tất cả các thành viên bao gồm cả trẻ tham gia xây dựng. Điều này đồng nghĩa với việc con được quyền nêu ý kiến về những điều luật của gia đình và đã đồng ý với chúng, từ đó hình thành ở trẻ thói quen cam kết và chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình.

Khi trẻ tuân thủ theo đúng bộ quy tắc như ngủ đúng giờ, đi học được điểm tốt… trẻ sẽ được thưởng, còn phạt không phải là trách mắng mà là không được thưởng. Thưởng phạt theo nhu cầu tinh thần để tránh gây tổn hại và tạo ức chế cho trẻ.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]