Về Hải Lựu gặp và trò chuyện với những lớp người “thất thập cổ lai hi” về hội chọi trâu nơi đây trong những ngày tết đến, xuân về dường như thấy có một sự chộn rộn và lòng đầy háo hức “Hội chọi trâu quê tôi có lâu đời lắm rồi, có trước cả hội chọi trâu Đồ Sơn đấy. Vui lắm, hấp dẫn lắm. Khi hội mở, dòng người từ khắp nơi lại tấp nập tìm về” - ông Nguyễn Văn Thành (78 tuổi, xã Hải Lựu) khoe.

Tương truyền, lễ hội có từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên, lúc này nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, huyện Sông Lô để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ. Những “đấu sĩ trâu” sau khi “thượng đài” lại được mổ để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu tôn vinh thờ làm thành hoàng của làng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu có từ đó.

Từ năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta ở vào giai đoạn ác liệt. Cùng với nhiều lý do khác nên lễ hội chọi trâu Hải Lựu không được tổ chức. Cứ thế sự nguội lạnh đã kéo dài hơn nửa thế kỷ. Những tưởng sự quên lãng về một lễ hội dân gian truyền thống sẽ bị chôn vùi theo lớp bụi thời gian.

Tuy nhiên bước sang thế kỷ XXI, khi đời sống kinh tế của người dân khá hơn, sự thức tỉnh về những giá trị văn hoá mang tính truyền thống lại trỗi dậy. Ý thức được điều đó, chính quyền địa phương nơi đây đã tổ chức và cho phục hồi lại lễ hội chọi trâu.

Năm 2002 lễ hội chính thức được khôi phục, cũng đánh dấu lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ hội “thượng đài” cho các “ông cầu” khi mùa xuân tới. Nói về những ngày gian khó để tìm cách phục dựng lễ hội, ông Hà Văn Thư – Chủ tịch UBND xã Hải Lựu - cho biết, khó nhất là việc đi sưu tầm cách thức tổ chức và công việc đi tìm chọn trâu chọi.

“Chúng tôi phải cho cán bộ đi hỏi chuyện, thu thập từ các cụ cao tuổi. Xã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với sự tham gia đóng góp ý kiến của các cụ cao tuổi. Bên cạnh đó còn phải cử cán bộ đi Đồ Sơn, Hải Phòng để học kinh nghiệm tổ chức của địa phương bạn” - ông Thư cho hay.

Trong vô vàn sự khó khăn khi phục dựng lại lễ hội - chính quyền xã Hải Lựu lại có một thuận lợi vô cùng quan trọng, đó là sự ủng hộ của nhân dân. Chính vì thế, mặc dù trở lại với những bước đi “chập chững”, nhưng hội chọi trâu Hải Lựu đã nhanh chóng để lại những dấu ấn khó quên.

Kinh nghiệm tổ chức được tích luỹ, bắt đầu từ năm 2004, lễ hội đã có sự thay đổi khi thời gian tổ chức được kéo dài trong hai ngày 16 -17 tháng giêng. Theo ước tính, mỗi năm hội mở có khoảng hơn 3 vạn khách từ khắp nơi trong vùng và các tỉnh xung quanh như Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang... đã về dự.

Có lẽ nét văn hoá độc đáo của chọi trâu Hải Lựu là việc các “đấu sĩ” trâu được các tập thể cùng tham gia nuôi dưỡng, huấn luyện (mỗi tập thể thường là các xóm, thôn hoặc họ tộc, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, nông dân...). Hằng năm, vào khoảng tháng 7-8 các cộng đồng này lại góp tiền cử người lặn lội lên tận Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu...để tìm những giống trâu khoẻ đẹp, lăm to, mông nở để mua về. Trâu mua về được cả cộng đồng bình xét giao cho một gia đình tiêu biểu nuôi dưỡng, các gia đình khác có nghĩa vụ góp thức ăn nuôi trâu.

Sau gần nửa năm được chăm sóc, rèn luyện, những “đấu sĩ” trâu được “thượng đài”. Theo thông lệ hằng năm của ban tổ chức, cuộc so tài sẽ giành cho 24 “ông trâu” được chia thành 12 cặp đấu vòng loại, 12 trâu thắng sẽ tiếp tục tham gia vòng loại thứ hai, 6 trâu thắng sẽ tiếp tục vào vòng 3; 3 trâu thắng ở vòng loại thứ ba sẽ đấu vòng tròn để tranh thứ hạng nhất - nhì...

Sau những trận thư hùng quyết liệt, trâu thắng, trâu thua đều được giết thịt. Miếng thịt trâu chọi sẽ làm món quà quý giá đầu năm cho những du khách về thăm lễ hội. Miếng thịt trâu chọi sẽ làm đậm đà thêm cho mâm cỗ. Để mọi người cùng nhau vui vẻ ngồi thưởng thức, trò chuyện, trầm trồ ngợi khen, bình về những miếng võ đẹp của “ông trâu”. Khi ra về, quý khách được sự vui cũ, thoả mãn và không quên năm sau lại tìm rủ nhau ngược sông Lô.

Quốc Khánh