Giải pháp giúp giảm tải tuyến trên trong lĩnh vực nhi khoa

Thực tế cho thấy mặc dù hệ thống cơ sở y - dược tư nhân ở nước ta đang phát triển nhưng bệnh viện tuyến trên vẫn luôn quá tải, nhất là các khoa nhi.

15.6084

Các bác sĩ chuyên khoa nhi tuyến trên khi trở về phòng mạch của mình, tình trạng các cháu được bố mẹ đưa đến vẫn đông nghìn nghịt. Vì sao số lượng trẻ ốm nhiều như vậy? lên tuyến trên nhiều thế?... Để giảm bớt tình trạng này, một số giải pháp được đưa ra:

Tăng cường công tác giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng  

Đây là cách đưa kiến thức đến với người dân nhanh nhất và hiệu quả nhất, người dân biết cách nhìn nhận vấn đề không nhất thiết cứ phải đưa con lên tuyến trên mới được chữa  tốt (trừ những bệnh khó, cần tới phương tiện, kỹ thuật cao) thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi TW.Ảnh: TM

Người dân  hiểu được mô hình và diễn biến của một số bệnh  thường gặp ở cộng đồng. Khi  trẻ ho, sốt đến khám ở bất kỳ đâu thì thầy thuốc cũng phải dựa vào đó để tìm nguyên nhân mới điều trị trúng. Mỗi đợt điều trị ho, sốt do virus cũng mất 5-7 ngày, do vi khuẩn cũng phải từ 5-10 ngày mới lui bệnh. Từ đó họ hiểu khi nào cần lên tuyến trên và sẽ yên tâm cho con điều trị tại tuyến dưới (thường ngày thứ 2-3 chưa dứt triệu chứng, các ông bố bà mẹ đã vội vàng đưa con vượt lên tuyến trên hoặc dễ lạm dụng thuốc).

Trẻ ốm nhiều một phần là do muôn kiểu lạm dụng thuốc, bệnh nọ xọ bệnh kia. Các phương tiện truyền thông hãy kêu gọi người dân nói không với thuốc không  tên, không rõ nguồn gốc, kể cả thuốc do bác sĩ (BS) tự chế  (thuốc nhỏ mũi, nhiều khi hỏng mũi). Lợi nhuận (có khi siêu lợi nhuận) do bán được nhiều thuốc. Đã có trường hợp, một mũi tiêm của một TS tại quận Hà Đông, Hà Nội có giá 200.000 đồng cuối cùng bệnh nhân bị lở hết mặt... Người dân cần biết khi đến khám nếu BS không cho biết tên thuốc thì  đó cũng là một sự lừa bịp? BS đã tự đánh mất tính đàng hoàng cần có, là vi phạm quy định của Bộ Y tế, là vi phạm y đức. Những cơ sở như vậy không đáng để người dân tin cậy... trong khi  một lọ dấm hay một gói muối cũng có thành phần, hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... (Chưa thấy cơ quan chức năng phổ biến cho dân về vấn đề này).

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở công - tư

Là vấn đề khó nhưng vẫn có thể làm được chỉ cần Bộ, Ngành đưa ra những qui định:

Bắt buộc phải có khâu tư vấn chăm sóc và tư vấn sử dụng thuốc vào quy trình khám chữa bệnh trẻ em (được coi như một tiêu chí) như sau:

+ Khi khám bệnh cần phải khai thác tiền sử dùng thuốc (thực tế thường bỏ qua). Sự uống thuốc chồng chéo gây tích lũy, thừa hoặc bị tác dụng phụ mà không biết. Khám bệnh theo kiểu "ào ào", chờ cả buổi mới được khám 2 phút. Khám nhanh  thì ít chính xác .

Chất lượng khám chữa bệnh không phụ thuộc vào quảng cáo là thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ, tu nghiệp nước ngoài... Vì là gì chăng nữa thì cuối cùng vẫn phải dựa trên những qui tắc đạo đức nghề nghiệp, sự chuẩn mực mà trước tiên phải là của một bác sĩ đã, để hành nghề. Có nơi dân cũng phải xếp hàng để lấy số. Lẽ ra cần có  sự định hướng của các nhà quản lý chức năng giúp người dân hiểu biết để lựa chọn (tại sao con mình dùng nhiều thuốc mà lại hay ốm thế)... Lựa chọn chất lượng dịch vụ tốt, sức khỏe sẽ được bảo vệ, trẻ ít ốm đau và thực trạng dồn lên tuyến trên sẽ giảm.

+ Xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình khám chữa bệnh - tư vấn chăm sóc - giáo dục sức khỏe trẻ em. Nhà nước sẽ phổ biến cho dân biết những lợi ích của loại hình phòng khám này. Khi trẻ mới ốm hãy khuyên các ông bố bà mẹ đưa con tới đó trước, làm sao để nơi này trở thành một cơ sở định hướng được về các vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ hoặc người dân nói chung. Sau đó có lời khuyên hoặc giúp chuyển  tới cơ sở dịch vụ cao hơn có uy tín.

+ Xây dựng tiêu chí để đánh giá một phòng khám chữa bệnh tốt như phải có thực hành kê đơn tốt, phải có tư vấn dùng thuốc và tư vấn giáo dục chăm sóc sức khỏe tốt;  độ tái ốm thưa. Dịch vụ y tế công - tư đều phải thực hiện dựa trên những điểm cơ bản của  phác đồ của Bộ Y tế. Nếu có thay đổi cơ quan đầu ngành phải thông báo cho các cơ sở.

+ Thiết lập một tổ chức để thu thập tình hình khám chữa bệnh tư nhân, thu thập ý kiến hoặc báo cáo từ những cơ sở đó (nhiều nơi muốn có ý kiến nhưng không biết phản ảnh về đâu, để tình trạng như hiện nay thật là trôi nổi nếu không nói là "bát nháo").

+ Chú ý công tác tuyển dụng cán bộ ngành y tế (cần có chuyên đề về vấn đề  này).

Chất lượng khám chữa bệnh ở bất kỳ tuyến nào đều rất cần sự tận tâm. Cần có khảo sát y đức của các cơ sở y tế từ TW tới địa phương bởi qua ý kiến của người dân thì không những nhân viên y tế ở tuyến trên hay quát tháo, cáu bẳn, hoặc kiệm lời, lạnh lùng (vì quá tải) mà ngay tại những cơ sở vắng bệnh nhân cũng tỏ ra " thô lỗ" với người dân khi họ đến trạm y tế hoặc trung tâm y tế. Về lâu dài sẽ phân biệt công tư rõ ràng để có sự cạnh tranh lành mạnh. 

BS. Hữu Thuận

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]