Giúp trẻ hòa đồng với bạn bè

Khi trẻ ở nhà, vốn đã quen với sự bao bọc, chăm sóc của bố mẹ vì thế khi ra ngoài môi trường mới, trẻ dễ bị hụt hẫng và sợ hãi. Để giúp trẻ trở nên thích ứng nhanh và hòa đồng với bạn bè hơn bạn nên dạy cho trẻ sự tự tin, dũng cảm...

15.6028
  • 1

    Tạo sự tự tin, tự lập

    Trẻ nhỏ vốn rất nhạy cảm và đã quen với sự bao bọc của bố mẹ nên khi bước vào một môi trường mới thường sẽ cảm thấy choáng ngợp và sợ hãi. Để giúp bé thoát khỏi tâm lý ấy, trước hết bạn cần rèn giũa sự tự lập, tự tin cho bé ngay từ khi ở nhà, đừng biến bé thành “búp bê trong lồng kính”, hãy cho bé được thỏa thích chơi đùa trong sự bao quát của cha mẹ.

    Hãy tôn trọng và để bé tự làm, tự quyết định một số việc nhỏ như xúc ăn, lấy quần áo mặc, đi vệ sinh... Khi bé có thể tự lập được trong nhiều việc, bạn có thể khuyến khích bé biểu diễn trước cả gia đình, rồi trước bạn bè... Hoặc rủ rê, khuyến khích bé chơi với các bạn hàng xóm. Dần dần, bé sẽ tự tin và mạnh dạn hơn. Đây cũng là cách để bạn bước đầu giúp bé phát triển các kỹ năng xã hội.

  • 2

    Giúp bé cảm thấy an toàn

    Môi trường mới còn nhiều lạ lẫm thường khiến trẻ rụt rè và có phần sợ hãi vì vậy, bạn hãy giúp trẻ bình tĩnh và cảm thấy an toàn hơn ví như khi đi gửi trẻ đừng vội để bé ở đó một mình. Bạn hãy cùng bé một lúc cho tới khi bé cảm thấy quen với nơi mới. Bạn cũng trấn an bé bằng cách thủ thỉ với con rằng đây là trường học, con sẽ được học múa, học hát, cùng chơi đồ chơi với cô giáo và các bạn... để bé cảm thấy hứng khởi hơn.

  • 3

    Hãy làm gương cho trẻ

    Trẻ em luôn nhìn vào bố mẹ chúng để học hỏi và phấn đấu vì thế nếu bạn muốn con mình trở nên hòa đồng hơn thì chính bạn phải thực hiện điều đó trước. Cách làm này bạn có thể thực hiện ở bất kỳ chỗ nào, ví dụ: khi đến công viên, bạn có thể bắt chuyện với các bà mẹ khác, hỏi về con cái họ và đừng quên giới thiệu bé với họ... Thông qua đó, bạn đang chỉ cho trẻ thấy cách làm thế nào để bắt đầu câu chuyện, cách để làm quen với người khác…

  • 4

    Dạy con sự dũng cảm

    Trong những tình huống thử thách, bé sẽ thể hiện bản thân rõ nhất. Vì thế, hãy cho bé "xông pha" nhiều hơn, đi nhiều nơi, trò chuyện và làm quen nhiều người. Ví như, khi đi đường gặp một cụ già đang cần qua đường, hãy nói với bé: "Mẹ con mình cùng giúp cụ già qua đường nhé". Hay gặp một em bé nhỏ hơn đang khóc, bạn động viên: "Con ra dỗ em đi" hay "Mang cho em đồ chơi để em nín nhé". Đang tập cho bé đi xe đạp mà bé sợ, bạn có thể nói "Bạn Tôm đi xe đạp rất giỏi. Con cũng đi giỏi như thế nhỉ?"...

    Khi bé đã làm được, hãy khen ngợi bé. Khi thấy mình trở thành một "anh hùng", bé sẽ trở lên mạnh dạn và tự tin.

  • 5

    Khuyến khích trẻ tham gia chơi nhóm

    Đừng để trẻ chơi một mình hãy khuyến khích con chơi cùng những nhóm bạn khác, cả những nhóm nhỏ lẫn nhóm lớn, cả hai đều có tác dụng tích cực như nhau, hãy để con tùy ý lựa chọn theo ý thích của riêng mình.

    Dễ chơi nhóm nhất là những đứa trẻ cùng khu, bạn hãy giúp bé tham gia chơi chung nhóm với những trẻ này. Nếu trẻ vẫn ngại tiếp xúc, bạn có thể tham gia nhóm chơi cùng bé hoặc bạn có thể dùng cách kết nối các ông bố bà mẹ với nhau trở thành một nhóm, nghĩa là cho trẻ tham gia chơi cùng mấy gia đình người bạn có con tầm tuổi bé để tạo sự thân thiết. Khi đó, trẻ sẽ được tiếp xúc, giao tiếp nhiều, nhất là khi thấy các bố mẹ cũng thân thiết với nhau, trẻ sẽ học theo.

  • 6

    Cho phép bạn của con đến nhà chơi

    Bạn có thể bắt đầu bằng việc cho phép các bé đồng trang lứa, hoặc lớn hơn đến nhà chơi vì trẻ rất thích giới thiệu những thứ mình có với những trẻ khác.

    Khi đó, bạn có thể trông chừng bọn trẻ, song đừng can thiệp lúc chúng chơi với nhau, rồi bạn sẽ thấy, trẻ nào đối xử tốt với con bạn, trẻ nào không. Đồng thời, qua đó bạn còn có thể nhận ra bé nhà mình có gặp vấn đề trong giao tiếp xã hội hay không (quá ghê gớm hoặc quá nhút nhát).

  • 7

    Trở thành bạn cùng chơi với con

    Hãy dành những khoảng thời gian để chơi đùa cùng con, có thể chỉ có bạn với bé mà thôi. Đây là cơ hội để bạn hiểu những thiên hướng cá nhân của bé và giúp con định hướng những kỹ năng giao tiếp. Chẳng hạn, nếu những trò đố vui hoặc những họat động đòi hỏi nhiều sự tập trung, khiến con bạn dễ chán nản và thất vọng, bạn nên loại chúng ra khỏi danh sách những trò chơi dành cho bé.

  • 8

    Khuyến khích con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa

    Bạn đừng ngại cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa vì sợ con sẽ bị ngã, bị vấy bẩn…Bởi lẽ đó là nơi con bạn có cơ hội gặp gỡ những trẻ có “chung chí hướng”, có những nét tính cách tương đồng . Thêm vào đó, hoạt động ngoại khóa thường có những trò chơi ngoài trời vì vậy nó sẽ thu hút với trẻ hơn và qua đó, trẻ sẽ có thể giao lưu, kết bạn với những trẻ khác.

  • 9

    Nhờ cô giáo giúp bé hoà đồng với bạn bè

    Khi đến trường, nếu con bạn khó kết bạn, hãy nhờ cô giáo cho ghép nhóm với những trẻ có tính cách tương tự. Sự giống nhau sẽ giúp bé không có cảm giác bị cô lập, sau đó để bé dần dần tham gia cùng chúng bạn trong học tập và những trò chơi trên lớp. Trẻ sẽ cảm thấy thu hút và mong muốn cùng làm chung việc với những đứa trẻ khác.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]