Hành trang vào đời

Ông Kato Fukukazu (Đinh Văn Phước), cựu Tổng giám đốc Tsubaki Yamakyu Chain Co., là người Nhật gốc Việt và là người Việt Nam đầu tiên được một doanh nghiệp Nhật giao quyền điều hành. Có lẽ chính sự tận tụy, gắn bó cùng Công ty với tinh thần dấn thân, hết lòng vì công việc và không ngừng sáng tạo đã giúp ông tạo được sự tín nhiệm này. Trong chuyến về quê hương thăm gia đình mới đây, ông Kato Fukukazu đã có buổi nói chuyện về con đường dẫn đến thành công với sinh viên Trường Đại học Hoa Sen.

15.5968

Đọc E-paper


>


>

Các em rồi đây sẽ rời trường học bước vào trường đời, bắt đầu sống tự lập. Có người sẽ thừa kế cơ sở kinh doanh của cha mẹ, có người sẽ tự mình đứng ra kinh doanh và phần lớn sẽ đổi chỗ làm nhiều lần, lăn lộn nhiều năm trong một số doanh nghiệp hay trong guồng máy nhà nước.

Chắc chắn ai cũng muốn mình thành công, làm được những gì muốn làm. Nhưng thực tế không phải ai đi làm cũng thành đạt, ai kinh doanh cũng phát triển.

Thành công của mỗi người thường bị chi phối bởi hai yếu tố: môi trường bên ngoài và chính bản thân chúng ta.

Yếu tố bên ngoài là vô cùng quan trọng, có thể phát huy hay bóp chết khả năng của mỗi con người. Đó là những gì chúng ta không lựa chọn được, chỉ có cách sống cùng với chúng và nỗ lực tìm cách thay đổi chúng. Khi vững tin vào mình, năng nổ, dám nhận công việc khó, nỗ lực và bền chí là chúng ta đã đi đúng đường dẫn đến thành công.

Người ta thường nói: Chúng ta sống trong thời đại tự do cạnh tranh dựa trên cơ sở bình đẳng về cơ hội. Thực tế không phải vậy, ngay từ khởi điểm đi tìm việc làm, phải nhìn thẳng vào thực tế: mỗi người chúng ta đều không có sự bình đẳng về điều kiện và cơ hội. Có những yếu tố nằm ngoài khả năng và trách nhiệm của chúng ta.

Chẳng hạn như lý lịch cá nhân, cơ sở tiền bạc, địa vị hay sự quen biết của cha mẹ ngoài xã hội, môi trường giáo dục gia đình... tạo nên các tình huống bất bình đẳng cho mỗi người ngay từ giờ phút khởi đầu này. Tuy nhiên, cái thú vị trên trường đời là không nhất thiết "kẻ nào mạnh kẻ ấy thắng", mà "kẻ thắng mới là kẻ mạnh".

Muốn thành công, phải chấp nhận những gì mình đang có, không hề nao núng và tự mình mở ra cho mình một vận hội mới, kẻ yếu vẫn có cái thế để trở thành người thắng cuộc.

Nhưng chỉ khi nào bắt tay vào hành động, chúng ta mới có cơ hội thành công. Thành công trong cuộc đời của một người chính là con số cộng tất cả kết quả hành động của người ấy. Và hành động đầu tiên là phải xác định mục tiêu thật cụ thể cùng với thời hạn phải hoàn thành.

Có mục tiêu và đạt mục tiêu từng bước một sẽ khích lệ, thúc đẩy ta có ham muốn vươn lên tầm cao hơn. Kế đó, phải cam kết với chính mình và đồng đội sẽ thực hiện cho kỳ được mục tiêu, dù có gặp khó khăn cũng không dao động, không bỏ cuộc. Cam kết chính là thói quen giữ lời hứa, là tinh thần trách nhiệm, đã hứa thì phải thực hiện cho bằng được.

Không lãnh trách nhiệm thì thôi, còn đã nhận trách nhiệm thì phải làm cho tới nơi tới chốn. Không làm được hay làm hỏng việc phải tự mình chịu trách nhiệm, không đổ thừa cho người khác, cho xã hội. Bên cạnh đó, phải quý mến đồng nghiệp và biết kết hợp mọi tiềm năng.

Nếu biết cách kết hợp mọi tiềm năng của cá nhân và tổ chức đến mức tối đa sẽ giúp tạo ra một vận hội mới, hay bước đột phá đến một chân trời mới mà không cần đến những tài năng xuất chúng.

Trong suốt cuộc đời làm việc của tôi, vì nhận thức được mình không có tài năng vượt trội, Công ty không có tích lũy kỹ thuật cao nên tôi đã chọn cách "kết hợp mọi tiềm năng" cho chính mình và cho việc hoạch định con đường phát triển của Công ty.

Khi thiết kế một sản phẩm mới, tôi đòi hỏi nhân viên chịu trách nhiệm, phải hiểu rõ yêu cầu của khách hàng, giải quyết các khiếu nại về khuyết tật kỹ thuật, cải thiện các điểm yếu của sản phẩm hiện có hay sản phẩm của đối thủ.

Trong khi tiêu chuẩn kinh doanh trên thế giới là "high tech - high risk - high return" thì tôi áp dụng tiêu chuẩn ngược: "low tech - low risk" nhưng kết quả vẫn được "high return".

Chúng ta đang bước vào thời kỳ toàn cầu hóa mà ở đó kỹ thuật IT (Information Technology) giúp mọi người tiếp cận với kiến thức mới nhất của thế giới hay trao đổi ý kiến, thông tin với các đối tác trên toàn cầu - điều kiện mà các thế hệ khoảng trước năm 1990 không có.

Kỹ thuật IT là một "time machine" (tạm dịch: cỗ máy thời gian) đốt giai đoạn, giúp các em "nhảy vọt". Trong chiều hướng đó, môi trường hoạt động, thi thố tài năng của các em sẽ không bị giới hạn trong vùng đất của quê hương mà sẽ lan rộng ra ngoài thế giới.

Vì thế, các em cần nuôi dưỡng tính tò mò, cầu tiến, cương quyết tự mình đổi mới, siêng năng trao đổi, truyền đạt không những ý kiến, thông tin mà cả lý tưởng, niềm tin, chí hướng để tranh thủ lòng người, hết lòng hợp tác và tìm sự cộng tác của mọi người, đồng thời phải biết theo đuổi mục tiêu, nhiệm vụ được giao phó và không bao giờ bỏ cuộc.

Thành công trên đường đời khó hay không khó hoàn toàn tùy thuộc vào cách suy nghĩ, ý chí và nỗ lực của mỗi người. Không có người nào thành công mà không có đam mê, không ấp ủ một ước mơ cháy bỏng. Đam mê là ngọn lửa thúc đẩy con người luôn muốn vươn lên đạt mục tiêu ở tầm cao hơn.

Đam mê, nhiệt tình là ngọn lửa có sức nung chảy những tranh chấp, tỵ hiềm nhỏ nhen trong tổ chức, để rồi làm đông đặc lại tình đoàn kết cùng nhau hướng mọi nỗ lực vào việc thực hiện mục đích chung. Không có đam mê và nhiệt tình, tiếng nói của chúng ta sẽ không có sức mạnh, không gây ấn tượng và không thuyết phục được ai.

Thành công trong đời sống tự lập là vấn đề riêng của mỗi người nhưng lại ảnh hưởng chung đến xã hội. Và thành công của thế hệ trẻ là cơ sở xây dựng nên một xã hội Việt Nam phồn thịnh. Nó là cội rễ của nền độc lập quốc gia, vì nếu người dân không có tinh thần tự lập, chỉ sống ỷ lại, suốt đời lầm than thì quốc gia cũng khó có thể giữ vững nền độc lập!

HỒNG NGA ghi
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]