“Hãy hành động quyết liệt để đạt được mục đích”

15.5916
Diễn giả Nguyễn Tuấn Anh

- Con người ai cũng mong muốn vừa giàu có, vừa hạnh phúc. Nhưng để đạt được điều đó, không thể “há miệng chờ sung” được. Vậy anh có thể cho biết hành động có giá trị như thế nào trong việc tạo ra một kết quả tốt?

Mọi sự vật được tạo thành đều do hai lần sáng tạo. Lần thứ nhất là sáng tạo về mặt tinh thần, đó là bạn phải hình dung ra trước sự việc sẽ xảy ra như thế nào. Lần thứ hai là sáng tạo về mặt vật chất, tức là thực hiện những gì mình hình dung ra.

Hành động có giá trị như chiếc cầu nối giữa những gì bạn suy nghĩ và kết quả mà bạn sẽ đạt được. Nó biến những gì bạn mơ ước, dự định thành hiện thực. Giống như khi xây một căn nhà, đầu tiên bạn phải có một bản thiết kế, sau khi có bản thiết kế rồi bạn mới bắt tay vào xây căn nhà đó. Thiết kế một căn nhà liên quan đến quá trình tư duy trong bộ não, nó xác định mục đích, hướng đi và những dự định của bạn. Xây căn nhà đó chính là những hành động của bạn, đó là những kỹ năng, cách thức bạn thực hiện những dự định của mình.

Thiết kế một căn nhà cũng như một cuộc đời là quá trình lãnh đạo bản thân. Xây căn nhà hay xây dựng cuộc đời mình là quản lý bản thân. Để có một kết quả tốt, hành động cần phải “đúng”, tuy nhiên nếu hành động mà “đúng” nhưng tư duy lại sai thì điều đó còn tai hại hơn nhiều. Tuy nhiên thành công được dựa trên những phán đoán đúng, phán đoán đúng lại dựa trên những kinh nghiệm tốt, mà những kinh nghiệm tốt lại dựa trên nhiều phán đoán sai. Chính vì vậy nếu không hành động bạn không thể biết lúc nào bạn đúng, lúc nào bạn sai. Hành động có giá trị chỉ cho bạn biết, bạn nên đi như thế nào.

- Để liệt kê tất cả các hành động cơ bản của con người, anh có thể chia ra thành những loại hành động như thế nào và ví dụ cho từng loại hành động đó?

Thật khó để phân loại xem có những loại hành động nào, tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì luôn luôn có 4 loại hành động. Con người của chúng ta là một thực thể 4 chiều, bao gồm thể xác – trí tuệ - tâm hồn – tâm linh. Chính vì vậy chúng ta đang cùng một lúc sống trong 4 thế giới, thế giới vật chất, thế giới tư duy, thế giới tình cảm và thế giới tinh thần. 

Con người có 4 nhu cầu: nhu cầu sống, yêu thương, học hỏi và sống có ý nghĩa. Trên cơ sở như vậy, con người ta có 4 loại hành động: hành động kiếm sống phục vụ mục đích cá nhân, hành động liên quan đến các mối quan hệ, đó là giao tiếp. Những hành động liên quan đến định hướng nghề nghiệp và học hỏi phát triển và cuối cùng là những hành động thuộc về tinh thần, đó là những hoạt động, tìm kiếm một cuộc sống có ích, có mục đích và để lại những giá trị, di sản cho đời sau. 

- Giữa một người có tư duy tốt nhưng lười và một người tư duy tồi nhưng lại rất chịu khó hành động thì kết quả của họ khác nhau như thế nào? Anh có thể chia sẻ một ví dụ về điều này?

Thế nào là một người có tư duy tốt, tư duy tốt ở đây không phải là người có IQ cao hay thông minh mà là người có cách nghĩ, khả năng định hướng tốt. Nếu một người như vậy mà “lười biếng” có khi lại tốt, bởi vì họ sẽ biết lựa chọn hành động nào là đúng, hành động nào nên làm.

Còn với một người thích hành động nhưng ít tư duy thì cũng giống như một dòng sông vậy, những người này quen phản ứng, linh hoạt và thích nghi nhưng họ không biết là hành động nào là đúng trước khi hành động. Chỉ sau khi hành động họ mới rút ra được kinh nghiệm và bài học để lựa chọn hướng đi tốt.

Theo tôi thì loại người thứ nhất là những người thành công nhất trong xã hội, trước khi làm gì họ thường có tầm nhìn, họ nhìn thấy rõ ràng mục đích của mình, họ biết rõ mình muốn gì và tại sao. Họ biết mình nên đi về đâu trước khi biết nên đi như thế nào. Lúc đầu họ có vẻ lười biếng nhưng sau đó thì họ sẽ rất chăm chỉ và hành động liên tục cho đến khi đạt được mục đích của mình.

- Bản thân anh là một diễn giả, một lãnh đạo và có nhiều trải nghiệm, lăn lộn trong cuộc sống, anh có thể chia sẻ một câu chuyện đáng nhớ nhất của anh minh chứng cho sức mạnh của hành động?

Năm 1981, tôi vốn là một người học giỏi nhưng lại thi trượt đại học. Sau khi trượt đại học, tôi quyết định lựa chọn vào học trường Sỹ Quan Chỉ Huy Kỹ Thuật Thông Tin, tức là nghiệp Quân Đội cả đời. Sau hai năm theo học, tôi nhận ra mình đã đi sai đường, quân đội không phải là nơi tôi gắn bó vì tôi không phải là tuýp người thích kỷ luật mà tôi yêu thích sự sáng tạo, lãng mạn và coi trọng tự do cá nhân hơn. Chính vì vậy tôi đã quyết định rời bỏ trường mà mình học. Để làm được điều này tôi bị kỷ luật, khai trừ khỏi Đoàn TNCS HCM, bố mẹ tôi bị khủng hoảng và nhận được sự dè bỉu của nhiều người.

Nhìn lại trong số các quyết định của cuộc đời mình, tôi coi đây là một trong những hành động quan trọng nhất, quyết liệt nhất và đúng đắn nhất. Nó đòi hỏi sự dũng cảm, sự trả giá và dám từ bỏ những gì quen thuộc, lúc đó tôi đã dám đi ngược dòng và dám đối đầu với thiên hạ.

- Theo anh khi đứng trước một sự việc và cần phải hành động thì cần có động lực thế nào để có thể thực hiện được hành động đó?

Theo tôi thì động lực lớn nhất chính là viễn cảnh. Viễn cảnh chính là sự hình dung hay tầm nhìn của bạn về những gì chưa xảy ra. Bạn nhìn thấy những giá trị, lợi ích và những gì tốt đẹp nếu bạn dám lựa chọn hành động đó.

- Trước khi hành động một việc gì đó, theo anh có nên nghĩ nhiều đến kết quả của nó và coi đó như là mục tiêu cao nhất để đạt tới không?

Đó là điều nên nghĩ đến nhiều nhất và lâu nhất, quan trọng nhất rồi sau đó bạn mới nên nghĩ đến những thứ khác. Nghĩ về kết quả cũng có nghĩa nó thể hiện sự định hướng, mục đích, biết rõ bạn muốn gì. Nếu bạn làm được điều đó bạn đã đi được nửa con đường thành công. Những gì còn lại chỉ là sự trả giá để đạt được những gì mình mong muốn. Nhiều người thường hay nghĩ đến việc “làm thế nào để đạt được điều đó” hơn là “Tại sao tôi lại phải làm điều đó”. What & Why bạn cần nghĩ đến đầu tiên rồi mới nên tập trung vào How.

- Khi quyết định hành động trước một sự việc mà kết quả không như mong muốn, anh có tiếc nuối? Nếu có thì làm thế nào để giải quyết tiếc nuối sau hành động?

Tôi chưa bao giờ tiếc nuối về những sai lầm hay thất bại của mình. Có thể tôi đã rất đau khổ vì những gì diễn ra không đúng như mong đợi. Tôi gặm nhấm những nỗi đau đó và quan sát quá trình đó với tư cách người thứ ba quan sát bản thân. Theo thời gian, không gian nỗi đau không còn nữa, tôi có được bài học mới. Phần thưởng cho sai lầm và thất bại chính là bài học.

- Theo anh khi hành động, sự sáng tạo có xuất hiện? Và sự sáng tạo đó sẽ như thế nào?

Khi hành động, tôi luôn điều chỉnh và sự sáng tạo thường xuyên xuất hiện. Sự sáng tạo đó đối với tôi là làm khác đi, làm khác người. Đối với tôi sự sáng tạo thường bất ngờ và là kết quả của trực giác nhưng nó được kế thừa có quá trình từ trước.

- Để dành một lời khuyên tới các bạn trẻ về viêc hành động trên con đường tiến tới thành công, giàu có và hạnh phúc, anh sẽ chia sẻ điều gì?

Đối với các bạn trẻ, tôi chỉ có một lời khuyên thế này: Hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để suy nghĩ xem mình nên đi về đâu, đó là khám phá bản thân, biết rõ điểm mạnh, niềm đam mê, biết rõ mình muốn gì, xác định một tầm nhìn rõ ràng cho cuộc đời. Sau khi làm được điều đó thì hãy hành động quyết liệt, trả giá để đạt được mục đích mà mình đã tin tưởng. 

- Hành động anh thường làm vào dịp đầu năm mới là gì? Ý nghĩa của hành động đó?

Hành động của tôi vào dịp năm mới của tôi là suy nghĩ. Tôi suy nghĩ về chặng đường một năm đã qua và tương lai cho một năm đến một năm rưỡi tiếp theo. Tôi xác định điều mình cần phải đạt được, lựa chọn những hành động mà mình cần hành động trong tương lai.

- Nhân dịp đầu năm 2013, anh có thể dành một hành động gì đó có ý nghĩa cho các thành viên mạng xã hội hoclamgiau.vn?

Tôi sẵn sàng dành một chương trình diễn thuyết miễn phí cho tất cả các bạn thuộc cộng đồng Học Làm Giàu. Chủ đề “Định hướng cuộc sống & lãnh đạo bản thân”. Hy vọng IDT có thể tổ chức chương trình này, số lượng không dưới 500 người.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]