Jimmii Nguyễn coi fan là tất cả của thành công

Là một trong số ca sĩ hải ngoại về nước biểu diễn từ rất sớm, nhưng sau 10 năm, Jimmii Nguyễn mới ra album đầu tiên tại VN. Khoảng thời gian "thai nghén" cho một album sở dĩ kéo dài như vậy là vì bị chi phối bởi những "nguyên tắc nghệ thuật chân chính", như lời anh bộc bạch.

0

- Người ta nói: Mời anh hát rất khó vì anh đòi cát-xê cao. Sự thật là thế nào?

- Tôi được mời thường xuyên và vẫn nhận lời đấy chứ. Chẳng qua có một số người tổ chức chương trình đòi ăn bát phở mà chỉ muốn trả tiền bằng bát nước lèo. Tôi có cả ban nhạc nữa. Họ làm sao sống? Nghệ thuật phải ra nghệ thuật. Họ không hiểu nguyên tắc nghệ thuật chân chính thì vui lòng đừng mời tôi.

- Thế vì sao những chương trình lớn cũng thường không có sự tham gia của anh?

- Tôi mong một ngày nào đấy, người ta sẽ nhìn thấy nghệ thuật chân chính phải được nâng đỡ như thế nào. Bây giờ người ta chỉ biết tiền và tiền. Họ không nghĩ gì về khán giả. Nhiều người không thích tôi nên họ nói bừa là tôi không còn sức hút nữa. Một ca sĩ như tôi, 14 năm không phát hành album nào tại Việt Nam, chưa bao giờ lên truyền hình, chỉ được hát không quá 20 bài nhưng có hơn 100 bài người ta biết đến tôi. Một số phòng trà lớn trong thành phố vẫn mời tôi hát 3-4 lần/tháng, những tụ điểm sân khấu vẫn đông đảo người xem tôi biểu diễn. Không hiểu họ nghĩ sao về điều này, hay họ vẫn khăng khăng không muốn nhìn nhận sự thật?

Nhạc sĩ - ca sĩ Jimmii Nguyễn. (Ảnh: Sành Điệu)

- Trước khi về Việt Nam, các chương trình ca nhạc ở hải ngoại cũng rất ít khi có sự góp mặt của anh. Nhiều Việt kiều về Việt Nam nói "Nguyễn đã hết thời", anh nói sao?

- Tôi góp mặt ít vì thứ nhất, thời gian tôi có mặt tại Việt Nam nhiều hơn ở hải ngoại. Thứ hai, những chương trình không phù hợp với tôi, tôi sẽ không tham gia. Tôi nghĩ, hết thời là không còn ai muốn nghe giọng hát của tôi, khi tôi không nhận được lời mời biểu diễn nào, thậm chí tôi không được mời phỏng vấn trên báo chí. Còn chuyện tôi nhận lời hay từ chối lời mời lại là chuyện khác.

- Các ca sĩ hải ngoại còn nói anh bị tẩy chay vì "chơi chiêu" mượn người làm fan. Khi anh hát trên sân khấu thì họ ra sức cổ vũ, thậm chí còn gào khóc. Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong lời nói ấy?

- Tôi không chơi chiêu, vì nếu chơi chiêu thì ít ra cái chiêu lip sync, hoặc dùng midi disc, tôi cũng nên "chơi" luôn mới phải. Còn việc fan ái mộ ra sao, như thế nào, tôi hoàn toàn không can thiệp và không kiểm soát được. Cũng may, tôi không "quà cáp" gì cho cuộc phỏng vấn này, nếu không chắc cũng có thể bị gọi là "chơi chiêu" nữa chứ không chừng.

- Nhận xét về thị trường âm nhạc hiện nay, điều làm anh khó hiểu nhất là gì?

- Là việc báo chí than oán quá nhiều về tình trạng ca từ và những sáng tác mới của lớp nghệ sĩ trẻ, nhưng lại không cho biết hoặc hướng dẫn thế nào là đúng. Chẳng hạn, nếu báo chí cho rằng, ca từ hiện nay không lành mạnh hoặc không sâu sắc, thì hãy lấy điển hình về sự ngược lại. Đem tôi ra làm thí dụ cũng được. Tôi nghĩ tôi cũng có thể được nhắc đến như một nhạc sĩ trẻ biết trau chuốt ca từ. Như thế tuổi trẻ mới có cái để so sánh và hiểu hơn, hoặc có thể vì cạnh tranh với tôi, họ sẽ biết phải làm gì với ca từ của họ.

- Nói về ca từ, anh đã có nhiều bài hát đi vào lòng người. Trong số đó, bài hát nào anh ưng nhất?

- Tôi rất yêu những sáng tác của tôi về tình yêu tuổi trẻ, nhưng Nhớ mẹ, Quê hương tôi nhớ lắm, Nỗi niềm kẻ ở miền xa là 3 ca khúc tôi không bao giờ quên được.

Có một lần, chú Trịnh Công Sơn mời tôi đến nhà chơi vì chú nghe nhiều người nói đến bài hát của tôi trong chương trình Duyên dáng Việt Nam, Một thoáng Sài Gòn... Tôi hồi hộp lắm vì lúc trước, có một nhà báo phỏng vấn chú về tình trạng ca sĩ, nhạc sĩ trẻ bây giờ, chú đã biểu lộ sự buồn bã và thất vọng. Chú Sơn nói, chẳng có nhạc sĩ trẻ nào làm chú để ý. Lúc tôi đến nhà chú thì thấy có chị Khánh Ly, nhạc sĩ Trần Tiến ở đó. Tôi cầm đàn và hát cho chú Sơn nghe. Vừa hát xong bài thứ nhất, chú Sơn đã bật khóc, đến bài thứ hai, chú lại khóc và bài thứ ba Nỗi niềm kẻ ở miền xa, chú lấy khăn lau nước mắt.

Chú chỉ nói một câu mà suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên: "Thằng này được lắm". Lúc bấy giờ nhạc sĩ Trần Tiến lên tiếng: "Nguyễn đã làm cây đại thụ khóc".

- Âm nhạc của anh có gì khác so với nhạc của mọi người?

- Âm nhạc của tôi là "Tôi", là những gì tôi cảm nhận trong cuộc sống, còn ngoài ra, tôi không dám so sánh với bất cứ ai khác. Mỗi người có cảm nhận riêng. Vết buồn của đứa bé không có quà Giáng Sinh cũng buồn không kém gì gã độc thân không người yêu.

- Chuẩn bị làm album đã lâu, sao giờ anh vẫn chưa cho ra mắt?

- Làm người nghệ sĩ đúng nghĩa thì "quái" lắm. Đúng là tôi đã cho phát hành album Làm sao vào năm ngoái. Nhưng khi nghe đi nghe lại, tôi vẫn chưa hài lòng về âm thanh, phối âm, phối khí nên bỏ hết làm lại. Bìa thì do chính tay tôi thiết kế. Nhiều đồng nghiệp cho rằng, tôi quá chi tiết một cách vô ích, vì người nghe bây giờ không cầu kỳ, họ chỉ bỏ một ít tiền ra mua đĩa lậu là đủ rồi. Nhưng tôi thì khác. Theo tôi, khán giả bây giờ rất để ý đến hình thức, lời ca và tiếng hát. Tình cảm của khán giả dành cho tôi bấy lâu nay cũng làm tôi phân vân và lo lắng không kém.

Tôi e rằng sau 14 năm trong nghề ca hát, mà đây là cuốn album phát hành đầu tiên tại Việt Nam của tôi, nếu không làm chu đáo thì quả thực tôi sẽ khiến họ thất vọng. Vì thế, tôi muốn cố gắng hết khả năng của mình để các fan hiểu rằng, tôi rất trân trọng họ. Đối với tôi, họ là tất cả.

- Còn album thứ nhì, anh định bao lâu sẽ ra?

- Tôi đã nói vì nghệ thuật chứ không phải vì thị trường, thậm chí cái bìa của tôi cũng khác người. Nếu như lần ra mắt album đầu tay này, được đông đảo khán giả đón nhận thì tinh thần tôi sẽ lên rất cao. Thêm vào đó, một khi tài chính tốt, tôi sẽ có cơ hội trình bày nhiều sáng tác mới và thể hiện nhiều khía cạnh nghệ thuật hơn nữa. Còn nếu khán giả không chân tình ủng hộ, vẫn mua đĩa lậu, vẫn vô tư hợp tác với những người "bóp chết nghệ thuật" thì cũng có thể 10 năm sau, tôi mới ra được album nữa.

- Với tình trạng đĩa lậu bày bán tràn lan như hiện nay, anh nghĩ số phận album này của anh sẽ ra sao?

- Điều đó không nói trước được. Ra album, có đĩa lậu phát hành khắp nơi cũng đã là một cái thắng, vì nếu đĩa không hay thì chẳng ai bỏ công làm đĩa lậu. Tuy nhiên xét về mặt kinh tế, mình sẽ thua thiệt vì công sức và vốn liếng bỏ ra quá nhiều. Chỉ có fan mới định đoạt được sự sống còn về mặt kinh tế của nghệ thuật.

Nếu có thể ủng hộ đĩa gốc thì cuộc đời sẽ đẹp biết bao. Tôi chỉ có một thắc mắc, nếu việc đốt pháo - thú vui trong dịp Tết - đã đi vào tập quán phong tục Việt Nam mà vẫn cấm được thì tại sao băng đĩa lậu lại không thể cấm?

- "Chuyện thời người thiếu nữ tên Trâm" là sáng tác mới nhất của anh, tại sao không là "Chuyện tình", "Chuyện đời" mà lại là "Chuyện thời"?

- "Thời" là khoảnh khắc của thời gian hiện diện người thiếu nữ tên "Trâm". Cô là liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Thời đấy, không chỉ có cô mà còn có biết bao người đã chiến đấu và nằm xuống. Khi đọc cuốn nhật ký viết trong thời chiến tranh của cô, tôi thật sự cảm động.

- Các ca sĩ tuổi anh đều đã có gia đình, còn anh?

- Thật không may, nàng Tiên gia đình chưa xuất hiện với tôi.

- Sức khoẻ, tiền bạc, tình yêu..., nếu chỉ được chọn một anh sẽ chọn điều gì?

- Tình yêu. Napoleon bị đầy ra hoang đảo cũng vì tình yêu. Ở hoang đảo làm sao có sức khoẻ và tiền bạc, nhưng cho đến hôm nay, người ta vẫn nhắc đến tình yêu của ông ấy. Tôi cũng thế, tôi muốn tình yêu của tôi sẽ được nhắc lại, nhắc lại...

- Nếu có nhiều cô gái cùng theo đuổi anh trong một lúc, anh cảm giác ra sao?

- Chết vì sung sướng, nhưng sẽ đau khổ, bầm dập nếu còn sống. Báo vừa rồi cũng đưa tin về một người đàn ông Ấn Độ phải vào nằm nhà thương cũng vì ông ấy đã lấy đến 4 bà vợ (cười).

- Trong cuộc sống anh là người như thế nào?

- Hãy kết bạn với tôi rồi sẽ biết. Nóng tính? Chỉ thua lửa một chút thôi.

- Anh nghĩ sao về dự định về Việt Nam định cư?

- Có chứ. Ngày họp báo ra mắt album, tôi sẽ tuyên bố ý định ấy.

- Câu châm ngôn anh yêu thích nhất là gì?

- "Hãy cho tôi tình yêu để được yêu".

(Theo Mỹ Thuật)

 

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]