Làm sao để đàn ông chịu “vào bếp”

15.5869
ANTĐ - Nói “vào bếp” ở đây không phải chỉ là một việc cụ thể là vào bếp và nấu nướng không thôi, mà ý nói người đàn ông sẵn sàng giúp vợ những công việc trước đây được mặc định cho người phụ nữ như nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm lo con cái… 

Trên thực tế, trong xã hội hiện đại, khi người phụ nữ đã tham gia và có nhiều vai trò (gần) tương đương với nam giới trong các lĩnh vực bên ngoài xã hội thì xem ra cuộc phân công lại vai trò, nhiệm vụ của người đàn ông và phụ nữ trong gia đình trở nên căng thẳng đối với nhiều cặp vợ chồng. Người đàn ông thì cho rằng việc nội trợ, chăm lo con cái là của người vợ, và nếu đàn ông vào bếp thì chắc chắn là những kẻ “hèn hèn”, không kiếm ra tiền. Trong khi đó người phụ nữ thì bức xúc về việc mình cũng phải lao động kiếm tiền như các ông chồng, trong khi đó thì mở mắt ra đã phải tất bật chợ búa, con cái, hết giờ làm việc trong khi các ông chồng được đi nhậu hay chơi thể thao thì các bà vợ lại phải lao vào bếp, cho con ăn, dạy con học và thức đêm nếu con ốm…

Việc “bình đẳng” không đòi hỏi phải tuyệt đối công bằng kiểu vợ nấu cơm thì chồng phải rửa bát… mà nó là sự chia sẻ phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình giữa người vợ và người chồng. Nếu trong một gia đình mà người chồng có công việc bận rộn, nặng nhọc và lo toan kinh tế nhiều hơn thì việc người vợ đảm đương phần chủ yếu công việc nội trợ là điều phù hợp. Ngược lại, trong gia đình mà vợ chồng đều có công việc bận rộn thì người chồng rất cần chia sẻ công việc với vợ để gia đình thêm hòa thuận. Vấn đề chia sẻ không nhất thiết phải “ôm” hết việc nội trợ, con cái, vì thực tế nhiều ông chồng thường vụng về hơn trong những công việc này và người phụ nữ cũng ít khi yêu cầu chồng làm tất cả mọi công việc. Chia sẻ đôi khi chỉ cần thi thoảng chồng tắm rửa cho con chẳng hạn, nấu bữa cơm khi vợ bận hoặc bế con buổi đêm khi vợ mệt, đừng đi nhậu nhẹt quá đà mà ỷ hết công việc cho vợ, hoặc có thể đơn giản chỉ là một lời động viên cũng khiến người vợ cảm thấy công việc vơi bớt đi nặng nhọc.

Tuy nhiên, để thay đổi cái lối nghĩ “là đàn ông thì chỉ làm những công việc to lớn” của người chồng, người vợ cũng cần phải khéo léo. Rất nhiều người vợ trẻ khi chồng không chịu giúp đỡ thì giận dỗi, bù lu bù loa, đá thúng đụng nia, chia việc, thậm chí “đình công” không nấu nướng giặt giũ cho chồng. Những trường hợp này, nếu chồng “xuống nước” thì cũng miễn cưỡng, còn nếu phải ông chồng “rắn” thì chắc chắn không khí gia đình sẽ trở nên căng thẳng, thậm chí nhiều gia đình tan vỡ cũng chỉ vì lý do vụn vặt này. Nhưng cũng có người khôn khéo hơn thì họ to nhỏ, nhẹ nhàng kêu gọi sự sẻ chia của chồng, khéo léo “lôi kéo” chồng vào những công việc gia đình. Ví như rủ chồng đi chợ cùng, khen khi chồng nấu bữa cơm ngon, nhờ chồng tắm cho con khi rảnh…

Nói chung là không có một khuôn mẫu chung nào cho các gia đình, vì có những người đàn ông bản chất đã tự nguyện và cảm thấy thoải mái khi làm những công việc này, có người không biết làm nhưng thay đổi khi được tác động, ngược lại có những ông làm hết cách vẫn không thay đổi. Vì vậy, người phụ nữ phải hết sức linh hoạt, phải lựa tính chồng để có những biện pháp phù hợp. Dù sao, điều quan trọng trên hết đối với cả người vợ, người chồng là phải biết nhường nhịn, giúp đỡ, chia sẻ, cảm thông với nhau bằng tình yêu thương, thậm chí cả hi sinh nữa thì gia đình mới bền chặt được.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]