Làng nghề “bức tử” môi trường

Thôn Xà Kiều, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội từ 20 năm trở lại đây phát triển nghề thu gom phế liệu. Trên khắp đường làng, ngõ xóm ngổn ngang đồng nát, sắt nhựa cũ... bốc mùi. Nước từ máy nghiền nhựa xả thải trực tiếp ra ao hồ, mương máng, trong khi các cấp lãnh đạo vẫn chưa có kiến nghị về việc xây dựng hệ thống xử lý nước tải tại thôn.

15.6084

Dân sống cùng phế liệu ngổn ngang

 Con đường vào làng rộng chưa đến 4 mét thì nay thu hẹp lại chỉ còn hơn 2 mét, bởi 2 bên đường chất ngổn ngang đủ dạng phế liệu, chủ yếu là sắt, nhựa... Mùi hôi vướng vất trong không khí khiến người đi đường phải nhăn mặt, bịt mũi.

Tình trạng này đã tồn tại từ lâu, đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây, khi số gia đình kinh doanh phế liệu tăng lên nhanh chóng. Các hộ làm nghề xan xát nhau, những “núi” phế liệu đủ loại như: chai lọ nhựa, xác xe máy, ti vi, sắt vụn... chất đống, ngổn ngang ở bất cứ chỗ nào, từ sân nhà cho đến đường xóm, cổng làng.

Nhiều gia đình làm ăn với quy mô lớn, họ lập xưởng sản xuất riêng, xây dựng kho chứa, thậm chí thuê thêm gần chục nhân công. Công việc chính của công nhân làm thuê là phân loại, chặt sơ các phế liệu có kích thước lớn để nhét vừa vào máy nghiền nhựa.

Điều kiện làm việc đòi hỏi người lao động phải tiếp xúc với phế liệu, trực tiếp hít thở bầu không khí bụi bặm, hôi thối. Khi được hỏi tại sao không đeo khẩu trang trong lúc làm việc, cô Nguyễn Thị Xuân, 46 tuổi, công nhân một xưởng nghiền nhựa lý giải: “làm việc liên tục, mồm miệng tranh nhau thở thế này thì còn đeo khẩu trang làm gì nữa”.

Người lao động làm việc trong điều kiện ô nhiễm môi trường trầm trọng

Không chỉ trong làng, mà ngay đoạn quốc lộ 21B dẫn qua thôn cũng ngổn ngang “xác” tivi, tủ lạnh, xe máy... dọc hai bên đường. Xe tải chở phế liệu rầm rập chuyển hàng tấn phế liệu qua lại trên cung đường ngắn qua làng. “Người làng này đi lại toàn dùng 2 xe 1 lúc thôi”, một người dân làm nghề nói tếu, hỏi ra mới hiểu ý anh là người làng thường phải dùng xe máy kéo theo xe bò chất đầy phế liệu đi giao thương khắp nơi.

Rác thải trực tiếp ra sông suối, ao hồ

Trong làng có một con sông lớn ngăn tách làng thành hai khu dân cư. Nhưng thời điểm này nước sông đã gần như cạn kiệt, tích đầy hai bờ là những đống rác thải, hoặc đốt dở nham nhở, hoặc ô hợp đủ loại. Mặc dù nhà dân bên sông đã là “bức tường thành” che đi bờ nước ngổn ngang rác thải, phế liệu, nhưng mỗi khi gió dưới sông lùa vào vẫn đem theo mùi hôi khó chịu nên chẳng mấy nhà ai mở của sổ ra cả.

Đầy hai bờ là những đống rác thải, hoặc đốt dở nham nhở, hoặc ô hợp đủ loại rác thải.

Ông Nguyễn Bá Huê, trưởng thôn Xà Kiều cho biết: “Dân không có kinh phí để đầu tư hệ thống xử lý rác, nước thải, trong khi các hộ làm nghề buôn bán, tái chế phế liệu ngày một đông. Không có cách nào người ta đành phải thải rác, nước bẩn trực tiếp ra môi trường thôi”. Dù biết việc làm của mình đang ảnh hưởng đến sức khỏe con người và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng vì lợi nhuận người dân nơi đây đành phải làm ngơ trước những biến dạng của làng quê mình.

Hệ thống xử lý nước thải chưa có, trong khi mới chỉ có một nửa dân cư trong làng được dùng nước máy, số còn lại vẫn phải dùng nước giếng khoan trong sinh hoạt. Hệ lụy ban đầu đáng báo động là vào năm 2012, có đến 21 trẻ em trong thôn bị chân tay miệng, người dân cũng cho biết thêm rằng số người mắc ung thư trong làng đang có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

 Một công nhân làm thuê trong điểm công nghiệp của thôn  cho biết: “Làm nghề này nhanh giàu lắm, biết là độc hại nhưng bỏ nghề thì chết đói. Giờ ruộng cũng không cấy được nữa rồi, vì lúa vẫn lên nhưng không ra hạt hoặc hạt lép hết. Năng suất thu hoạch có khi chỉ được 20 kg/sào”.

Hiểu được nguyện vọng của nhân dân, đồng thời nhận thức rõ được những thuận lợi khi quy hoạch các hộ làm nghề, tiểu ban xây dựng nông thôn mới của thôn đã thay mặt người dân, kiến nghị lên UBND Thành phố Hà Nội về việc mở rộng khu công nghiệp tái chế phế liệu (khu công nghiệp cũ có diện tích chưa đến 2 ha). “Đưa sản xuất ra ngoài đường lớn, vừa thuận tiện giao thương, vừa tận dụng được diện tích đất ruộng bỏ hoang, cũng phần nào hạn chế tình trạng ô nhiễm trong các thôn xóm”, ông Huê nhận định.

Thu Nga – Lê Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]