Liên kết và nguy cơ bị thâu tóm

“Bắt tay” liên doanh với các DN nước ngoài là lựa chọn của nhiều DN Việt Nam nhằm củng cố nguồn lực và mở rộng thị trường. Thế nhưng, với những kết cục không đẹp của nhiều cuộc “hôn phối” đã từng xảy ra, DN Việt cần thận trọng bởi nguy cơ bị thâu tóm luôn hiện hữu.

0

Tham vọng

Mới đây, ngành bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến một vụ liên doanh được cho là đình đám của 2 “đại gia” bán lẻ. Đó là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) hợp tác với NTUC FairPrice thành lập chuỗi đại siêu thị đầu tiên với thương hiệu Co.opXtra và Co.opXtraplus. Mối lương duyên bất ngờ này được đánh giá là “cặp đôi hoàn hảo” bởi NTUC FairPrice là hợp tác xã hàng đầu tại Singapore, hiện chiếm đến khoảng 60% thị trường bán lẻ Singapore. Trong khi đó, Saigon Co.op là nhà bán lẻ top đầu Việt Nam với thị phần vào khoảng gần 50% với 70 siêu thị Co.opMart dự kiến đến cuối năm 2013. Trong liên doanh này, Saigon Co.op góp 64% vốn, NTUC FairPrice giữ 36%, vốn đầu tư cho mỗi siêu thị khoảng 6-9 triệu USD.

Chia sẻ về cơ hội hợp tác này, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, sự khác biệt chính của mô hình đại siêu thị so với chuỗi bán lẻ Co.opmart là quy mô. Tổng diện tích của đại siêu thị sẽ gấp 4-5 lần, lượng hàng hóa cũng gấp 2-3 lần so với siêu thị hiện thời. Việc bắt tay hợp tác với NTUC FairPrice sẽ giúp Saigon Co.op thực hiện tham vọng mở rộng quy mô với lượng sản phẩm và khách hàng xứng tầm với đại siêu thị. “Chúng tôi đưa ra tiêu chí đại siêu thị sẽ là nơi mua sắm tiết kiệm, thuận tiện và thú vị. Bởi SaigonCo.op muốn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm mới, mà Co.opMart với điều kiện vật chất, cơ sở mặt bằng nhỏ không thực hiện được”, bà Hạnh nói. Bên cạnh đó, đại siêu thị sẽ đa dạng hóa mặt hàng, đa dạng hóa ngành hàng kinh doanh, có nhiều nhóm mặt hàng đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm; mở ra thêm kênh bán sỉ với giá bán cho thương nhân có mức chiết khấu hợp lý.

Đặc biệt, Saigon Co.op có riêng một công ty - Công ty CP Đầu tư Phát triển Saigon Co.op (SCID) với sứ mệnh đi “săn” mặt bằng. Được biết, Ủy ban Nhân dân TP.HCM và một số địa phương đã có các giải pháp hỗ trợ mặt bằng cho SCID như ưu tiên thuê đất trả tiền hàng năm đối với các dự án siêu thị tham gia bình ổn thị trường, giải quyết dứt điểm các vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan tới các dự án đầu tư của SCID, hỗ trợ tăng cường quan hệ với các nhà đầu tư bất động sản chiến lược trong việc tìm kiếm mặt bằng cho SCID.

Có bị “nuốt chửng”?

Khi hỏi về nguy cơ bị thâu tóm bởi DN nước ngoài, bà Thu thẳng thắn cho biết, liên doanh này thành lập trên cơ sở đã nghiên cứu kỹ lưỡng và DN đã nhận được sự giúp đỡ của đối tác trong nhiều năm qua. Do vậy, bà Thu tin tưởng vào sự thành công và không tính đến khả năng bị thâu tóm. “Hợp tác mà lo lắng về sự thâu tóm thì bản thân DN nội sẽ chỉ “loay hoay” trong phạm vi của mình. Khi liên doanh, khâu quan trọng nhất là chọn lựa đối tác, còn việc nước ngoài có thâu tóm hay không lại là bản lĩnh kinh doanh của cả hai phía”, bà Thu khẳng định.

Giới chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cũng ủng hộ mô hình liên doanh giữa DN nội và ngoại như Saigon Co.op đang làm. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thương mại Hà Nội đánh giá, đây cũng là cơ hội để DN Việt mở rộng chuỗi phân phối, có cơ hội lớn lên. Tuy nhiên, dẫn ra nhiều vụ liên doanh, liên kết trong lịch sử với những “cái chết” cho DN Việt thì việc thận trọng khi “kết hôn” với các đối tác nước ngoài cần phải tính đến. Minh chứng sinh động nhất trong lịch sử cho ý kiến của ông Thắng có thể kể đến câu chuyện của Coca-Cola. Ban đầu, khi vào Việt Nam, công ty này cũng đã phải liên doanh với một số công ty trong nước, nhưng sau một thời gian hoạt động, liên tục thua lỗ, khiến các đối tác Việt Nam “chịu không thấu”, phải lần lượt rút khỏi liên doanh. Coca-Cola trở thành DN 100% vốn nước ngoài.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nguy cơ thâu tóm trong các liên doanh là có thực, ngay cả khi DN Việt nắm giữ trên 50% vốn cũng cần phải cảnh giác để luôn giữ thế chủ động. Bởi DN nước ngoài có rất nhiều chiêu thức để có thể “thôn tính” DN nội, trong đó, đáng chú ý nhất là ăn chênh lệch giá từ đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và hàng hóa vào hệ thống liên doanh. Theo đó, hãng ngoại sẽ đưa các máy móc, thiết bị quản lý, bán hàng hiện đại từ công ty mẹ vào hệ thống; hoặc đưa một lượng lớn hàng hóa vào để tiêu thụ trong các kênh phân phối của hãng nội. Đây là phương thức phổ biến nhất của hành vi chuyển giá mà hiện không ít hãng ngoại đang thực hiện tại Việt Nam. Ngoài ra, một chiêu thức điển hình được DN nước ngoài áp dụng là việc gia tăng chi phí quản lý và quảng cáo lên mức “cực đại” để hãng nội đuối sức và phải bỏ cuộc.

Như vậy, dù Saigon Co.op tin tưởng vào sự thành công và không tính đến khả năng bị thâu tóm nhưng với những kết thúc không êm đẹp thuộc về DN nội đã từng xảy ra thì sự lo lắng của giới chuyên gia về khả năng bị thâu tóm của Sagon Co.op hoàn toàn có cơ sở. Vậy nên, khi các cuộc sáp nhập DN ngày càng nhiều, sự cẩn trọng của các DN là điều đương nhiên.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]