Mẹ bầu dùng sữa chua trị nấm

Điều trị kịp thời và đúng cách nấm âm đạo để bảo vệ sức khoẻ của mẹ và thai nhi.

0

Nấm âm đạo - nỗi niềm biết tỏ cùng ai

Chị Thanh (Sóc Sơn, Hà Nội) đang khổ sở với căn bệnh khó nói là nhiễm nấm âm đạo từ khi mang bầu. Thời gian đầu, chị tưởng cái chứng “sột soạt” này chỉ vài ngày là khỏi nhưng càng ngày nó lại càng ám ảnh chị hơn. Sau một tuần không chịu được nữa, hốt hoảng đi khám bác sĩ thì chị mới hay tin mình bị nấm âm đạo. Chị tâm sự: “Mình bị nấm nên suốt ngày đi tiểu, ngứa ngáy, đau nhức mà nóng rát. Nói chung ngày nào cũng vác cái bụng bầu ra phòng khám để bác sĩ vệ sinh, đặt thuốc, tốn kém bao nhiêu tiền mà hết đợt điều trị là 10 ngày rồi mà chẳng thấy khỏi gì cả”.

Cùng chung nỗi niềm tâm sự đó, chị Ngọc (Cầu Diễn, Hà Nội) cho hay: “Khổ ghê, có thai được 7 tuần, tự dưng vùng kín em có hiện tượng ngứa rát, đi tiểu nhiều lần và buốt lắm. Bị ngứa như thế trong vòng vài ngày thì hết. Nhưng sau đó đến tuần thứ 14 em lại bị ngứa tiếp. Lần này ngứa kinh khủng hơn cả lần trước mà cho tới bây giờ vẫn chưa khỏi. Mang bầu đã mệt nhọc thì chớ, lại còn thêm cái bệnh này làm em khó chịu quá, không biết than thở cùng ai”.

Như vậy, một trong số những vấn đề phụ nữ hay phải đối mặt nhất khi mang thai là nhiễm nấm. Số liệu thống kê của Bệnh viện Từ Dũ, TP.Hồ Chí Minh gần đây cho thấy có tới 70% sản phụ mang thai bị nhiễm nấm âm đạo. Dấu hiệu đầu tiên dễ nhận thấy khi bắt đầu có bầu chính là cơ thể tiết ra khá nhiều khí hư hơn so với bình thường. Và những loại khí hư này nếu không được vệ sinh sạch sẽ thì sẽ trở thành môi trường lý tưởng để nấm hoạt động.

Trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, người mẹ có thể nhiễm nấm bất cứ lúc nào nếu không chú ý vệ sinh cá nhân, đặc biệt là vệ sinh vùng kín sạch sẽ bởi vì lúc này tình trạng viêm nhiễm nấm lan nhanh hơn ở phụ nữ bình thường. Đôi khi nấm âm đạo có thể xuất hiện rồi tự biến mất, tuy nhiên căn bệnh này thường làm chị em khó chịu nếu không được điều trị triệt để.
Phòng tránh nhiễm nấm

Rất nhiều dấu hiệu cho thấy mẹ bầu đã bị nấm âm đạo như: ngứa, rát, đỏ, tiết dịch dày, trắng, không mùi. Nếu nghi ngờ rằng bản thân đang bị nhiễm nấm âm đạo, mẹ hãy đi khám bác sĩ để được chuẩn đoán chính xác và có cách điều trị dứt điểm bởi vì nấm âm đạo tuy không nguy hiểm lắm nhưng để lâu rất dễ để lại ảnh hưởng cho thai nhi.

Tốt nhất là mẹ bầu nên phòng tránh nhiễm nấm tự nhiên khi mang thai. Những gợi ý đơn giản sau đây có thể giúp phòng tránh hiệu quả căn bệnh này:

- Để bảo vệ bản thân khỏi nhiễm nấm, tốt nhất là ăn nhiều sữa chua. Sữa chua lên men tự nhiên có chứa rất nhiều vi sinh giúp cung cấp các chất kháng viêm tự nhiên cho cơ thể. Ăn thường xuyên sữa chua sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch và nếu có bệnh nấm âm đạo thì cũng ở dạng nhẹ và nhanh khỏi.

- Mẹ nên ăn các thực phẩm giàu vitamin A có trong rau quả, trứng, thực phẩm giàu vitamin D có trong cá biển, dầu gan cá, các sản phẩm từ sữa, ăn sữa chua thường xuyên và nên dùng thêm tỏi trong các món ăn để tăng cường hệ miễn dịch.

- Rửa sạch vùng kín nhẹ nhàng với nước ấm và lau từ trước ra sau

- Giữ cho vùng âm đạo sạch và tốt nhất mẹ không nên mặc quần lót quá chật khi đi ngủ để tăng cường lưu thông không khí giúp vùng kín khô, thoáng.

- Tình trạng ẩm là mầm mống để nấm phát sinh. Do đó, mẹ bầu không nên mặc quần quá chật hoặc ẩm. Rất nhiều mẹ bầu thích mặc quần bó sát gợi cảm nhưng mặc quần chật khiến lớp ngoài cùng của da không tiếp xúc được với không khí và hình thành nhiều vi khuẩn. Vải cotton là chất liệu thích hợp có thể làm giảm tình trạng ẩm ướt. Quần cotton sẽ thoải mái hơn và cung cấp sự lưu thông không khí ở vùng bên trong của cơ thể, giúp cơ thể không có mầm bệnh.
Đẩy lùi nấm âm đạo cho mẹ bầu

Điều quan trọng hơn trong việc sử dụng thuốc là phụ nữ mang thai phải giữ gìn vệ sinh thật sạch sẽ, mặc đồ lót bằng chất liệu cotton, thoáng, không rửa vùng kín bằng các loại xà phòng có tính sát khuẩn cao vì có thể làm thay đổi môi trường kháng khuẩn tự nhiên trong âm đạo, cũng không nên làm sạch bằng cách thụt rửa sâu bên trong âm đạo.

Nếu bà bầu nào có bị nhiễm nấm âm đạo cũng đừng lo lắng quá kẻo ảnh hưởng tới mẹ và bé. Hãy bổ sung thêm sữa chua không đường vào bữa ăn hàng ngày vì nó giúp phần cân bằng độ pH âm đạo.

Theo phương pháp dân gian, có nhiều mẹ dùng nước trà xanh, trầu không để rửa vùng kín, đây cũng là một cách tốt để cải thiện đáng kể môi trường âm đạo và độ pH. Mẹ có thể dùng các biên pháp điều trị tự nhiên này để chữa nhiễm nấm âm đạo an toàn, nhưng nhớ là phải kiên trì vì tình trạng ngứa ngáy sẽ không chấm dứt ngay.

Tốt nhất khi có biểu hiện bất thường về dịch tiết âm đạo, mẹ bầu nên đi khám chuyên khoa để có những chuẩn đoán và điều trị kịp thời, dứt điểm cho cả mẹ và thai nhi trước khi bé chào đời nhé!

Để giải đáp thắc mắc cho rất nhiều mẹ về hiện tượng nhiễm nấm âm đạo khi mang bầu và cách điều trị an toàn, Eva đã tham khảo ý kiến của BS Trần Thị Hằng, Khoa sản, Bệnh viện quân y 103, Hà Nội về vấn đề này.

- Chào bác sĩ, xin bác sĩ cho biết vì sao mang bầu lại thường bị nấm ở vùng kín?

Phụ nữ mang thai rất dễ bị nhiễm nấm, vì sự thay đổi của các hormon trong cơ thể, thay đổi nội tiết trong cơ thể phụ nữ khi mang bầu làm thay đổi độ pH ở âm đạo đã tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Biểu hiện nhiễm nấm là đi tiểu nhiều, sưng hoặc tấy đỏ, buốt rát ở phía ngoài âm đạo. Mặc dù có thể có nhiều triệu chứng khác nhau nữa nhưng thực tế phụ nữ không dễ dàng nhận ra mình mắc bệnh.

- Có rất nhiều chị em tìm đến những cách dân gian để vệ sinh âm đạo như: rửa bằng cách đun lá chè xanh, lá trầu không, vậy cách làm này có an toàn không?

- Nhiễm nấm hoàn toàn có thể vệ sinh vùng kín bằng nước của lá chè xanh đun sôi để nguội. Tuy nhiên, cho dù là dùng lá trầu không hay lá trà xanh để vệ sinh thì chỉ nên rửa bên ngoài, không nên thụt rửa bên trong vì sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập vào trong âm đạo và gây ảnh hưởng ngược lại.

- Vậy có cách nào để giúp chị em phụ nữ phòng tránh cũng như điều trị bệnh nấm không thưa bác sĩ?

- Nên giữ vệ sinh sạch sẽ vùng kín, tránh tình trạng ẩm ướt. Khi thấy mình có biểu hiện bị nấm các bạn nên đi khám để chữa trị theo chỉ định riêng của bác sĩ. Có nhiều trường hợp phải chỉ định thuốc để điều trị mới khỏi được. Nấm âm đạo có nhiều loại nên việc dùng thuốc cũng sẽ khác nhau, các bạn nên đến bệnh viện khám để từ đó bác sỹ sẽ căn cứ vào kết quả khám mà chọn loại thuốc dùng phù hợp chứ tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc theo giới thiệu, quảng cáo.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

AloBacsi.vn
Theo Khám phá
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]