Bữa cơm rau, mắm

Khu bãi nổi Phúc Xá (Long Biên, Hà Nội) là nơi ở của hơn 20 hộ gia đình sống tạm trên những chiếc bè lênh đênh trên sông, trong những túp lều dựng sát vào khu đất cao vì sợ nước dâng ngập mái. Hầu hết những hộ sống ở đây đến từ các tỉnh Hưng Yên, Nghệ An, Hải Phòng… có nhà 3 thế hệ sống cùng trên một chiếc bè diện tích chỉ 10m2.

Gia đình chị Phạm Thị Thanh sống tại đây 20 năm khi bãi nổi còn dày đặc cây lau, cây sậy giờ đã được phát sạch để trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn.  Anh Học, chồng chị Thanh ốm nặng, chân tay teo nhỏ, việc đứng lên ngồi xuống khó khăn, khả năng làm việc bị suy giảm, gánh nặng gia đình đổ lên vai vợ và con gái cả hơn 20 tuổi. Mọi sinh hoạt, ăn uống diễn ra trong túp lều chật hẹp, chỉ kê vừa chiếc sạp, để kệ ti vi, vài thùng đựng quần áo và lối đi lại chật hẹp.

Tài sản có giá trị nhất của gia đình là đàn lợn 9 con, mỗi con nặng 10 kg. Tiền bán rau mỗi ngày được 50 nghìn đồng, mua thức ăn 20 nghìn, 30 nghìn dành ra mua cám. Chị Thanh nói, mắt suy tư: “Bữa có thịt là bữa ăn “sang”, những ngày không còn tiền chỉ ăn rau với nước mắm. Có lúc miếng cơm nghẹn lại ở cổ nhưng vẫn cố nuốt, nhà còn khó khăn, miễn có cơm ăn đã tốt lắm rồi”.

Cũng tại chợ đầu mối Long Biên, sau chợ có rất nhiều khu trọ cấp 4 thấp lè tè, lợp mái bờ rô xi măng, tường không trát vữa, để trơ màu gạch cũ kỹ nhưng giá thuê cũng xấp xỉ 1 triệu đồng. Chị Hương quê Hải Phòng đã cùng chồng sống tại đây 5 năm, chồng chị Hương làm xe ôm, thu nhập bấp bênh, có ngày được 100-200 nghìn tiền công nhưng có những ngày đi rồi về tay không. “Ngày làm được nhiều, ăn nhiều, ngày làm ít, ăn ít. Từ bó rau, cọng hành đều phải tiết kiệm, dè xẻn”, chị Hương nói.

Xơ xác chợ quê

Thời gian gần đây hàng loạt bãi đóng tàu bị bỏ hoang, nông dân ở các xã Hoành Sơn, Hồng Thuận, Bình Hòa (huyện Giao Thủy, Nam Định) trở thành thất nghiệp.

Băn khoăn trước bữa cơm với thu nhập ít ỏi của người nghèo

Trông cậy vào mấy sào lúa, vườn rau và vài vật nuôi trong nhà không đủ tiền cho con ăn học, bữa ăn thưa dần thịt cá, bóp chắt từng đồng gửi lên thành phố. Chị Hoàng Thị Lan, người dân xã Bình Hòa (Giao Thủy, Nam Định) cho biết, khi con đi học về mới mua dầu ăn, mua cá, tôm, về rán, kho, mua ngao về nấu canh nhưng khi con đi, 2 vợ chồng ăn chỉ mua thịt mỡ về rán, rau trong vườn để luộc. Gà nhà đẻ trứng, hôm luộc, hôm rán, hôm rang, quả trứng dầm nước mắm với rổ rau mồng tơi luộc cũng ăn xong bữa, được hôm kho thịt muối bó lấy miếng thịt.
Tại chợ huyện Giao Thủy, đã gần trưa nhưng những phả thịt lợn, thịt bò mới vơi đi vài miếng, thùng tôm, cá vẫn đầy. Nói với chúng tôi, người bán cá cho biết, trước kia, giống cá nhỏ họ chỉ mua về cho chó, mèo ăn giờ kiếm đồng tiền không đơn giản nên cứ cá kho khô cả người, chó, mèo cùng ăn.
Chợ Bến Phà (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), nằm ven sông, họp vào các ngày mùng 2, 7 (Âm lịch), chỉ có một vài gian hàng nhỏ bán đồ khô và quần áo được nát xi măng, các phả rau, thịt chỉ cách nền bằng một ván gỗ, tấm bìa cát tông hoặc vải bạt. Không đặc sản, không người lạ, không ồn ã tiếng còi xe, người đến chợ chủ yếu để trao đổi hàng hóa cho nhau.

Chị Trần Thị Dung sống tại xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc nói: “Mớ rau, buồng chuối, con gà của nhà có dư sẽ đem bán, bán để mua các vật dụng khác, mua mắm, mua muối. Cả gánh rau có khi cũng chỉ mua được 1 tuýp kem đánh răng, 2-3 lạng thịt lợn. Những ngày chợ vắng, người mua không có, chúng tôi lại tìm nhau để đổi chác thứ nọ lấy thứ kia”.
Xách lủng lẳng túi muối và miếng đậu phụ trên tay, bà Nguyễn Thuân cho biết, bữa ăn chỉ cần rau, đậu là đủ. Đến chợ không hiếm khi gặp trong làn các bà, các mẹ chỉ có một vài món như đậu phụ, lòng lợn, cá mè… Vẫn biết như vậy là không đủ chất dinh dưỡng, không đảm bảo sức khỏe của mỗi thành viên trong gia đình, nhưng thời buổi khó khăn: “Như vậy là đủ” – Bà Thuận chia sẻ.

Thanh Nga