Nghề báo nói và cách các nghị sĩ phát biểu ở nghị trường

VOV.VN - Tôi là dân báo nói nhưng không hoạt khẩu, viết cũng làng nhàng...

15.585

Vì thế, phải luyện nói ít và viết ngắn. Người nghe và người đọc dễ lượng thứ hơn là đã dở còn lê thê.

Trên bục cứ say sưa "sùi bọt mép", người nghe ở dưới càng dễ... ngủ gật. Ngắn gọn, khúc chiết-đó là tư duy cần nghĩ tới dù vẫn biết như thế khó vô cùng.

Nghề của chúng tôi cũng cần nói gọn gàng vì "qua loa" nên không ai "lắng nghe" được trọn vẹn. Nghề báo cung cấp sự thật khách quan nên kiệm lời nhường "đất" cho đời và người. Cũng không nên tỏ ra thông tường kinh sử, khoe khoang kiến thức. 

Mình đóng vai chủ nhà, khiêm nhường đón khách và kể chuyện thôi. Nhẹ nhàng, đúng mực, dễ lọt tai thính giả hơn là "sồn sồn" phỏng vấn khách mời như hỏi cung; thao thao bất tuyệt mà không chịu nghe ai bao giờ.

Viết ngắn và nói ít khiến thính giả, độc giả dễ lượng thứ hơn là đã dở còn dài lê thê. 

Làm phóng sự cũng nên kiệm lời. Độ dài ngắn tuỳ thuộc thể loại, vấn đề và yêu cầu của chủ bút. Hồi học một nhà báo nước ngoài, ông giao bài tập làm phóng sự phát thanh 2 phút rưỡi. Cả lớp kêu oai oái vì quen viết bôi ra rồi. Cứ báo cáo địa phương mà trích, ra rả cả ngày không hết. Giờ có chút xíu thời gian thôi, khó lắm thay. 

Đã thế, khi nộp bài, thày cầm chiếc đồng hồ loại bấm giờ thi điền kinh, đo từng phút từng giây. Có người thắc mắc về sự tỉ mỉ đó, thày bảo sóng phát thanh là do tiền thuế của dân đóng, không phải muốn làm gì thì làm. Mình phải tôn trọng thính giả đến từng chi tiết.

Ở lĩnh vực khác cũng thế. Diễn văn ngoại giao, văn bản mang tính pháp lý... thì phải đọc rành mạch từng từ, từng chữ, không thể bỏ sót. Nhưng phát biểu, phân tích, chất vấn ở Quốc Hội chẳng hạn thì phải nói, nói từ trong đầu, nói từ trong tim nói ra. Chứ cứ đọc ra rả toàn những câu chung chung, nhẹ bẫng, cũ mòn thì cử tri dễ đặt câu hỏi về trình độ đại biểu lắm.

Đại biểu Quốc hội không nhất thiết phải nói hay như thày cãi, như nhà hùng biện nhưng cần thiết phải có tư duy "lập ngôn" mạch lạc, đủ ý, đủ sức nặng vấn đề chất vấn hay thảo luận. Đó là đòi hỏi xác đáng của cử tri-tôi nghĩ không hề hình thức "chỉ là câu nói" ấy mà.

Các nhà báo tác nghiệp trên vùng biển Trường Sa. (Ảnh: Hoài Nam)

Phát biểu khác với diễn văn càng không phải là công trình khoa học "tầm chương trích cú". Phát biểu làm sao vừa thể hiện kiến thức, trình độ, tầm văn hoá của người nói nhưng người nghe vẫn dễ dàng tiếp thu. Thế mới khó. Các cụ xưa khắc tạc vào thời gian câu nói: "Không biết thì dựa cột mà nghe". Sâu mà đâu cần nhiều lời.

Thày cô cũng hay nhắc nhở: "Nét chữ nết người" chỉ đúng phần nào. Nhiều đồng nghiệp tôi kính trọng về khả năng viết lách và nhân cách, có những người còn bị mang tiếng là chữ như "gà bới". Họ tư duy tốt nhưng chữ không đẹp. Vì thế không nên để họ viết đơn thuốc; viết giấy khen hay viết giấy mời...

Tôi đã từng nhận được những chiếc giấy mời mà khi xem xong không muốn dự sự kiện một chút nào. Những dòng tên và địa chỉ cơ quan không những không đẹp, mà còn nguệch ngoạc, viết sai chính tả nữa. Tôi không trách người viết, mà chỉ trách lãnh đạo ký giấy mời đã không phân công đúng người đúng việc.

Những chuyện này, tôi nghĩ không hề hình thức, dù có thể nhiều người "tặc lưỡi" cho qua: "Chuyện nhỏ ấy mà". Nghĩ nhanh vài điều vụn vặt cũng là để tự nhắc mình trong một ngày nhiều ý nghĩa!/.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]