Biểu hiện bé chán trường lớp và cách khắc phục

Con bạn tỏ ra mệt mỏi, hay cáu gắt, phản kháng gay gắt, không chú tâm vào việc học hay tỏ ra lầm lì, ít nói, xa lánh mọi người, thậm chí biếng ăn, ngủ mớ,… đều có thể là biểu hiện của việc chán đi học.

15.5589

Khi bé cưng sợ đi học

Chị Thanh Tuyền nhà (Gò Vấp, TP.HCM) than thở gần cả tháng nay con trai chị sáng nào chuẩn bị đi học cũng khóc đòi được ở nhà. Lúc đầu tưởng con nhõng nhẽo, chị ngọt ngào thuyết phục bé nhưng tình trạng cứ kéo dài khiến chị lo lắng. Chị gặng hỏi con thì mới biết trong vài lần làm toán cộng, bé làm sai bị cô giáo phê bình “Bài dễ vậy mà làm còn sai, học dốt thế mai mốt còn làm được gì”. Mặc cảm mình học dốt và xấu hổ với bạn bè nên nhắc tới đi học bé thấy sợ. Buồn và lo lắng cho con, chị Tuyền băn khoăn không biết giải quyết vấn đề này như thế nào!

Chị Hồng Anh (Q.12, TP.HCM), mẹ bé Thanh Thảo cũng đang băn khoăn không biết có nên chuyển trường cho con hay không. Bé nhà chị học giỏi, ngoan hiền, luôn được cô giáo biểu dương trước lớp. Không biết đó có phải lý do mà một nhóm bạn gái trong lớp ghanh ghét. Nhiều hôm con đi học về, áo dính đầy mực, vết trầy xước trên tay, mặt, tối ngủ thì luôn nói mớ “Đừng đánh mình!” Tuy vậy, bé giấu biệt không nói lý do khi ba mẹ hỏi. Xót xa, chị tìm hiểu qua một đứa bạn thân của con thì mới biết sự tình.

Cùng chung nỗi niềm về việc con không muốn đi học, trường hợp của gia đình chị Nguyễn Kim Phượng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lại khác. Con gái chị năm nay học lớp 3, bé không hiếu động như những đứa trẻ khác mà lầm lì, ít nói. Cũng vì sợ con ốm yếu không có sức để học, hai vợ chồng luôn ép con ăn uống thật nhiều. Hậu quả là bé bị béo phì, cân nặng gấp rưỡi so với bạn bè đồng lứa. Hôm trước nó thủ thỉ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con có xấu lắm không? Sao mấy bạn trong lớp cứ gọi con là Heo? Sao không bạn nào chơi với con?”. Vợ chồng chị nhiều lần điều chỉnh khẩu phần ăn cho bé nhưng mỗi lần nhìn con ăn xong mà vẫn thòm thèm chị lại không đành…

Qua những trường hợp trên có thể thấy biểu hiện trẻ chán đi học rất phức tạp, có trẻ sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với cha mẹ nhưng cũng không ít trẻ chọn giải pháp “im lặng”. Cha mẹ cần hiểu đúng từng tình huống để giúp bé vượt qua nỗi chán ngán khi mỗi sáng cắp sách đến trường.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao bé chán học để tìm cách khắc phục.

Hiểu để giúp bé vượt qua

Để trẻ không còn sợ đến trường, trước tiên các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, gần gũi và tìm hiểu xem con mình sợ điều gì ở trường để đưa ra giải pháp thích hợp nhất:

1. Sức ép quá lớn từ phía nhà trường và gia đình. Lịch học dày đặc ở trường, nhà thầy cô, tối về lại lao vào làm bài tập. Thêm vào đó, cha mẹ kỳ vọng quá cao vào trẻ khiến trẻ vì học quá vất vả mà dần trở nên không thích đi học.

Nên tạo cho trẻ môi trường học tập thoải mái để con có hứng thú học tập một cách tự nhiên. Tạo điều kiện cho trẻ chơi mà học, học mà chơi để cảm thấy việc học tập cũng rất lý thú và cần thiết chứ không phải là một nhiệm vụ quá nặng nề.

 2. Khả năng tiếp thu chậm. Một số trẻ tiếp thu bài vở chậm, bị la mắng, khiển trách khiến trẻ tự ti, chán nản và lẩn tránh việc học.

Hãy trao đổi với thầy cô để đưa ra phương pháp học phù hợp với trẻ. Thầy cô cũng như gia đình nên khuyến khích động viên thay cho khiển trách, la mắng khi trẻ làm chưa đúng. Phụ huynh có thể sắp xếp thời gian để học cùng con, thậm chí trong lúc cùng đi siêu thị, cùng ăn cơm hay trước khi đi ngủ,… bạn đưa ra một bài toán vui rồi cùng con giải. Bé làm đúng bạn nên khen để khích lệ, nếu sai bạn không nên chê con dốt, hay nói “con sai rồi” mà hãy khéo léo “chưa đúng con à, mình làm lại nhé”. Như vậy bé sẽ thấy bản thân được tôn trọng và tự tin hơn.

3. Khó thích ứng với những yêu cầu của trường học. Giữa nhà và trường học là hai môi trường hoàn toàn khác nhau. Đi học, trẻ phải tuân thủ nội quy của trường lớp về giờ ăn, ngủ, đi học đúng giờ, ngồi trật tự trong giờ học,… Những yêu cầu đó không phải trẻ nào cũng dễ thích ứng.

Để rèn luyện cho trẻ dần thích nghi, ở nhà các bậc phụ huynh cần điều chỉnh giờ ăn, ngủ, học bài có nguyên tắc như ở trường. Đặc biệt, phụ huynh cũng thường xuyên nhắc tới bạn bè, thầy cô, tới những điều thú vị khi tới trường, hướng trẻ yêu thích, gắn bó với trường lớp, bạn bè, thầy cô hơn.

4. Phát triển quá nhanh về mặt thể chất. Thân hình quá cỡ của trẻ tạo ra sự khác biệt so với bạn bè trang lứa. Do vậy, khi đến trường trẻ khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ với các bạn.

Không phải trẻ mập mạp là khỏe mạnh, thực tế đã cho thấy béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý dẫn đến mặc cảm, thiếu tự tin…Vì vậy, cha mẹ hãy chọn cho con mình chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý để trẻ phát triển một cách khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

N. Dinh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]