Nghệ sỹ nổi tiếng vượt "sóng gió" giữ gia đình

Giadinh.net - Những người nổi tiếng không phải không gặp phải những cay đắng, buồn phiền, thậm chí là bất hòa trong quan hệ vợ chồng. Nhưng họ đã vượt qua những “sóng gió gia đình” ấy để có được tổ ấm hạnh phúc. Vậy họ đã vượt qua thử thách như thế nào?

15.6159

Nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6, chúng ta hãy lắng nghe tâm sự của họ 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Khi vợ “nhớ lâu”, tôi thường tạm im lặng

Đầu năm nay chúng tôi vừa tổ chức đám cưới vàng (50 năm). Một nửa thế kỷ sống với nhau, chưa bao giờ chúng tôi giận nhau quá một ngày. Bà ấy là một nhà tâm lý học nên cư xử với chồng con rất nhẹ nhàng, tình cảm. Bản tính bà ấy là người ít nói, chịu đựng nên có gì buồn cũng giấu trong lòng, chỉ sợ ảnh hưởng đến công việc sáng tác của chồng. Duy chỉ có một tính xấu đó là hay nói dai và nhớ lâu. Có những chuyện mà đến tận bây giờ bà ấy vẫn nhớ (cười). Nhưng mỗi lúc như thế, tôi thường im lặng, đợi lúc khác mới góp ý.

Mâu thuẫn đôi khi gặp trong gia đình chúng tôi, đó là cách giáo dục con cái. Bà ấy thường bảo tôi hiền lành quá, đôi lúc không quyết đoán trong việc dạy con. Vì thế, hai đứa con đều do một tay bà ấy nuôi dạy. 

NSƯT Đức Trung: Khi vợ chồng bất hòa, tôi bỏ ra ngoài đi dạo

Năm 1966, khi đất nước còn chiến tranh, chúng tôi mới bắt đầu yêu nhau. Khi ấy, tôi làm trong tổ trực chiến, có nhiệm vụ phải giữ súng. Mỗi lần chúng tôi ngồi trên xe, súng phải để ở sàn xe. Có lần sơ ý, cây súng của tôi mắc vào quai ba lô, cướp cò. Tôi bị viên đạn xuyên vào nách. Sau khi được đưa về tuyến sau phẫu thuật, tay phải của tôi gần như bị liệt. Lúc ấy tôi tưởng phải bỏ nghề, phải bỏ người yêu, phải từ bỏ những ước mơ hạnh phúc cháy bỏng. Sự bi quan bao trùm lấy tôi.

Người yêu tôi lúc ấy cũng ở cùng đơn vị với tôi, cô ấy đã coi như không có chuyện gì xảy ra, chăm sóc, động viên tôi rất nhiều để tôi cố gắng chữa bệnh và tập luyện cho cánh tay hoạt động lại bình thường.

Nhờ sự động viên của cô ấy và sự nỗ lực phi thường của bản thân, tôi đã phục hồi rất nhanh. Đầu năm 1968, tôi được chọn vào đội xung kích ra chiến trường. Sau đó tôi về tiếp tục làm diễn viên cho đoàn Nghệ thuật Quân đội. Cuối năm 1969 thì chúng tôi lấy nhau.

Gần 40 năm sống chung, vợ chồng tôi rất ít khi xảy ra những xô xát trong gia đình. Chúng tôi cùng là người lính, lại cùng là diễn viên nên chúng tôi luôn biết cách giữ được hạnh phúc. Thường thì chúng tôi chỉ bức xúc với nhau về việc không có nhiều thời gian để dành cho việc dạy dỗ con cái. Ngoài thời gian dành cho sân khấu như nhau, thì chúng tôi ai cũng có những bận rộn riêng trong cuộc sống hàng ngày. Vợ tôi bận bịu với công việc nội trợ gia đình. Tôi thì bận bịu với những giao tiếp xã hội và một vài niềm đam mê đặc trưng của đàn ông.

Mỗi lần không bằng lòng với nhau về vấn đề gì, tôi thường bỏ ra ngoài đi dạo để giải toả. Bình tĩnh lại, tôi trở về nhà thì cũng là lúc vợ tôi cũng đã làm chủ được cảm xúc của mình. Chính vì thế, chúng tôi rất ít khi xô xát với nhau.

Giờ đã gần 70 tuổi, nhưng tôi vẫn đi dạy nghề và dàn dựng phim ảnh cho những đơn vị không chuyên. Vợ tôi vẫn đảm đương nội trợ. Cậu con cả đang tập sự ở Nhà hát Tuổi trẻ theo nghề bố. Cô con gái thứ đang là phóng viên báo Du lịch. Chỉ còn một cô út đang học lớp 11. Hạnh phúc chẳng gì đơn giản hơn, khi cả nhà tôi được sống vui vẻ bên nhau.

Nghệ sĩ hài Xuân Hinh: Ai xin lỗi trước, người đó thắng!

Người ta thường nói, vợ chồng tránh sao những lúc “bát đũa xô nhau” nhưng nói thật là nhà tôi chả thấy “xô nhau” bao giờ cả. Tôi quan niệm, gia đình cũng là một sân khấu và mỗi người cần diễn đúng vai của mình. “Thuyết vợ chồng” của gia đình tôi là người chồng phải là cây cau, còn người vợ phải là cây trầu.

Trầu thì mềm, cau thì cứng. Tuy cau và trầu ôm nhau chặt thật, nhưng mỗi người cứ làm đúng chức năng của mình thì mọi thứ sẽ yên ổn. Tuy vậy có khi về đến nhà, từ cau phải biến thành trầu ngay: Cũng phải nấu cơm, giặt giũ, trông coi con cái... để san sẻ gánh nặng nội trợ với vợ. Ngược lại, ngoài xã hội, người vợ cũng phải là cau để phát huy những thế mạnh của mình.

Có một lần, cô ấy giận tôi và đòi bế con về nhà bố mẹ đẻ. Tôi bảo, nếu đi là dại, khác nào tạo điều kiện cho một cô trẻ đẹp bước vào nhà. Thế là cô ấy bỏ ngay ý định “dại dột” đó (cười).

Tôi là một nghệ sĩ nên không tránh khỏi những lúc “mưa gió thất thường”. Bí quyết của tôi là cố gắng làm sao để về đến nhà là tống hết mọi thứ “rác rưởi” trong đầu để toàn tâm toàn ý với gia đình mà thôi, không nghĩ đến những điều khác.

Chúng tôi thoả thuận rằng, nếu có mâu thuẫn xảy ra thì ai nói xin lỗi trước là người đó thắng. Mỗi lần như thế, vợ tôi bao giờ cũng giành phần thắng. Vì thế mà sự giận dỗi không bao giờ kéo dài. Khả năng chọc cười của tôi cũng là một bí quyết khiến gia đình tôi ít khi xảy ra “chiến tranh lạnh”.

Nhược điểm của vợ tôi ư? Là những nốt tàn nhang trên mặt mà không cái gì có thể xóa đi được (cười). Còn mọi thứ, đến giờ phút này vẫn tuyệt vời.

NSƯT Văn Vượng: Tôi đã chữa được bệnh ghen của vợ

Đời sống vợ chồng tôi dù rất hạnh phúc nhưng vẫn có không ít những lần “bát đũa xô nhau”. Năm 1984, Nhà nước cho tôi sang CHDC Đức để chữa mắt trong 3 tháng. Khi tôi đang ở bên Đức thì nhận được thư của nhà tôi gửi từ Việt Nam sang thông báo một chuyện “động trời”: “Dù anh cất kỹ nhưng em vẫn tìm thấy và đã đọc được hết những lá thư của của anh và người yêu cũ”.

Tôi hoảng quá. Cô người yêu cũ của tôi là một kỹ sư xây dựng, sáng mắt nhưng tôi vẫn dạy chữ nổi Braile cho cô ấy để tiện trao đổi thư từ. Nguyệt - vợ tôi bây giờ không biết chữ Braile, làm sao lại đọc được những lá thư ấy. Chắc cô ấy lại nhờ bạn bè tôi đọc hộ. Thế mới chết chứ!

Khi tôi về nước, cô ấy cũng không nhắc gì chuyện đó nhưng tôi vẫn chủ động đốt sạch những lá thư tình cũ, chỉ giữ lại một vài lá viết bằng ký tự đặc biệt không ai đọc được, nhưng giờ cũng thất lạc đâu mất (cười).

Vợ tôi có tính ghen rất ghê. Cô ấy có thể giận tôi hằng mấy ngày chỉ vì những lý do rất... vớ vẩn (cười). Một cô bạn nhà thơ đến nhà chơi khi ra về bắt tay hơi lâu cũng có thể làm vợ tôi mặt nặng mày nhẹ cả tuần.

Có lần, Đài Tiếng nói Việt Nam mời tôi đi lưu diễn ở Bắc Giang. Khi lên xe ô tô, tôi được xếp ngồi cạnh một cô diễn viên mà tôi đoán chắc hẳn là xinh đẹp. Một bà hàng xóm “lắm chuyện” vô tình trông thấy gọi vợ tôi ra chỉ cho thấy. Thế là 2 giờ đêm hôm ấy, khi tôi vừa về đến nhà, vợ tôi đã hỏi mát: “Anh đi diễn sướng nhỉ? Nói chuyện trên xe cả buổi chiều sướng nhỉ? Sao giờ này anh mới về?”.

Biết cô ấy lại bắt đầu ghen nên tôi đành phải lựa lời giải thích về lịch trình của đoàn ở Bắc Giang cho đến khi về đến Hà Nội. Vợ tôi buột miệng: “Tôi chỉ mong cho cái xe ấy nó đổ ra để khỏi đi nữa”.

Lúc này thì đến lượt tôi tức đến tím mặt. Cả đêm ấy, tôi không thể ngủ được. Mãi sau khi đã nguôi ngoai, tôi mới phân tích cho vợ hiểu về công việc của người nghệ sĩ không thể tránh khỏi chuyện giao tiếp với người khác và trễ muộn về giờ giấc.

Nhưng đấy vẫn chưa phải là kỷ niệm bực bội nhất của vợ chồng tôi. Tôi vẫn nhớ ngày xưa, khi hay diễn ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), có một lần tôi nhờ học trò đèo bằng xe đạp từ phố Hàng Giấy vào khu văn công Mai Dịch để rủ Trung Đức tham gia  một  chương  trình  biểu  diễn. Vào đến nơi thì Trung Đức lại đi vắng. Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày diễn nên tôi rất lo lắng.

Khi tôi về đến nhà thì nhà lại mất điện, rất nóng bức. Tôi vừa pha xong cốc nước chanh chưa kịp uống thì vợ tôi về. Tôi bực bội kể lại việc không gặp được Trung Đức cho vợ nghe. Nghe xong, vợ tôi hỏi giá vé chương trình là bao nhiêu. Tôi nói là 20 nghìn một vé. Vợ tôi bảo chương trình của anh chỉ bán được giá vé 10 nghìn thôi, 20 nghìn thì ai người ta mua.

Lúc ấy tôi cáu quá, không kìm chế nổi, vung tay đập vỡ tan cốc nước chanh trên bàn. Sau đó, tôi quơ tiếp 5 chiếc đĩa phalê của Nhật đập tan tành. Chưa hả giận, tôi vớ lấy 2 cái phích định đập tiếp, thì vợ tôi níu tay xin, bảo chỉ nói đùa. Vợ tôi biết lỗi đi dọn dẹp lại nhà cửa và pha cho tôi cốc nước khác, nhưng lúc ấy tôi vẫn còn giận lắm.

Sống với nhau lâu, tôi hiểu ra, vợ tôi sinh trưởng trong một gia đình bộ đội, công nhân nên chân chất, ít giao tiếp, đặc biệt là với giới văn nghệ sĩ. Tôi quen biết Nguyệt khi cô ấy đang là sinh viên năm cuối của trường ĐH Y khoa, đến xin học đàn guitar ở lớp của tôi. Tôi để ý đến cô học trò này vì cô ấy hiền lành, ít nói và hình như cũng có cảm tình với tôi.

Nhà tôi có bốn anh em, tôi sống với anh cả nhưng anh ấy hay đi công tác xa nên tôi thường rơi vào thế “bí” trong việc nội trợ. Tôi vẫn thường phải nhờ anh em bạn bè đi chợ, nấu nướng giúp. Có vài lần Nguyệt đến học, tôi có nhờ cô ấy mua mớ rau, miếng thịt và chế biến hộ.

Khi chúng tôi bắt đầu yêu nhau thì lại gặp phải sự ngăn cản của gia đình Nguyệt. Bố mẹ Nguyệt sợ cô ấy sẽ khổ, khi lấy một người không nhìn thấy như tôi.

 Nhưng dù thế nào, Nguyệt vẫn nhất quyết đến với tôi, vì tình yêu chân thành đã xoá nhoà mọi khoảng cách giữa tôi và cô ấy. Sau một thời gian dài thuyết phục, cuối năm 1983, chúng tôi đã tổ chức một đám cưới rất đông vui và trang trọng. Vì yêu tôi như thế, nên tôi hiểu việc cô ấy ghen tuông cũng là lẽ thường tình.

Giờ đây, mỗi lần tôi đi diễn hoặc giao lưu ở đâu tôi đều đưa vợ đi theo để giới thiệu với bạn bè và “tập” cho cô ấy “quen” với cử chỉ bắt tay thân mật trong giao tiếp của tôi (cười). Dần dần, vợ tôi hiểu ra và thông cảm cho cách sống của tôi. Cô ấy không còn ghen tuông vớ vẩn khi tôi hôn hay đón nhận một nụ hôn từ một fan nữ nào nữa (cười). Có thể nói tôi đã chữa được bệnh ghen của cô ấy.

Hiện tại, vợ chồng tôi đang sống rất hạnh phúc. Tôi vừa dạy đàn vừa đi biểu diễn các nơi, vợ tôi hiện đang là Quyền Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Hà Nội. Con trai tôi đang học lớp 8 trường PTCS Nghĩa Tân và học năm thứ 7 sơ cấp Piano ở Nhạc viện Hà Nội. Cả hai lĩnh vực cháu đều học rất xuất sắc. Vợ con tôi luôn là niềm tự hào của tôi.

             Nguyễn Thắng - Thanh Hà

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]