Nghệ thuật gọi vốn: Hoặc là bạn “hot”, hoặc tự làm mình “hot”

Action.vn – Startup là một cuộc chạy đua đường dài mà trong đó gọi vốn là một bước ngoặt vô cùng quan trọng.

15.5935


 

Tác giả bài viết Darius Monsef – founder & CEO của CreativeMarket. Anh đồng thời là founder của cộng đồng thiết kế COLOURlovers và hiện là cố vấn cho các startup.

 


“Tôi đã từng trải qua 3 vòng gọi vốn. Một thất bại hoàn toàn và hai vòng còn lại thu được lần lượt là 1 triệu USD và 1,3 triệu USD trong vòng vài tuần. Từ góc nhìn đó, tôi muốn đưa ra vài lời khuyên cho những nhà sáng lập đang muốn gọi vốn.

 

Tôi học hỏi được rất nhiều từ vòng gọi vốn thất bại đầu tiên. Lý do nó thất bại là vì chúng tôi không thật sự cần và không hoàn toàn tập trung vào việc đó, nhưng cũng nhờ vậy mà chúng tôi học được những bài học vô giá giúp cho 2 vòng gọi vốn sau thành công.

 

Có rất nhiều bài học tôi đã rút ra được. Hy vọng chúng sẽ giúp bạn thành công trong việc gọi vốn.

 

Tạo ra sức hút

 

Hãy làm rõ trước điều này: hoàn toàn không phải là nối dối hay không trung thực. Đó chỉ là việc bạn cần phải chuẩn bị bản thân và chiến lược cho một khoản thời gian chủ chốt trong quá trình phát triển startup của mình.

 

Cũng giống như khi hẹn hò, sức hút rất quan trọng. Bạn không thể chỉ photoshop avatar của mình rồi đăng lên Match.com là xong. Bạn sẽ phải gặp trực tiếp và đối thoại với nhà đầu tư nên hãy chắc rằng người mà bạn giới thiệu trong hồ sơ thật sự chính là bạn… một phiên bản tốt nhất của bạn.

 

Tôi từng nhận được lời khuyên từ một nhà sáng lập đồng ý rằng tự tạo ra sức hút rất quan trọng thậm chí tới mức sử dụng thủ thuật để làm mình cao giá hơn. Nhưng những loại thủ thuật như thế chỉ có thể tác động đến một số ít người và đó cũng không phải là cách hay bởi không ai muốn bắt đầu một mối quan hệ bằng cách lọc lừa. Nếu bạn không thể gọi vốn mà không nói dối và sử dụng các thủ đoạn gian trá, tôi nghĩ bạn nên tự đánh giá lại những gì mình đang làm.

 

Khi công ty tôi đang trong giai đoạn gọi vốn, tôi dồn 100% thời gian và sức lực của mình vào đó. Đội ngũ của tôi biết rằng tôi sẽ không thể chú tâm đến sản phẩm hoặc những hoạt động phát triển kinh doanh khác nên họ sẵn sàng hỗ trợ tôi. Với những công ty chỉ có độc nhất một nhà sáng lập hoặc người đảm nhận gọi vốn cũng là nhà phát triển độc nhất thì sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên bạn cũng không thể tạo ra sức hút một cách nửa vời và không có sức hút thì bạn cũng chẳng thể gọi vốn được.

 

Không một ai có thể gọi vốn một cách đơn giản

 

Khoảnh khắc mà bạn tuyên bố rằng bạn đang gọi vốn, đồng hồ cũng bắt đầu chạy.

 

Bạn càng tốn nhiều thời gian để tìm kiếm, ký kết hợp đồng đầu tư thì cơ hội thành công càng ít.

 

Vì thế, đừng nói rằng bạn đang gọi vốn cho đến khi bạn thực sự sẵn sàng. Sau đây là cách để xác định bạn có trong trạng thái đó hay không:

 

– Bạn có một lời cam kết sớm.

 

– Bạn có một danh sách khoảng 30-50 nhà đầu tư sẵn sàng làm việc với mình.

 

– Bạn có thư giới thiệu từ 3-5 người trong ngành cho mỗi nhà đầu tư mà bạn chưa quen.

 

– Bạn có thời gian trống cho 4 tuần tập trung gọi vốn.

 

Cách để gọi vốn trước khi bạn thực sự bắt đầu

 

Nghe có vẻ vô lý khi bạn cần có một lời cam kết sớm trước cả khi bạn bắt đầu gọi vốn nhưng nó thật sự rất hữu dụng. Hãy rà soát lại mạng lưới của mình và tìm ra những nhà đầu tư bạn thân thiết nhất. Nếu hiện tại không có thì hãy bắt đầu làm thân với họ đi và đừng dừng lại.

 

Hàng tháng trời trước khi chúng tôi thật sự bắt đầu vòng gọi vốn thành công của mình, tôi đã suy xét rất nhiều về những người chúng tôi có thể mời cam kết sớm.

 

Hãy làm rõ rằng không phải ai cũng có thể đạt được một lời cam kết trước khi họ thật sự công khai gọi vốn. Trong hoàn cảnh đó, hãy để dành thời gian của mình cho những cuộc họp có cơ hội thành công cao nhất. Hãy bắt đầu với những nhà đầu tư thấu hiểu sản phẩm và thị trường của bạn. Hoặc những nhà đầu tư quyết định theo số đông và những nhà đầu tư bạn có mối quan hệ tốt nhất.

 

Nếu bạn may mắn được gia đình hoặc bạn bè hoặc bất cứ ai sẵn sàng đầu tư sớm, điều đó sẽ rất hữu dụng khi tiếp cận các nhà đầu tư khác và nói rằng “chúng tôi chỉ mới bắt đầu vòng gọi vốn mà đã có nhà đầu tư cam kết sẽ góp 50-100k USD.”

 

Phù hợp với các khuôn mẫu

 

Những nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm luôn tìm kiếm một khuôn mẫu ở các startup khi họ xem xét cơ hội đầu tư vào đó. Họ tìm kiếm những yếu tố mà họ đã thấy ở những startup thành công khác… Những yếu tố đó có thể là học vấn ở những trường học danh tiếng hoặc kinh nghiệm làm việc ở các công ty lớn trong ngành…

 

Vì vậy mà những yếu tố khác thường (không như khuôn mẫu trên) sẽ là một vết mực đen trong hồ sơ của bạn.

 

Nhưng điều đó không có nghĩa là thỏa thuận của bạn với họ sẽ đi vào ngõ cụt. Nó chỉ có nghĩa là bạn phải tự khẳng định những điểm mạnh của mình. Nếu bạn có bằng cấp sáng giá hãy đưa nó lên trước, nếu bạn chỉ có đam mê thì cũng chẳng hề chi, hãy thể hiện nó ra cho nhà đầu tư thấy.

 

Tôi từng thất bại khi đi gọi vốn cho một trang web về nghệ thuật trong thời hung thịnh của game và các ứng dụng xã hội. Nhưng hiện nay, trong “thời kỳ phục hưng” của thiết kế giao diện, chúng tôi trở nên “hấp dẫn” hơn bởi chúng tôi phù hợp với “khuôn mẫu” của các nhà đầu tư hơn khi họ nhìn vào thành công của Pinterest và Fab.

 

Tôi không tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính từ một trường nổi tiếng nào… tôi thật ra chẳng tốt nghiệp từ đâu. Không một nhà sáng lập nào của chúng tôi có bằng tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính (Chúng tôi đều là tự học mà ra). Thực tế, tôi được nhận vào Microsoft và đã từng tham gia một vườn ươm công nghệ nên chúng tôi được xem như bước đầu đủ tiêu chuẩn đối với nhà đầu tư. Nhưng để chứng minh cho đội ngũ của mình, chúng tôi chỉ có thể đưa ra một bảng theo dõi quá trình xây dựng sản phẩm tuyệt vời và niềm đam mê.

 

 

Gọi vốn bao nhiêu?

 

Tôi đã từng trò chuyện với nhiều doanh nhân mới khởi nghiệp nghĩ rằng họ muốn gọi vốn trong khoảng 200k – 300k USD. Nhưng đó lại là những con số bất thường cho những vòng gọi vốn ban đầu. Những startup “hot” đều gọi vốn trong khoảng 750k – 1,5 triệu USD còn bạn thì chỉ cần 200k USD thì nghe không hay chút nào. Nhà đầu tư sẽ không nghe rằng “Chúng tôi thông minh và sử dụng vốn rất hiệu quả” mà thứ họ nghe được sẽ là “Đây chỉ là một ý tưởng nhỏ và chúng tôi không cần nhiều tiền bởi chẳng có cơ hội lớn nào để theo đuổi và phát triển nó.”

 

Vì thế hãy tính số tiền thực tế mà bạn cần rồi “thổi phồng” nó lên một cách hợp lý vì bạn cần nhiều nhà đầu tư hứng thú với vòng gọi vốn của bạn hơn là chẳng có ai thèm để ý. Việc này cũng sẽ cho bạn nhiều lựa chọn để gọi vốn nhiều hơn và chọn nhà đầu tư thích hợp nhất với startup của mình. Chúng tôi đặt mục tiêu trong vòng gọi vốn “hạt giống” là 750k USD và con số thực tế chúng tôi thu vào là 1 triệu USD. Chúng tôi thỏa thuận được với một số nhà đầu tư tuyệt vời, thu được thêm 250k USD mà chỉ mất một con số phần trăm nhỏ cổ phần.

 

Một lần nữa tôi xin nhắc lại là bài viết này không phải là về những mánh khóe lọc lừa bởi tôi biết nhiều nhà đầu tư rất bực mình với các khoảng “thổi phòng” quá đáng của những nhà sáng lập. Nên nhớ rằng với bất kỳ nhà đầu tư nào đã dành thời gian để xem xét đề nghị của bạn nhưng chỉ đổi lại được những con số cực ảo và một chút phần trăm cổ phần thì nghe thật chẳng hay tí nào.

 

Hãy đặt ra một mục tiêu hợp lý vì nếu không có nhiều nhà đầu tư hứng thú với con số bạn đã kê lên cao hơn thì chí ít bạn cũng đã có được con số thực tế startup cần. Sẽ là một tình huống đau khổ nếu bạn đặt mục tiêu 1 triệu USD mà chỉ được đầu tư 800k USD. Con đường kiếm 200k USD còn lại sẽ không hề dễ dàng hơn và lúc đó thì thay vì là một startup “hot” bạn chỉ là một nhà sáng lập tuyệt vọng cố gắng ký kết được hợp đồng đầu tư.

 

Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng bạn gọi vốn đủ để tồn tại bởi nhiều startup gọi vốn ít hơn 750k USD đều có tỷ lệ “chết yểu” rất cao.

 

Cố vấn và Nhà đầu tư

 

Hãy cẩn thận với những cố vấn của bạn. Mọi người thường thích có một dàn cố vấn hoành tráng nhưng nếu bất kỳ ai trong số đó cũng là nhà đầu tư nhưng lại không đầu tư cho bạn thì đó lại là một tảng đá cản đường cực lớn. Paul Graham từng nói với tôi rằng cố vấn là những nhà đầu tư không tin rằng bạn đáng để họ đầu tư tiền bạc. Công bằng mà nói thì không phải cố vấn nào cũng giống như thế. Tôi hiện vẫn đang cố vấn cho một số startup về thiết kế và xây dựng cộng đồng dù tôi hiện chưa đầu tư vào đó. Việc đó chẳng hề gì nhưng nếu bạn có một nhà đầu tư nổi tiếng làm cố vấn trong khi người đó chẳng hề đầu tư cho bạn thì điều đó sẽ khiến cho những nhà đầu tư khác rất e ngại.

 

Khi bạn gọi vốn

 

Một chuyện làm tôi bận lòng ở Thung lũng Silicon là cách mọi người nói về việc họ đang làm. Ngay cả trong những cuộc trò chuyện thân mật mọi người cũng hiếm khi nói về những thứ tiêu cực dù rằng họ có trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc đi nữa. Chuyện này xảy ra là bởi vì thế giới startup khá nhỏ, thật ra là nhỏ hơn bạn tưởng rất nhiều.

 

Trong thế giới mà mọi người chỉ nói những thứ như “Tốc độ tăng trưởng của chúng tôi rất tuyệt vời đội ngũ thì đang rất sung sức”, thì nhìn sẽ không tốt chút nào khi mà bạn nói những lời thiếu tự tin vì đó là những thứ duy nhất lọt tai nhà đầu tư.

 

Vì vậy dù bạn đang gọi vốn hay không, hãy cẩn thận với những gì bạn nói và những người đang nghe. Thế giới này rất nhỏ và mọi người đều biết nhau nên cứ giả định là tất cả những gì bạn nói sớm muộn gì cũng sẽ lọt tai nhà đầu tư.

 

Không chắc là mình có phải nhắc lại điều này không nhưng bài viết này không phải khuyên bạn nói dối. Hãy tìm một cách để nhìn nhận và truyền đạt những gì bạn đang có dù bạn chỉ mới đi được nửa đường hoặc chỉ mới bắt đầu.

 

Khai thác những công cụ bạn có

 

Chính xác là tôi đã gọi vốn 4 lần nhưng thật khó chịu khi phải tính luôn lần đầu tiên. Bởi 5 năm trước tôi chẳng biết gì về startup, tôi thử vận may khi gửi những lá thư lạnh lùng vào hộp mail của những nhà đầu tư hàng đầu với hy vọng mỏng manh là có thể gặp họ. Chẳng ai trả lời cả!

 

Ngày nay chúng ta có những cơ hội tuyệt vời từ những buổi hội thảo, những sự kiện công nghệ, nơi bạn có thể gặp gỡ những người chắc chắn sẽ có lợi cho việc gọi vốn của bạn. Sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ đang mang đến cho bạn những sự hỗ trợ hữu ích nhất. Đừng ngại liên hệ khi bạn cần sự giúp đỡ và hỗ trợ”.

 

Action.vn/TechCrunch

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]