Nghệ thuật tuồng nên được cách tân như thế nào?

Nhiều người cho rằng, việc khán giả hiện nay quay lưng với tuồng là do sự cách tân sai lạc và gợi ý, đã đến lúc đưa tuồng về với truyền thống. Tuy nhiên, không phải ai cũng tán thành quan điểm trên. Sau đây là cuộc trao đổi với NSND Lê Tiến Thọ - Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn về vấn đề này.

15.5976

- Đứng ở vị trí của một nghệ sĩ và người làm công tác quản lý, ông ủng hộ hay phản đối việc cách tân tuồng?

- Nghệ thuật tuồng có cấu trúc chặt chẽ bao gồm một ngôn ngữ và những hình thức nghệ thuật mang tính cách điệu ước lệ rất cao, tạo thành một khuôn mẫu. Nhiệm vụ của chúng ta là phải gìn giữ được khuôn mẫu ấy. Tuy nhiên, nghệ thuật sinh ra là để phản ánh cuộc sống. Khán giả hôm nay đến với sân khấu tuồng, ngoài việc thưởng thức nghệ thuật truyền thống còn để trao đổi tâm tư. Tôi cho rằng, một mặt chúng ta phải gìn giữ, bảo lưu nghệ thuật tuồng truyền thống, mặt khác vẫn phải tiến hành cách tân, vì có thế mới thu hút được khán giả và có sự phát triển.

- Ông nhận định gì trước ý kiến cho rằng, những đề tài hiện đại không thích hợp với nghệ thuật tuồng? 

- Sân khấu tuồng truyền thống thường xoáy vào những sự kiện lớn của dân tộc, những ''tình huống bạo liệt'', chẳng hạn như một triều đại, một con người đứng trước sự mất còn, tồn vong. Tuy nhiên, ta vẫn có thể ''rút tỉa'' không ít sự ''bạo liệt'' từ cuộc sống hiện tại. Ví dụ đề tài về Tây Nguyên, nông thôn miền núi, bảo vệ biên giới, chống tệ nạn xã hội, chống tham nhũng... Tất nhiên, khi bám sát cuộc sống thì tuồng cũng phải đổi mới.

- Nhưng một số cách tân đã làm biến dạng sân khấu tuồng, biến tuồng đến gần với kịch nói. Theo ông, chúng ta phải cách tân thế nào cho đúng?

- Muốn cách tân đúng trước hết phải giữ được bản sắc của sân khấu tuồng, đặc biệt là cấu trúc ngôn ngữ kịch bản, đó là một sân khấu tự sự, kịch tính và trữ tình (khác với sân khấu kịch tuy cũng có kịch tính nhưng không có thơ, không trữ tình và không kể). Rồi từ đó mới xây dựng tích, nảy ra trò và ''thổi'' tư tưởng của người đương thời vào vở diễn. Làm được như thế là chúng ta đã kế thừa và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống.

Theo tôi, có thể cách tân nghệ thuật tuồng trên những mặt sau. Về tiết tấu, có thể đẩy nhanh lên. Âm nhạc trong nghệ thuật tuồng thường ồn ào, căng thẳng, chủ yếu chỉ phụ hoạ cho múa mà không ''nhấn'' được tâm lý nhân vật. Vì thế, có thể thay tiếng kèn, tiếng trống ồn ã bằng những giai điệu phù hợp khi khắc hoạ chiều sâu tâm lý nhân vật. Nên kết hợp cả múa, hát và nền âm nhạc chứ không chỉ là tiếng trống điểm và ''tòng'' như trước. Tuy nhiên, tôi không đồng ý việc tuỳ tiện ''nhét'' nhạc vàng, nhạc mới vào vở diễn, bởi lẽ nó ''vênh'' với chất tuồng.

Về ngôn ngữ thơ, thơ trong kịch bản tuồng truyền thống là song thất lục bát, rất ít thơ ngắn. Nhưng ngôn ngữ đối thoại ngày hôm nay đòi hỏi tác giả phải ''đẩy'' tới những câu thơ 5 chữ, 4 chữ. Vì vậy, ngôn ngữ thơ cần được cách điệu. Nó yêu cầu diễn viên phải có những cải tiến về làn điệu, chẳng hạn như làn điệu nói lối thì phải ''xốc'' nó lên, đẩy tới một tiết tấu liên hoàn.

(Theo Thanh Niên)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]