Những điều bạn có thể chưa biết về hãng cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks

Bạn không còn lạ gì Starbucks, nhưng bạn liệu có biết về lịch sử hình thành của hãng đồ uống kiêm bán lẻ cà phê cực kỳ nổi tiếng này?

15.5706
Mới đây, nhiều người Việt Nam đã tỏ ra vô cùng hứng khởi trước thông tin Starbucks sẽ đưa thương hiệu cà phê Việt Nam, cụ thể là cà phê Arabica Đà Lạt vào hàng ngũ sản phẩm chính thức của hãng với giá hơn 50USD/kg. Mặc dù, rất nhiều người đã nghe qua về thương hiệu Starbucks của Mỹ khi nó có tới 21.536 cửa hàng trên khắp thế giới, phục vụ hàng triệu khách tới uống mỗi ngày, tuy nhiên, liệu bạn có biết về lịch sử hình thành thú vị của hãng đồ uống kiêm bán lẻ cà phê cực kỳ nổi tiếng này?


Ra đời vào năm 1971, ban đầu Starbucks được mở ra như một cửa hàng bán lẻ và làm dịch vụ rang, xay hạt cà phê tại Seattle, Washington, Mỹ. "Cha đẻ" của chuỗi cửa hàng đẳng cấp thế giới này là 3 người đàn ông có cùng sở thích văn chương, sách vở. Đó là Jerry Baldwin, một giáo viên Tiếng Anh, Zev Siegl, thầy dạy môn Lịch sử và cuối cùng là nhà văn Gordon Bowker. Ba người đàn ông này được truyền cảm hứng bởi một tay buôn kiêm rang cà phê có tên Alfreed Peet rằng phải bán, cũng như truyền bá loại hạt cà phê cao cấp nhất, ngon nhất tới cộng đồng ngoài kia. 

Mới đầu, cửa hàng được dự định sẽ tên là Pequod, dựa trên một con tàu săn cá voi trong cuốn tiểu thuyết Moby-dick. Thế nhưng do hai ông đồng sáng lập nhất quyết không chịu sử dụng cái tên "xấu hoắc" ấy, chuỗi cửa hàng "đành" phải lấy theo tên vị thuyền trưởng điều khiển Pequod, cũng chính là Starbuck nổi tiếng hiện giờ.

Cái tên hiện giờ của Starbucks dựa trên cuốn tiểu thuyết Moby-Dick.

Vào những năm 1980, Howard Schultz tham gia vào công ty Starbucks với tư cách một nhân viên, đồng thời thuyết phục các ông chủ hãy bán những mẫu cà phê uống làm từ hạt cà phê rang của mình làm đồ uống. Từ sau ý tưởng ngỡ như điên rồ ấy, Starbucks hoàn toàn vươn lên, đồng thời cả 3 vị sáng lập cũ cũng bán lại công ty Starbucks cho Howard Schultz, tức CEO hiện giờ.

Chân dung Howard Schultz, người trực tiếp đem lại thành công cho Starbucks.

Logo của Starbucks lúc mới thành lập là một cô tiên cá hai đuôi, tóc xõa phơi ngực trần, mỗi tay nắm một bên đuôi của mình. Mặc cho lời ra tiếng vào, ba ông "cứng đầu" vẫn nhất quyết sử dụng cô tiên cá biến dị gợi cảm để làm hình ảnh đại diện cho cửa hàng, bởi họ cho rằng, bộ ngực trần ấy tạo sự khơi gợi giống như hương vị sản phẩm cà phê quyến rũ mà họ sản xuất. Cho tới lúc cần mở rộng cửa hàng, và việc điều phối sản phẩm là một trong những yêu cầu tối thiểu, yêu cầu phải có Logo của cửa hàng trên xe tải chở hàng thì mọi việc mới được ba vị chủ nhân cân nhắc lại. Tới năm 1986, Logo của Starbucks được đổi lại và giữ tới bây giờ.

Logo cũ của Starbucks.

Tới thời điểm hiện tại, hãng cà phê Mỹ đã có tiếng vang trên khắp thế giới, gần như giới trẻ ai cũng biết tới Starbucks, mọi người trên Internet đều biết đến logo "tiên cá hai đuôi màu xanh lá" mặc dù chưa chắc đã từng thưởng thức đồ uống của cửa hàng. Cứ mỗi ngày lại có một cửa hàng Starbucks mới được khai trương, chạm đến con số 21.536 như ngày hôm nay.


Song song với số cửa hàng khổng lồ ấy là lực lượng nhân viên vô cùng hùng hậu, lên tới 191.000 nhân viên theo thống kê vào cuối năm 2014. Số nhân viên này thậm chí còn nhiều hơn số dân tại quốc gia tự trị Greenland, một quốc gia nhỏ thuộc Vương quốc Đan mạch.


Số đồ uống mà Starbucks có thể pha chế từ nguồn nguyên liệu khổng lồ của họ cũng lớn không kém, lên tới 87.000 loại đồng uống. Nghe thì có vẻ to nhưng bạn yên tâm là chẳng ai thừa hơi nghĩ ra đủ trò để bắt các Baristar tại đây phải pha chế cho đủ được. Nhưng bạn có thể yên tâm về chất lượng của những đồ uống này, bởi Starbucks luôn và chỉ chọn những loại nguyên liệu chất lượng nhất.


Starbucks thể hiện rõ quan điểm yêu thương nhân viên tựa như con của mình bằng cách chi mỗi năm tới 300 triệu USD cho việc chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế dành cho những người đang ngày ngày phục vụ chuỗi cửa hàng, kể cả nhân viên part-time.


Để có những ly cà phê béo ngậy đầy sữa, mỗi năm có tới 93 triệu gallon sữa được Starbucks sử dụng để pha chế. Số sữa này đủ để rót đầy hơn 155 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic.


Starbucks thường xuyên sử dụng cốc giấy cho các sản phẩm đồ uống của hãng. Nếu gom hết số cốc này lại mà đếm, con số này sẽ rơi vào khoảng 2,3 tỷ chiếc cốc giấy mỗi năm.


Mỗi ly cà phê cỡ lớn của Starbucks chứa tới gần 320mg Caffeine, gấp hơn 4 lần số caffeine mà một lon "Bò húc" có thể đem lại. Vậy nên, bạn hoàn toàn không phải lo lắng về khả năng giúp tinh thần tỉnh táo của các sản phẩm cà phê "Tiên cá hai đuôi".

Khởi động một buổi sáng tỉnh táo bằng ly cà phê Starbucks là phong cách sống của rất nhiều người trẻ trên thế giới.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]