Giáo sư Martin Löffelholz, Hiệu trưởng Trường đại học Swiss German tại châu Á, chuyên gia báo chí nhiều kinh nghiệm trong khu vực Đông Nam Á,  chia sẻ với ĐTCK nhiều vấn đề liên quan đến báo chí Việt Nam tại Hội thảo “Kỹ năng viết báo ngành tài chính - ngân hàng trong bối cảnh kinh tế Đông Nam Á nhiều biến động”  do Ngân hàng ANZ tổ chức ngày 19/6.

Ở Việt Nam, hiện có nhiều trang tin điện tử tác nghiệp như một cơ quan báo chí và “ăn cắp” bản quyền của các cơ quan báo chí chính thống. Tình trạng này ở trên thế giới ra sao và theo ông, làm gì để hạn chế tình trạng này?

Sự tiếp cận Internet hiện nay là rộng khắp mọi nơi, người dân Việt Nam có thể đọc những trang mạng nước ngoài và ngược lại. Do đó, với vấn đề ăn cắp bản quyền hoặc một số trang tin điện tử không có giấy phép, việc đó rất khó giải quyết, vì nếu có cấm trong nước thì vẫn còn những trang mạng hoạt động ở nước ngoài không được cấp phép và người dân Việt Nam vẫn có thể đọc những trang tin đó.

Theo tôi, có hai giải pháp cho tình trạng này. Thứ nhất, kiểm duyệt gắt gao đối với thông tin đăng tải trên các trang mạng. Tuy nhiên, tôi không nghĩ giải pháp này thực sự hiệu quả, vì thông tin bây giờ cần cởi mở và người dân có quyền tiếp cận thông tin nhiều chiều khác nhau. Thứ hai, giáo dục trình độ cho người dân để khi đọc các thông tin nhiều chiều trên mạng sẽ phân biệt được tin nào đáng tin cậy, nguồn nào đáng tin cậy. Việc giáo dục này nên bắt đầu từ cấp độ tiểu học.

 

Báo in đang bị cạnh tranh mạnh bởi nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác, nhất là báo điện tử. Ông dự báo xu hướng này ra sao?

Câu hỏi này được tiếp cận theo hai hướng: nội dung và hình thức. Về mặt nội dung, báo chí luôn cần những nguyên tắc như sự trung thực, kịp thời, chính xác. Bên cạnh đó là tất cả các kỹ thuật như tìm kiếm thông tin, kỹ năng phỏng vấn, chọn lọc thông tin, ưu tiên thông tin, trình bày và tổ chức thông tin một cách logic và dễ đọc. Đó là những nguyên tắc bất di bất dịch.

Về hình thức, hay nói cách khác là kênh chuyển tải thông tin, hiện đang có sự thay đổi lớn với sự ra đời của Internet và những tiến bộ của công nghệ thông tin. Tôi nghĩ, trong tương lai, người ta sẽ tiếp cận báo mạng nhiều hơn là những báo truyền thống như báo in. Vì thế, báo in cần có phiên bản điện tử để khi vai trò về hình thức thể hiện của báo in mờ nhạt dần đi thì độc giả đã có phiên bản điện tử để tiếp tục sử dụng.

 

Giữa phản ánh khách quan, trung thực các vấn đề đang diễn ra và dự báo các vấn đề, xu hướng kinh tế có thể diễn ra, theo ông, đâu là điều cần thiết hơn đối với các tác phẩm báo chí kinh tế?

Giữa hai xu thế này, việc phản ánh khách quan, trung thực, kịp thời những gì đang diễn ra là quan trọng hơn. Nếu dự báo thì cần dựa vào những nguồn phân tích đáng tin cậy của các chuyên gia trong ngành.

 

Những khó khăn đối với phóng viên kinh tế Việt Nam hiện nay, theo ông là gì?

Thứ nhất là phải đưa tin, viết bài về rất nhiều chủ đề, nói là kinh tế nhưng bao hàm nhiều chủ đề rộng, đòi hỏi phóng viên phải hiểu biết về những chủ đề kinh tế đó.

Thứ hai là bối cảnh kinh tế hiện nay có sự thay đổi nhanh, đôi khi có những thông tin không tích cực, cần phải xử lý kỹ.

Thứ ba là chưa có tầm nhìn trong khu vực, dù có nhiều tin bài về các sự kiện trên thế giới. ASEAN đang ngày càng nổi lên như một khu vực kinh tế năng động trên trường quốc tế, đồng thời cũng đưa ra những quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Với tầm quan trọng ngày càng cao của ASEAN như vậy, báo chí Việt Nam cần đưa tin, viết bài nhiều hơn, chuyên sâu hơn cho công chúng, nhất là giới DN.

 

Ông có gợi ý giải pháp nào?

Hệ thống đào tạo báo chí cần tốt hơn nữa. Cần cập nhật, bổ sung kỹ năng làm báo cũng như kiến thức về kinh tế, nhất là những người thuộc các chuyên ngành khác trước khi làm báo. Về mặt đào tạo và cập nhật kỹ năng làm báo, tôi muốn nói thêm rằng, khi chúng ta đưa tin ở tầm khu vực và quốc tế, thì khả năng đọc tiếng Anh và thực hiện các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh là rất quan trọng.

Theo Nhuệ Mẫn thực hiện
Nhuệ Mẫn thực hiện