Ngày 24.2 (tức mùng 6 tháng giêng năm Ất Mùi) trên cả nước đã diễn ra nhiều lễ hội thường niên, truyền thống; trong đó thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo người dân, du khách, công luận là lễ hội chùa Hương, lễ chém lợn ở làng Ném Thượng, lễ hội đền Gióng… 

Hình ảnh về những vụ hỗn chiến dùng gậy gộc để đánh người, máu lợn sống bị chém văng tung tóe giữa sân đình trước mặt hàng ngàn trẻ em, người người chen nhau dâng lễ vật cho “cõi âm” để “tranh cướp” tài lộc… đang cho thấy những chỉ dấu nghiêm trọng trong đời sống tinh thần của một “bộ phận không nhỏ” người dân Việt hiện nay.

“Nơi tôn nghiêm” thành… phòng ăn trưa

Tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội, sáng 24.2, đã diễn ra lễ khai hội chùa Hương năm 2015 với sự tham gia của hàng ngàn tăng ni phật tử, du khách và người dân địa phương. Thượng tọa Thích Minh Hiền - trụ trì chùa Hương - cho biết, mặc dù chính thức khai mạc vào sáng mùng 6 tháng giêng âm lịch, nhưng từ những ngày trước đó, hàng vạn du khách đã đến chùa Hương để vui xuân, lễ Phật. 

Thượng tọa cũng đã nhấn mạnh rằng, lễ hội văn hóa - du lịch chùa Hương đang ngày càng tạo ra nhiều sức hút hấp dẫn, nhiều công ăn việc làm cho người dân. “Chỉ riêng việc có khoảng 4 - 5 nghìn chiếc thuyền chèo tay chở du khách trên sông để đến chùa trên đường đi và về khoảng chục cây số đã cho thấy rất nhiều công việc để làm cho người dân địa phương” - Thượng tọa Thích Minh Hiền nói.

Chính sức hút to lớn ấy của lễ hội chùa Hương nên từ nhiều năm qua, lễ hội này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công luận. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Lao Động thì trong suốt cả ngày 24.2, hình ảnh những động vật hoang dã, quý hiếm bị làm thịt, bày bán công khai, rồi tình trạng “chặt chém” du khách của những người kinh doanh sở tại như các năm trước đã không còn tái diễn. Tuy nhiên, tình trạng người người chen chúc, chen lấn tại các đền, chùa để dâng lễ vật, thả tiền thật để cầu mong tài lộc, sức khỏe vẫn diễn ra phổ biến. 

Trả lời PV Lao Động về việc có người đem cả thịt các loài vật để dâng lễ phật, Thượng tọa Thích Minh Hiền xác nhận có tình trạng đó và cho rằng “chỉ một số thanh niên ngổ ngáo” làm việc đó thôi.

Cũng tại chùa Hương, các PV Lao Động đã ghi nhận được rất nhiều hình ảnh về sự “vô tư”, “hồn nhiên” của du khách Việt: Tại một ngôi chùa đang “chờ sập” với rất nhiều biển cảnh báo nguy hiểm, cấm du khách không được vào, nhưng hàng trăm người vẫn chen chúc trong đó để ăn uống, vui đùa như không hề… biết chữ (!). Một du khách người nước ngoài tròn mắt nói: “Những người này không sợ chết sao?”. Còn tại những nơi treo biển “nơi tôn nghiêm” đã bị biến thành “bàn ăn”, “phòng ăn” bừa bộn, ầm ĩ của du khách người Việt.

Cướp, chém để… cầu may (!)

Lễ hội đền Gióng diễn ra sáng hôm qua tại huyện Sóc Sơn - Hà Nội cũng đã bị vấy bẩn vì xảy ra nạn hỗn chiến cướp lộc cầu may. Đây là lễ hội tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân mang lại thái bình cho đất nước. Nghi thức tại lễ hội là rước kiệu hoa tre - được kết từ hàng trăm hoa tre cắm vào thân cây chuối cao làm trụ, tượng trưng cho cây gậy tre của Thánh Gióng đánh giặc khi xưa. 

Khi đoàn tùy tùng rước kiệu chưa về đến đền Hạ, mới ngang qua đền Thượng thì hàng chục thanh niên lao vào cướp hoa tre với quan niệm để lấy may mắn cho cả năm. Rất nhiều thanh niên dùng gậy đánh đập những người rước kiệu, bảo vệ. Cùng lúc đó, đoàn rước kiệu trầu cau cũng bị hàng chục thanh niên lao vào cướp. Những người khiêng kiệu, bảo vệ kiệu cũng đã dùng gậy đánh trả. Kết cục sản vật dâng cúng vị anh hùng dân tộc đã bị cướp sạch trước khi lễ hội hoàn thành.

Cũng trong ngày 6 tháng giêng, tại phường Khắc Niệm, TP.Bắc Ninh lễ chém lợn làng Ném Thượng đã diễn ra tại sân đình làng vào lúc 12 giờ 4 phút trước sự chứng kiến của hàng ngàn người, trong đó có rất nhiều trẻ em, phụ nữ bất chấp sự khuyến cáo của các tổ chức, nhà nghiên cứu về một lễ hội chém giết tàn bạo đối với động vật. 

Tại đây, hai con lợn sống được vật ngửa ra, hai người đàn ông đã dùng dao chém đứt đầu lợn. Giới truyền thông mạng đã đăng tải hình ảnh đẫm máu về lễ hội này với sự miêu tả rằng máu lợn chảy lênh láng sân đình, văng dính vào mặt người xem, rất nhiều trẻ em được bố mẹ khênh lên cao, chen lấn để chứng kiến cảnh chém lợn… Rất nhiều người dân dự lễ hội đã cười to hết miệng khi “may mắn” chen lấn lọt vào gần nơi giết lợn để nhúng tiền vào máu lợn cầu may.

Trước khi lễ hội này diễn ra, Tổ chức Động vật Châu Á đã phát lời kêu gọi cần chấm dứt lễ hội đẫm máu và tàn bạo này. Bộ VHTTDL cũng đã ra khuyến cáo rằng “bộ không cổ súy, khuyến khích những lễ hội phản cảm và bạo lực” như lễ hội chém lợn Ném Thượng.

Ngày hôm qua, trên các báo đưa tin rằng chỉ trong mấy ngày Tết Ất Mùi đã có trên 6.200 người nhập viện vì đánh nhau. Có sự liên quan nào giữa sự hỗn chiến, đánh đập, tranh giành, dùng tiền hối lộ cõi âm để giành giật sự may mắn, tài lộc cho cá nhân mình với con số 6.200 đó không (?!).