Những người thầy với hành trang “nhường cơm sẻ áo”

Thuở trước, ở bản Mù Cả, thầy giáo Nguyễn Văn Bôn - vị anh hùng giáo dục đầu tiên của Việt Nam - đã xé đôi tấm chăn chiên độc nhất của mình chia cho 2 học trò người Hà Nhì đang co ro vì rét mướt. Chuyện ấy đã đi vào những trang sách giáo khoa một thuở, trở thành ký ức đẹp về tình thầy trò, xúc động và giàu lòng nhân văn. Lần này, tôi tình cờ gặp chuyện “nhường cơm sẻ áo” của những người thầy cho học trò của mình, trong chuyến đi khánh thành nhà công vụ cho giáo viên ở trường Tiểu học Tân Lập (xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên), do Quỹ TLV Lao Động hỗ trợ.

15.6167


Thầy hiệu trưởng bên những gian nhà tranh nứa cũ kỹ, ọp ẹp, đã từng là chỗ ở của thầy và trò trường Tân Lập.

Đường lên Háng Lìa hiểm trở và khó khăn vô cùng. Những rãnh bùn xoáy bốn chiếc bánh xe vào vô tận, những tảng đá hộc rải khắp đường đi cứ cùng cục chạm vào gầm xe. Một bên núi cao, một bên thung sâu ngàn thước. Nhìn quanh chỉ thấy một chú chim lạc đàn kêu chíp chíp, còn toàn là cỏ dại và hoa dã quỳ vàng rực sườn núi. Mọi người trong đoàn cười trêu nhau: “Đúng là đi Háng Lìa, lìa hết cả chân rồi”. Lên đến nơi sương núi còn e ấp, những làn sương mù dày đặc quanh quẩn chân người. Các em học sinh người Mông ngồi xếp hàng ngay ngắn ở sân trường hướng những đôi mắt tròn hấp háy về phía sân khấu, theo dõi thầy cô và bạn bè biểu diễn văn nghệ.

Trường Tiểu học Tân Lập với 100% học sinh là người Mông, nhưng hầu hết thầy cô giáo là người miền xuôi lên “cắm bản”. Địa hình khó khăn, thời tiết khắc nghiệt và cuộc sống thiếu thốn của đồng bào người Mông nơi đây, lại thêm bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, phong tục đã từng là những trở ngại lớn cho công tác gieo chữ ở vùng cao. Hiểu được phần nào cuộc sống vô cùng vất vả của những người thầy “cắm bản” ở Háng Lìa xa xôi, Văn phòng Trung ương Đảng đã vận động quyên góp từ chính những đồng lương của nhân viên, tích cóp được 200 triệu đồng, thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động cùng với LĐLĐ tỉnh Điện Biên ủng hộ xây dựng nhà công vụ cho giáo viên ở trường Tân Lập.

Kế hoạch dựng nhà mới cho trường Tân Lập được đặt ra cho chính quyền xã Háng Lìa. Khó khăn chồng nối khó khăn. Giao thông không thuận lợi, cộng với nguồn vốn có hạn, họ đã không thể tìm ra phương án chuyển vật liệu xây dựng lên bản. Phương án xây nhà kiên cố bằng bêtông cốt thép đành bị loại bỏ. Phải làm thế nào để các thầy cô có ngôi nhà mới tránh cái rét của mùa đông này. Hơn thế nữa, trăn trở đầu tiên của những thầy cô khi có chương trình dựng nhà mới cho trường Tân Lập là nghĩ về hàng chục em học sinh đang học nội trú tại trường. “Các em không thể chân trần vượt hàng chục kilômét đường núi hằng ngày để đến trường được. Các em ở nội trú thì mới đảm bảo được việc học. Cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, nên chúng tôi tính chuyện dựng thêm phòng ở cho các em”- thầy hiệu trưởng Lê Sỹ Tuấn nói.

Anh Vũ Ngọc Hoành - Chủ tịch UBND xã Háng Lìa - còn rất trẻ, sốt sắng giải thích với chúng tôi: “Chính quyền xã và bà con nhân dân đã nỗ lực hết sức, cũng chỉ dựng được nhà gỗ cho các cháu ở thôi. Nhà gỗ vừa hợp với phong tục của bà con, vừa đảm bảo sử dụng hợp lý được số vốn đầu tư”. Anh xúc động kể chuyện về những gian nhà gỗ: “Tôi đã chỉ đạo khi dựng nhà, xếp ván vào nhau thì phải bắt ốc vít. Để vài năm nữa, khi các ván gỗ khô bị co lại, chúng tôi lại vận động bà con góp gỗ, chèn thêm vào cho phòng các cháu không bị gió lùa. Lúc dựng nhà, chúng tôi cũng tính là dựng nhà công vụ cho các thầy cô thôi vì cuộc sống của các giáo viên cắm bản trên này khó khăn lắm, nào ngờ thầy cô lại nhường khu nhà mới này cho học sinh. Thế nên chúng tôi quyết tâm dựng thêm 3 gian nữa để đủ chỗ cho các cháu ở”.

“Chúng tôi có ở nhà mới cũng không thấy vui”

Thầy hiệu trưởng dẫn tôi đi thăm những gian nhà tranh tre cũ kỹ khuất mình sau những gian phòng học. Trước kia, khi chưa có nhà mới, các em học sinh phải sống và sinh hoạt trong những gian nhà xập xệ, tối như bưng này, tất cả đều do dân bản và các giáo viên nhà trường “sưu tầm”, đóng góp tre nứa, gỗ lạt mà dựng thành. So với nhiều bản, nhiều trường chưa có nhà nội trú cho học sinh thì những gian tre nứa này đã là nơi trú ẩn lý tưởng cho các em vượt qua gió đông cùng cái lạnh thấu xương của vùng cao. Những gian nhà ấy cũng là nơi ăn chốn ở của nhiều thế hệ học sinh người Mông ở Háng Lìa quyết tâm tìm con chữ. Từ nhiều năm, những gian nhà đã ọp ẹp và cũ kỹ lắm. Gió núi rít qua đầu hồi hun hút.

Gần đấy là tám gian nhà gỗ còn thơm mùi gỗ mới với khung sắt chắc chắn, lợp mái tôn, nền lát gạch hoa với tổng diện tích 150m2 được hoàn thành trong thời gian 3 tháng. Đó là niềm vui của rất nhiều người, khi nó sẽ tạo điều kiện về chỗ ở, sinh hoạt cho 10 thầy cô giáo và 50 em học sinh. Các em xúng xính váy Mông múa hát tưng bừng như trong ngày hội. Nhiều em chạm tay lên những bức tường gỗ, tò mò khám phá nơi ở mới của mình.

Các em học sinh người Mông hát tặng thầy cô của mình.

Thầy Lê Sỹ Tuấn nhiều năm làm hiệu trưởng trường tiểu học Tân Lập. Gắn bó với trường từ những ngày trường chưa có cơ sở vật chất, rồi đến ngày những nếp nhà tranh tre nứa lá được dựng lên làm lớp học cho các em, thầy Tuấn hiểu hơn ai hết cuộc sống khốn khó của những bản làng người Mông trên núi cao. “Các thầy cô đã nhường lại khu nhà ở này cho các em học sinh. Thực ra khi dựng nhà là với mục đích nâng cao đời sống cho giáo viên vùng cao nhưng rồi chúng tôi thấy các em học sinh ở khổ quá nên thống nhất nhường cơ sở vật chất kia cho các em ở. Các em sống khổ sở, chúng tôi có ở nhà mới cũng không thấy vui. Khi ổn định chỗ ăn ở cho các em rồi, chúng tôi sẽ cố gắng sắp xếp chỗ ở cho các thầy cô” - thầy Tuấn nói.

Thầy giáo Hoàng Như Hợi (33 tuổi), dạy học ở Háng Lìa được ngót nghét 8 năm trời. Thầy đứng nhìn các em học sinh của mình nhận những chiếc cặp mới, những món quà từ thủ đô xa xôi mà cứ mỉm cười kín đáo. Thấy tôi để ý, thầy vội phân trần: “Nhìn thấy các em vui mà trong lòng mình cũng thấy ấm áp, hiếm khi các em học sinh ở đây nhận được nhiều quà như thế này. Là một người thầy, ai cũng mong muốn cho các em học sinh của mình được sống trong điều kiện tốt nhất. Hơn nữa, hầu hết các em ở đây đều ở những bản xa, cách trường đến 20 cây số, gần nhất cũng 5 cây số. Được Nhà nước và các ban ngành quan tâm xây cho nhà mới, chúng tôi vui mừng lắm. Mừng cho các em học sinh ở nơi xa xôi này”. Cô giáo Trịnh Thị Thu (SN 1989) mới lên Háng Lìa từ năm 2012, kể: “Nhà mình ở xa lắm, nên mình ở tại trường cùng với học sinh. Các em có nhà mới để ở mình thấy vui lắm. Các giáo viên vẫn ở khu nhà cũ, hằng ngày nấu cơm ở đây. Các em học sinh trên vùng cao này chủ yếu ăn cơm rau dưa thôi, nhưng được ở lại trường là các em sẽ được học chữ”.

Đi vào các lớp học, càng thấy rõ bầu không khí vui như ngày hội. Các em học sinh sắp xếp lại những món quà rất chỉn chu. Em Vàng A Mênh - học sinh lớp 4A2 - nhà ở mãi bản Huổi Tống B, cuối tuần em mới về thăm bố mẹ. Mênh bé nhỏ, loắt choắt nhưng lại là một trong những học sinh nói tiếng Việt sõi nhất lớp. Mênh vui vẻ kể: “Em được ở nhà mới thì em thích lắm. Em còn có cặp sách mới. Mùa rét này em còn được đắp chăn mới nữa”. Còn em Vàng Thị Húa, học sinh lớp 4A1, thì ngượng nghịu, xấu hổ nói: “Em thích nhà mới lắm, nhà đẹp quá. Ở bản em không có nhà đẹp như thế. Em thích được ở trường, được ăn cơm đúng giờ, được học chữ”.

Rời trường Tiểu học Tân Lập, chuyện tôi mang về vẫn là những thầy cô cắm bản vốn đã quen thuộc mỗi khi đến với vùng cao. Nhưng lần này, sự quen thuộc đó làm tôi rưng rưng bởi hành trang tinh thần duy nhất của họ là tấm gương người thầy giáo anh hùng Nguyễn Văn Bôn đã “nhường cơm sẻ áo” cho học trò khi lần đầu tiên mang cái chữ đến những bản làng Tây Bắc thuở trước.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]