Những thiết bị điều khiển kỳ quặc

Các thiết bị điều khiển góp một phần quan trọng quyết định sự thành bại của một game. Một game có khả năng hỗ trợ tốt nhiều loại thiết bị điều khiển khác nhau sẽ đem đến cảm giác thoải mái và làm hài lòng game thủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải hãng sản xuất nào cũng làm vừa lòng các thượng đế của mình bởi những...

15.607

Các thiết bị điều khiển góp phần quan trọng quyết định sự thành bại của một game. Một game có khả năng hỗ trợ tốt nhiều loại thiết bị điều khiển khác nhau sẽ đem đến cảm giác thoải mái và hài lòng cho các game thủ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải hãng sản xuất nào cũng làm vừa lòng các “thượng đế” của mình bằng những sản phẩm “vô đối” mà khó ai có thể tưởng tượng ra được. Dưới đây là danh sách những thiết bị “không đụng hàng” để bạn cùng xem và suy ngẫm.

Power Glove
Gần hai thập kỷ, hãng Mattel đã tung ra một thiết bị điều khiển hiểu được cử động tay của người chơi (tương tự Wii Remote ngày nay), mang tên Power Glove và dành cho máy NES. Nó có hình dạng như một bàn tay robot với các nút bấm được tích hợp bên trên. Tuy nhiên, điểm lạ lùng là người dùng cần phải lập trình cho thiết bị này trước khi sử dụng được nó! Đối với các chuyên gia vi tính thì không thành vấn đề, nhưng với người dùng phổ thông thì đó là một cực hình. Không những thế khi hoạt động cơ chế điều khiển của Power Glove cũng cực kỳ dở!

U-Force
U-Force của Broderbund (cũng dành cho NES) quái dị không kém. Nó được quảng cáo là có hai bộ phận cảm ứng siêu nhạy đồng thời hiểu được bất kỳ động tác nào của người chơi. Nói cách khác, với U-Force bạn không cần phải bấm một nút nào khi chơi game. Tuy nhiên, ngay sau khi phát hành, thiết bị trên đã bị game thủ phản ứng dữ dội bởi thiết kế khá phức tạp, trông như màn hình dùng trong các máy bay chiến đấu. Vấn đề chính nằm ở chỗ, bạn chỉ có thể “trưng” thiết bị vô dụng này bên cạnh chiếc máy NES bởi nó gần như không hoạt động với bất kỳ game nào.

R.O.B.
R.O.B. (Robotic Operating Buddy) trong giống một nhân vật trong game hơn là thiết bị điều khiển. Tuy nhiên, chính nó đã giúp Nintendo tiêu thụ được hơn 1 triệu bản game cùng tên “Robotic Operating Buddy” trên hệ NES vào năm 1985. Cách chơi của R.O.B. cũng khá sáng tạo: tùy theo tình huống trong game, bạn sẽ phải điều khiển chú robot này thực hiện những động tác theo yêu cầu như bấm các nút hay di chuyển những chiếc vòng xung quanh. Thật đáng tiếc, dù có cách chơi mới lạ, sáng tạo nhưng R.O.B. chỉ hỗ trợ có 2 game là Gyromite và Stack Up.

Rez Trance Vibrator
Các hãng Sega và Q Games đã thiết kế nên sản phẩm này để giúp game thủ có thể cảm nhận được tính năng rung khi chơi game Rez trên hệ Dreamcast. Điều đặc biệt là thiết bị này chỉ được phát hành rất hạn chế dành cho phiên bản Special Edition tại thị trường Nhật. Tính năng rung của nó cũng là một trong những nguyên nhân chính làm nên thành công cho tay cầm PlayStation của Sony sau này. Tuy nhiên, Dreamcast đoản mệnh nên số phận của Rez Trance Vibrator cũng không khá khẩm gì hơn!

Dreamcast Fishing Controller
Đã có rất nhiều cần điều khiển dạng cần câu dành cho các game câu cá trên thị trường nhưng không thiết bị nào “đa chức năng” đến mức kỳ lạ như chiếc cần câu dành cho máy Dreamcast của Sega! Ngoài chức năng câu cá, bạn còn có thể dùng nó để chơi các game thể thao như Virtua Tennis và cả đối kháng như Soul Calibur. Thậm chí, cần điều khiển này còn tích hợp cả bộ phận cảm ứng chuyển động như Wii Remote hiện nay. Nhưng do chỉ thêm vào cho có lệ nên không xịn bằng Wii Remote và chưa có hãng sản xuất game nào dám khai thác.

LaserScope
Một thiết bị cho phép bạn nhắm mục tiêu bằng mắt và ra lệnh tấn công bằng miệng. Thiết bị tưởng chừng chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng này là một sản phẩm thực sự của Konami có tên gọi LaserScope. Nó được phát hành vào năm 1990 và thiết kế cho hệ NES để sử dụng duy nhất cho game Laser Invasion của Konami với giá bán lẻ là 39,99USD. Do hạn chế về công nghệ ở thời điểm đó nên chiếc micro được tích hợp trong sản phẩm chỉ có thể hiểu được duy nhất 1 từ: “Fire!” (Bắn!) mà thôi. Hy vọng chúng ta sẽ có được bản cải tiến của thiết bị này ứng dụng ở các thế hệ game kế tiếp của Konami như Metal Gear Solid chẳng hạn.

Virtual Boy
Thiết bị này không chỉ là cần điều khiển, nó còn là cả một hệ thống máy chơi game. Không chỉ kỳ lạ, đây còn là một trong những máy chơi game tệ nhất mọi thời đại do chính ông lớn Nintendo sản xuất và phát hành. Dù được hứa hẹn đem đến những trò chơi 3D mang tính cách mạng tại thời điểm ra mắt nhưng những gì Virtual Boy mang lại chỉ là những mảng màu đỏ và đen khiến bạn phải chóng mặt, hoa mắt.

Dream Machine
Có kiểu dáng khổng lồ đến mức chứa được cả người, có thể Dream Machine quả là thiết bị có “một không hai” trong danh sách này! Hơn nữa mức giá 1500 USD khiến nó trở thành “cỗ máy mơ ước” như đúng tên gọi của mình! May mắn là nhà sản xuất đã kịp suy nghĩ lại và vẫn để nó trong phòng nghiên cứu mà chưa mạo hiểm tung ra thị trường.

Kilowatt
Các thiết bị chơi game yêu cầu sử dụng sức lực không phải là quá hiếm trên thị trường, điển hình là thảm nhảy hay Wii Balance Board của Wii Fit. Tuy nhiên, có lẽ không thiết bị nào kỳ quặc như Kilowatt! Dùng để chơi các game thông thường trên PS2, Xbox hay PC, nhưng thay vì sử dụng các cần analog và phím bấm thông thường, bạn phải đứng trên bục của thiết bị và ra sức đẩy kéo cần joystick rất nặng để chơi game. Với khả năng buộc người chơi vận động nhiều như vậy, chắc chắn Kilowatt là một thiết bị giảm béo rất hiệu quả.

Mindball
Được phát triển vào năm 2004 bởi Swedish Interactive Institute, thiết bị này được gắn chặt vào đầu người chơi. Nó sẽ thu lấy các sóng điện từ có trong não bộ và điều khiển trái banh theo suy nghĩ của người chơi. Ý tưởng đi trước thời đại này có giá 19.000USD, chỉ để chơi được một game, khiến không game thủ nào có đủ can đảm tậu về để thư giãn.

Onimusha game sword
Không gì tuyệt hơn khi sử dụng tay cầm điều khiển hình kiếm samurai để chơi game Onimusha. Hãng Capcom đã nghĩ như thế khi cho ra đời cần điều khiển hình thanh kiếm để “lăng-xê” cho loạt game Onimusha của mình. Thanh bảo kiếm này thoạt trông khá đẹp, tuy nhiên có lẽ bạn chỉ có thể trưng ở phòng khách vì sự bố trí các phím bấm trên thân một thanh kiếm dài như vậy không thuận tiện chút nào.

Resident Evil game controller
Đây là một trong những tay cầm thuộc loại ấn tượng nhất và được sản xuất hạn chế dành cho phiên bản Resident Evil 4 bên hệ GameCube. Tuy nhiên, nó chỉ có tác dụng làm kiểng hay dùng cho fan sưu tầm là chính bởi lưỡi cưa này hoàn toàn không thể để cưa cây ngoài đời thực như bạn tưởng.

Mindwire shock system
Tương thích với PS2, Xbox, GameCube và PC, thiết bị Mindwire kèm theo các điện cực để bạn gắn vào người khi chơi. Mục đích là để bạn giật “tưng người” khi chơi game! Nhà sản xuất hứa hẹn là cấp độ điện giật có nhiều biên độ, từ nhẹ đến nặng và chống chỉ định cho những người yếu tim hoặc có thần kinh không vững vàng.

The Falcon
Nếu như đa số các tay cầm điều khiển phản hồi lực bằng cách rung, Falcon sẽ tặng hẳn cho người chơi... “một cú đấm”. Mức độ nặng nhẹ cũng tùy thuộc bạn chơi game gì, như thể thao hay hành động. Lời khuyên là hãy cực kỳ cẩn thận nếu bạn có ý định sử dụng thiết bị này khi chơi những game bắn súng có tiết tấu nhanh và mạnh như Quake 4, Unreal bởi “nỗi đau” mà Falcon gây ra sẽ không nhỏ tí nào. Nó được bán với giá 239USD và tương thích với mọi hệ điều hành trên PC.

Toshiba bubble helmet
Có lẽ trong tất cả các loại mũ giả lập thực tế ảo, sản phẩm trên của Toshiba là “khủng” nhất. Nhờ kích thước như quả bong bóng khổng lồ, thiết bị này có thể cung cấp cho người chơi một tầm nhìn rất rộng và chi tiết. Tuy nhiên, nhà sản xuất chưa tính đến chuyện người chơi có thể bị đau cổ khi mang thiết bị “hầm hố” như thế trên đầu.

Điều khiển của máy Atari 5200
Ý tưởng về chiếc cần analog đã được Atari đi đầu thực hiện trong ngành công nghiệp game từ thời chiếc máy 5200 ra đời năm 1982. Nhưng vấn đề ở chỗ dù được coi là chiếc tay cầm mang tính cách mạng nhưng chính thiết bị này lại trở thành gót chân Achilles của toàn bộ hệ thống do các kỹ sư đã sử dụng chất liệu dẻo rất yếu, tưởng như có thể chảy nhão ra trong điều kiện thời tiết nóng nực. Bên cạnh đó, vị trí của phím analog khiến game thủ không biết phải cầm thế nào và vận hành thế nào. Đây cũng chính là lý do khiến tuổi đời của hệ thống chơi game này rất ngắn ngủi (1 năm) dù chi phí sản xuất được coi là đắt nhất thời bấy giờ.

Turbo Touch 360 (dùng cho SNES và Sega Genesis)
Mục đích thay thế những phím định hướng nổi trên một chiếc tay cầm bằng bề mặt cảm ứng để giúp việc điều khiển phương hướng trở nên nhẹ nhàng và êm dịu hơn đã bị phá sản hoàn toàn. Bởi chính việc “chạm đâu, quay đấy” của chiếc điều khiển này đã gây bao nhiêu phiền toái lẫn rắc rối cho game thủ khi thưởng thức trò chơi.

TI-99 Joystick (PC)
Máy vi tính của những năm 80 không được nhà sản xuất nhắm đến đối tượng chơi game nhưng đã có những người nghĩ khác. Texas Instruments’ TI-99 là sản phẩm như vậy. Đây là một chiếc máy tính với chức năng cài đặt thêm ổ đĩa có kích thước to gấp đôi so với máy thường và có thể chơi các game như Pac-Man... Bạn có 2 tùy chọn để chơi game. Một là sử dụng bàn phím. Hai là sử dụng một chiếc tay cầm “ngô chẳng ra ngô, khoai chẳng ra khoai”, “bấm mãi không được” và kiểu dáng thì cực kỳ lố bịch!

Điều khiển Philips CDi Game (CDi)
Hãng điện tử Philips rõ ràng đã giành nhiều thời gian cho ý tưởng này. Chỉ có điều, sản phẩm làm ra dường như lại thiếu mất bộ não. Philips CD-I là một sản phẩm "bạc mệnh". Thiết bị là một điều khiển từ xa với chiếc cần analog giòn, dễ vỡ, những phím bấm thì lại nhỏ như hạt đậu nên rất khó thao tác. Hơn thế nữa, những trò chơi trên hệ máy này đều thuộc hàng “hạ cám” dù rằng có sự góp mặt của tên tuổi huyền thoại Zelda. Nhưng xin thưa, đây là những bản Zelda tệ nhất trong lịch sử và không đáng để bạn bận tâm.

Intellivision Disk
Trông Intellivision Disk như một chiếc điện thoại di động. Nhưng các phím điều khiển di chuyển không chỉ là 4 hay 8 mà là vô số hướng. Chính vì vậy, nếu lỡ tay nhấn lệch chỉ vài phân, nhân vật của bạn sẽ lập tức quay mòng mòng.

Sega Activator
Bài học đáng nhớ từ U-Force rằng sử dụng tia hồng ngoại là phương thức tồi tệ nhất để chơi game chưa làm SEGA tỉnh giấc. Họ mong muốn chiếc hình bát giác này sẽ cho phép game thủ đứng vào giữa và chiến đấu ác liệt, vung tay vung chân. Sau 8 năm phát triển trong phòng thiết kế, sản phẩm bị xếp lại vì không muốn biến người chơi thành những anh hề.

Jaguar Controller
Đây có phải là điện thoại cố định? máy fax? radio? Không phải, đây là chiếc điều khiển mà Atari sản xuất để phục vụ cho nền công nghiệp giải trí điện tử thời 64-bit.

Arm Sprint
Ba game thủ đã gãy tay khi chơi game thùng Arm Sprint, mô phỏng trò “vật tay”” truyền thống! Người chơi game này phải dùng tay mình để cố ghì được một cánh tay máy xuống sàn. Sau những tai nạn kể trên, nhà phân phối game Atlus đã thu hồi 150 máy Arm Sprint để điều tra trong tháng 8/2007. Đại diện của công ty nói: “Chúng tôi cho rằng đôi khi người chơi đã quá hưng phấn và cố đặt tay mình ở những tư thế không bình thường”.

Vỹ Điệp
(tổng hợp từ IGN, Gamedaily)
 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]