Những chứng nghiện kỳ quặc

Sáng nào, ông Luis Squarisi (Brazin) cũng mở đài hay gọi đến tất cả các bệnh viện và nhà tang lễ địa phương để xem có ai qua đời không. Suốt 20 năm qua, ông đã tham gia mọi đám tang trong vùng, có khi chỉ để thỏa mãn "cơn thèm".

15.5715

Không chỉ chất kích thích mới gây nghiện, nhiều người còn nghiện đi đám ma, nghiện ăn bẩn, nghiện tắm nắng, ăn đá... Nhiều chứng nghiện có vẻ như vô hại nhưng thực tế lại có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý cũng như sức khỏe người bệnh.

Nghiện tắm nắng

Tanorexia là một chứng bệnh gần như sự ám ảnh khiến người bệnh phụ thuộc mù quáng vào việc tắm nắng (tự nhiên hoặc sử dụng các liệu pháp tắm nắng nhân tạo) mà không quan tâm đến lợi ích sức khỏe của mình. Họ mong muốn cho làn da trở nên rám nắng bằng mọi giá.

Tên gọi của chứng bệnh này xuất phát từ sự rối loạn về hình ảnh bản thân, giống như căn bệnh chán ăn do nghĩ mình béo. Có những bằng chứng cho thấy chứng nghiện này có ảnh hưởng đến sinh lý như ở các chứng nghiện khác. Tuy nhiên, nghiện tắm nắng vẫn là một hiện tượng bệnh mới nên cách chữa trị đang được nghiên cứu.

Nghiện phẫu thuật thẩm mỹ

Những người thường sẽ dễ dàng cảm thấy hài lòng khi quyết định không phẫu thuật thêm nữa, còn những người nghiện luôn suy nghĩ rằng chỉ thêm một lần này nữa thôi, và cứ thêm một lần, một lần nữa... Thói nghiện này có thể là kết quả của chứng rối loạn hình thái cơ thể, một mối bận tâm lo lắng không bình thường về hình thức bề ngoài hoặc một bộ phận cơ thể nào đó.

Từ một cô gái xinh đẹp, Jocelyn Wildenstein trở nên quái dị sau rất nhiều lần phẫu thuật vì chứng nghiện thẩm mỹ.

Một “con nghiện” nổi tiếng của chứng bệnh này là Jocelyn Wildenstein, người đã tiêu tốn đến hơn bốn triệu USD tiền phẫu thuật thẩm mỹ. Nguyên nhân chính của căn bệnh này hiện vẫn chưa được rõ, nhưng đa số các thầy thuốc lâm sàng đều cho rằng đó là sự kết hợp phức tạp của các yếu tố tâm sinh lý và môi trường sống.

Nghiện điện thoại

Chứng nghiện ngập này thậm chí đã có tên gọi riêng, đó là CrackBerries. Nghe thấy một tiếng chuông hay thậm chí chỉ một tiếng rung từ điện thoại là bạn lập tức bật dậy check email bất kể thời gian nào, đó là một biểu hiện của chứng nghiện điện thoại di động.

Theo phân tích của các chuyên gia thì email và tin nhắn có thể coi như một loại “thức ăn” nuôi dưỡng cái tôi bởi vì chúng khiến người ta cảm thấy mình quan trọng. Để chữa trị CrackBerries cũng như các chứng nghiện tương tự, ví dụ như ám ảnh Internet hoặc e-mail, người bệnh chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời xa lánh những đồ gây nghiện đó.

Nghiện ăn bẩn

Hiện tượng người thích ăn đất được các tạp chí y học và nhân chủng học gọi tên là "pica" hoặc "geophagy". Mặc dù ở xã hội phương Tây, hiện tượng này không được coi là một chuẩn mực xã hội, nhưng ở các xã hội nguyên thủy hoặc ở những nhóm người quá khốn khó về kinh tế, đây lại là một cách bổ sung cho chế độ ăn đói kém, thiếu khoáng chất. Tuy nhiên, nhiều người ăn đất lại là bệnh nhân tâm thần kinh niên.

Bao Bao, một cô gái Mông Cổ 18 tuổi, nổi tiếng thế giới vì ăn đất suốt 11 năm.

Nghiện đá

Bệnh mang tên Pagophagia, người mắc có ám ảnh luôn cảm thấy cần nhai đá. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra Pagophagia có thể là dấu hiệu của việc thiếu chất sắt trong máu. Việc bổ sung các vitamin nhóm B có thể giúp tăng sản lượng tế bào hồng cầu, và vitamin C có thể hỗ trợ khả năng hấp thụ chất sắt.

Nghiện đi đám ma

Một người đàn ông Brazil 42 tuổi có tên là Luis Squarisi đã phải chịu đựng chứng bệnh này. Ông tham gia mọi tang lễ trong thành phố nơi ông ở trong suốt 20 năm, thậm chí chỉ để thỏa mãn cơn thèm.

"Điểm khởi đầu là tang lễ của cha tôi năm 1983. Sau đó, việc đầu tiên tôi làm mỗi sáng là mở đài để nghe tin xem có ai qua đời không. Nếu không, tôi sẽ phải gọi đến tất cả các bệnh viện và nhà tang lễ địa phương”, Luis nói.

Một người phát ngôn của nhà tang lễ địa phương cho biết, họ không muốn Squarisi chữa khỏi bệnh vì mọi người đều đã quen với sự có mặt của ông ở các đám tang, và họ luôn mong chờ ông đến.

(Theo Khoa Học & Đời Sống)

Gửi câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về [email protected]
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]