Nỗi sợ… thành công?

SKĐS - Bạn có biết, người ta không chỉ sợ thất bại mà còn có nỗi sợ thành công?

15.6023

Và bạn có biết, nỗi sợ thành công cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến chúng ta trượt dài trong thất bại?

Cấp trên của cô L. thông báo rằng công ty vừa trúng thầu một dự án xây dựng lớn mang tầm quốc gia, và ông ngỏ ý muốn cô L. đảm đương vị trí quản lý dự án. Tất cả những gì cô L. cần làm là trả lời chính thức cho sếp về việc chính thức tham gia dự án vào ngày thứ hai tới.

Là một nhân viên mẫn cán của công ty, từ lâu cô L. đã mong ước được trao một cơ hội như thế. Dự án này sẽ không chỉ giúp cô L. trau dồi kỹ năng công việc, mà nếu làm tốt, đây còn có thể là bệ phóng sự nghiệp, giúp cô được đề bạt và thăng chức, tăng thêm uy tín và nhiều mối quan hệ trong nghề. Bản thân cô L. biết mình có đủ kinh nghiệm và năng lực dẫn dắt dự án này. Ấy vậy mà đến ngày thứ hai, cấp trên bất ngờ khi cô L. viện đủ lý do để không phải tham gia dự án, thậm chí cô còn đề xuất sếp giao dự án cho người khác quản lý.

Tình huống trên có quen thuộc với bạn?

Sợ thất bại là một nỗi sợ phổ biến, khiến cho chúng ta đánh mất nhiều cơ hội quý giá trong cuộc sống. Khi chúng ta quá e ngại những rủi ro có thể xảy đến để rồi không dám vươn lên trong công việc cũng như trong cuộc sống – bất kể nỗi sợ này thuộc về ý thức hay tiềm thức - cuộc đời chúng ta dặm chân tại chỗ, sớm muộn gì chúng ta cũng trở nên lạc hậu và thua kém người khác - những người cầu tiến và không ngừng vươn lên.

Bản chất của nỗi sợ thành công

Nỗi sợ thành công được chẩn đoán và phát hiện lần đầu tiên bởi nhà tâm lý học Matina Horner vào những năm 1970. Những kết quả nghiên cứu của bà liên quan đến nỗi sợ thành công ở phụ nữ là nguồn cơn của nhiều cuộc tranh cãi về nữ quyền lúc bấy giờ. Từ đó đến nay, người ta đã và đang nghiên cứu nhiều hơn về nỗi sợ này, và cả giới khoa học lẫn tâm lý học ngày nay đều khẳng định rằng nỗi sợ thành công tồn tại như nhau ở cả nam và nữ.

Nỗi sợ thành công có nhiều điểm tương đồng với nỗi sợ thất bại. Chúng có nhiều triệu chứng tương tự nhau, và cả hai nỗi sợ đều kìm hãm chúng ta trên đường đời, khiến chúng ta trì hoãn hoặc mãi mãi không hiện thực hóa được những ước mơ và mục tiêu cuộc đời.

Những biểu hiện

Vấn đề lớn nhất khiến nhiều người chúng ta không dứt bỏ được nỗi sợ thành công chính là bởi trong phần lớn các trường hợp, nỗi sợ này tồn tại một cách vô thức. Chính họ cũng không nhận ra là mình đang kìm hãm chính bản thân mình trong việc gặt hái thành công cũng như làm những công việc mình thực sự yêu thích. Nếu bạn có một hoặc vài trong số những dấu hiệu sau, hẳn là bạn đang ít nhiều mang trong mình nỗi sợ thành công:

Thay vì vui mừng hay tự hào, bạn lại có cảm giác tội lỗi khi mình làm thành công một việc gì đó, hoặc khi mình vừa chiến thắng một cuộc thi hay thử thách. Vì bạn e ngại rằng khi mình đang đứng trên đỉnh vinh quang như thế, thì những bạn bè, người thân hay đồng nghiệp của bạn sẽ buồn hoặc khó chịu vì họ không được như thế.

Bạn không bao giờ kể cho người khác nghe về những thành công hoặc thành tựu của mình.

Bạn tránh né hoặc trì hoãn tham gia các dự án lớn, đặc biệt là những cơ hội có thể khiến bạn được đề bạt, thăng chức hoặc nổi tiếng hơn.

Bạn thường xuyên thỏa hiệp, thậm chí hy sinh những ước muốn hoặc mục tiêu của bản thân để không phải bị người khác căm ghét hay tị nạnh, để giữ hòa khí trong nhóm làm việc hoặc trong gia đình.

Cấp trên bất ngờ khi cô L. viện đủ lý do để không phải tham gia dự án

Bạn sẵn sàng dứt bỏ công việc hoặc những ước mơ chính đáng của bản thân bằng cách tự huyễn hoặc rằng mình không đủ năng lực để thực hiện chúng.

Bạn cảm nhận một cách vô thức rằng bạn không xứng đáng được thành đạt trong cuộc sống.

Bạn cho rằng nếu mình có đạt được thành công đi chăng nữa, mình cũng sẽ không biết làm sao để duy trì thành công. Kết cuộc, sự tự ti đó khiến bạn thất bại thật, thậm chí càng lúc càng tụt hậu so với trước kia. Khi điều này xảy ra, bạn lại tự đắc rằng: “Thấy chưa, mình đã nghĩ đúng!”.

Nguyên nhân

Một người mang nỗi sợ thành công do nhiều nguyên nhân như sau:

Chúng ta sợ những điều không hay mà thành công mang lại - chẳng hạn như sự cô độc, kẻ thù mới, ít thời gian cho gia đình, phải làm việc nhiều giờ hơn, và trở thành tâm điểm chú ý trong các vấn đề về tiền bạc hay chia sẻ quyền lợi.

Chúng ta e sợ “trèo càng cao, ngã càng đau” cho rằng thành công nghĩa là không còn được sống thoải mái, không còn được phép mắc sai lầm.

Chúng ta e sợ những nhiệm vụ mới, những trọng trách nặng nề, hoặc những búa rìu dư luận và sự soi mói từ người ngoài mà mình sẽ phải đối mặt.

Chúng ta sợ mất đi nhiều mối quan hệ một khi đạt được thành công, e ngại những phản ứng ganh ghét hoặc nghi ngờ từ người thân bạn bè một khi chúng ta có vị thế cao hơn, và chúng ta sợ đánh mất họ.

Cuối cùng, chúng ta cho rằng thà không thành công thì thôi. Chứ một khi đã hành động và đạt được thành công thật sự, chúng ta lại cảm thấy tội lỗi hay hối tiếc khi nhìn lại, vì mình đã không dũng cảm hành động sớm hơn.

Vượt qua nỗi sợ thành công

Nỗi sợ thành công có thể được khắc phục và vượt qua bằng nhiều chiến lược đa dạng. Miễn là bạn dũng cảm thừa nhận và đối mặt với nỗi sợ của mình, phân tích và thấu hiểu nó, bạn sẽ biết cách làm cho nó suy yếu, từ đó giành lại được dũng khí để hành động và có được cuộc sống như mơ ước.

Trước hết, hãy nhìn nhận thành công một cách thực tế và đúng đắn hơn. Đừng quá hy vọng vào kết quả như mong muốn, nhưng cũng đừng quá chú tâm vào những rủi ro. Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì có thể xảy ra, và những gì bạn có thể làm được. Hãy dành 15 phút để xem xét lại những mục tiêu quan trọng của cuộc đời và những nỗi sợ của bản thân bạn, rồi trả lời các câu hỏi sau - bạn không cần phải trả lời ngay lập tức, mà nên suy nghĩ thông suốt trước khi trả lời:

- Gia đình và bạn bè của tôi sẽ phản ứng thế nào nếu tôi đạt được mục tiêu này?

- Cuộc sống của tôi sẽ thay đổi ra sao sau đó?

- Đâu là điều tệ nhất có thể xảy ra nếu tôi gặt hái thành công với mục tiêu đó?

- Điều tốt nhất có thể xảy đến là gì?

- Tại sao tôi luôn cảm thấy mình không xứng đáng thành công hay hạnh phúc?

- Đâu là động lực thúc giục tôi hành động? Cụ thể động lực này như thế nào?

- Hiện tại tôi đang vô tình tự hủy hoại những mục tiêu hay nỗ lực gì của bản thân?

- Làm thế nào để tôi chấm dứt những hành vi tự hủy hoại đó?

Một kỹ thuật khác hiệu quả không kém chính là xác định thẳng thừng những nỗi sợ mình đang có, rồi vạch ra một kế hoạch dự phòng giúp bạn khắc phục mọi sự lo lắng và yên tâm hơn.

Ví dụ, bạn đang trong tình trạng không dám cố gắng hết mình để được đề bạt vào một chức vụ nào đó mặc dù bạn mơ ước điều này từ lâu, bởi vì bạn sợ rằng mức lương cao hơn, trọng trách nặng nề hơn và những mối quan hệ mới phát sinh từ vị trí đó sẽ hủy hoại cuộc sống gia đình của bạn. Cụ thể, bạn lo lắng rằng mình sẽ phải làm việc nhiều hơn và không còn thời gian cho con cái, hoặc bạn sẽ thường xuyên trong tình thế buộc lòng đưa ra những quyết định trái với nguyên tắc sống của bản thân.

Để vượt qua những nỗi sợ đó, bạn hãy vạch ra kế hoạch dự phòng, bắt đầu bằng việc xác lập khối lượng và thời gian làm việc của mình trong công sở. Một khi đã sắp xếp được công việc một cách khoa học, bạn có thể tự đặt ra quy định cho bản thân mình, chẳng hạn như phải luôn có mặt ở nhà trước 7 giờ tối. Bạn có thể trình bày điều này với cấp trên ngay khi được đề bạt chức vụ mới.

Với một kế hoạch dự phòng gồm đầy đủ giải pháp cho mọi sự lo lắng của mình, bạn sẽ xua tan được nỗi sợ, yên tâm tận hưởng thành công và một cuộc sống cân bằng giữa gia đình và mong muốn cá nhân.

PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]