Paris không dành cho người già

Tôi mơ ước một ngày nào đó đến Paris, đến với kinh thành ánh sáng của nước Pháp. Tôi còn đặt mục tiêu đến tận quảng trường Vosges để ngắm tòa nhà màu hồng bốn tầng nơi văn hào Victor Hugo đã ngồi bên cửa sổ, giữa những trang viết về chàng gù ở nhà thờ Đức Bà Paris, rồi ông thò đầu ra khỏi những khung cửa hẹp và dài ấy để nhìn xuống công viên phía dưới, nơi bọn trẻ tắm nắng và nghịch cát.

15.5794

Paris (ảnh minh họa)
Tôi ước một lần được ngắm căn phòng khách của Victor Hugo, nơi từng lưu bước chân của những văn nghệ sĩ nổi tiếng châu Âu như Lamatine, Dumas, Vigny, Béganger, Sainte - Beuve... Tôi ước một lần được nhìn ngắm những nhà thờ, tu viện nổi tiếng không chỉ ở Paris. Tôi ước...

Chúng tôi gọi ông già Paris là thầy. Thầy là một đạo diễn người Pháp, chuyên giảng dạy cho các nhà làm phim trẻ châu Âu và các nước đang phát triển thể loại phim truyền hình trực tiếp.

Mỗi năm ông rời khỏi căn hộ giữa phố cổ Paris nằm trong tòa nhà đối diện với ngôi nhà của Victor Hugo để sang Việt Nam giảng dạy gần hết mùa Hè và mùa Thu. Căn hộ của ông là sự khao khát của các hãng lữ hành và họ luôn đặt hàng để lấy chỗ cho khách du lịch hạng sang đến Paris thăm thú mỗi khi Hè đến.

Ông để lại trong căn hộ từ tủ sách có bốn thứ tiếng châu Âu, những mặt nạ châu Phi, đồ trang sức thổ dân đến những chiếc áo xường xám Trung Hoa của vợ ông.

Tôi hình dung, mỗi lần xa Paris, ông đứng ngoài hành lang, tra chìa khóa vào cái ổ khóa đồng cổ lỗ mà người ta lắp từ thế kỷ XIX, rồi dừng lại một lúc ở quảng trường Vosges, có thể ông sẽ nhìn lên cửa sổ ngôi nhà của nhà văn Victor Hugo nay thành bảo tàng, nhìn mấy đứa trẻ đang nghịch vòi phun nước...

Ông thầy già nhìn vào tận mắt tôi như đo đếm làm sao để không làm tổn thương giấc mơ Paris của mọi công dân trên thế giới. Ông buông một câu: “Mỗi năm tôi phải chạy trốn Paris, chạy ra khỏi căn hộ của mình để mong được sống khỏe mạnh, vui vẻ hơn ở đâu đó. Giờ thì tôi thích chuyển hẳn sang Việt Nam để sống những năm tháng cuối đời”.

Rồi ông nói về Paris, nơi có căn hộ rất có giá nếu đơn thuần là một bất động sản. Rồi ông nói về tinh hoa văn hóa mất dần đi bằng chính những câu đại loại mà tôi vẫn than thở về thành phố của mình, về Sài Gòn, về Hà Nội.

Ông già thấy một Paris như sa mạc cằn cỗi khi nhà hát Opéra Garnier 2.200 chỗ ngồi từ lâu đã không còn dựng những vở opéra mới nữa mà dành chỗ cho những chương trình nghệ thuật thời thượng thu hút giới trẻ.

Ông thấy Paris kỳ dị và trơ trọi bởi không còn những buổi hòa nhạc giao hưởng, ở đó khán giả ăn mặc như những quí tộc để chứng tỏ sự tôn trọng với âm nhạc!

Ngày nào ông cũng thấy tức thở vì Paris gánh nặng 30 triệu du khách mỗi năm từ những nền văn hóa khác nhau như con sóng dữ làm văn hóa Paris chao đảo, làm cho tu viện, nhà thờ mất đi sự tĩnh mặc, trang nghiêm... Pari đang trở thành một món đồ mỹ nghệ.

Biết thế nên chúng tôi gọi thầy là “ông già Pháp cực đoan”. Rồi chúng tôi tò mò chất vấn ông thấy cái gì hay ở Việt Nam mà ưng qua đây sống những năm tháng cuối đời.

Ông già có thể thấy một điều gì đó ở những kiến trúc Đông Dương thuộc địa còn sót lại ở Sài Gòn, ở Hà Nội chăng? Hay ông thích những chiếc xích lô chưa bao giờ được cải tiến trong hơn 100 năm qua?

Ông không hay mua sắm, nhưng vẫn dành thì giờ để ngồi ngắm những gánh, những xe hàng rong lướt qua trên phố. Ông cố gắng tìm ra những quán cà phê, quán phở ám khói sót lại đâu đó trong các khu phố cũ từ Bắc chí Nam.

Ông không nói ra mình thích điều gì ở Việt Nam, hình như nó là vẻ đẹp mong manh khó nắm bắt khi ở đâu ông cũng có thể bắt gặp một nụ cười thân thiện?

Có thể ông thích thuê một ngôi nhà nhỏ ở Hội An, nơi dàn loa công cộng suốt ngày phát những giai điệu du dương của nhạc cổ điển, và ông ngồi đó dưới giàn bông tường vi để cảm nhận một thành phố đúng với thời đại của chính mình, để sống thật chậm rãi, sang trọng.

Tôi để cho ông tận hưởng Hội An mà không nói rằng thành phố nhỏ này cũng đã mất mát nhiều, và cái mất đáng buồn nhất là những chủ nhân cũ đã ra đi nhiều lắm. Hình như họ cũng chạy khỏi thành phố khi nó đã mất dần không gian sống quen thuộc, giống như ông hờn giận Paris vì những vở opera cổ điển ngày càng ít dần trên sân khấu.

Những thành phố bây giờ không dành chỗ cho người già hít thở hoài niệm...
 

BÍCH HỒNG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]