Ngoài ra, rất nhiều sinh viên cũng chọn nghề casting để vừa có nghề, vừa có thu nhập.

“Săn” người

Nguyễn Thị Kim Châu là cô gái chuyên săn người mẫu (caster) của Công ty TNHH Chuyên Ảnh. Châu cho biết công ty có hai caster, quản lý khoảng 1.000 diễn viên, người mẫu mọi lứa tuổi. Khi còn là sinh viên của Trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh, Châu cũng tham gia diễn trong các show quảng cáo. Đó là con đường đưa Châu đến với nghề casting.

Một buổi casting. Ảnh: ST

Lần đầu nhận yêu cầu của khách hàng kiếm người “càng mới càng tốt”, cô chẳng biết tìm người mẫu ở đâu. Cuối cùng, Châu nghĩ, nên khoanh vùng trọng điểm để tìm người mẫu. Ví dụ: Trẻ em thì đến trường học, khu vui chơi; các bà nội trợ thì đến siêu thị; những cô gái trẻ  thì đến trung tâm mua sắm...

Ba năm vào nghề casting, tay nghề của Châu bây giờ “xiềng” lắm! Cô chia sẻ: Chưa có trường lớp đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, chủ yếu là nghề dạy nghề. Để trở thành một caster, ngoài năng khiếu nghệ thuật, gu thẩm mỹ thì còn phải có khiếu nói chuyện, duyên thuyết phục, kiên nhẫn và dũng cảm. Thử tưởng tượng, nếu không có kỹ năng ấy thì bạn không thể mời một người chưa quen uống nước, xin số điện thoại, chụp hình, mời họ tham gia vai diễn.

Anh Lê Đăng Quang, thường gọi là Sam casting, là đồng nghiệp với Châu. Quang mới vào nghề được hơn một năm. Anh bị hấp dẫn bởi kiểu công việc thoải mái này. Nó không bị bó buộc về thời gian và không gian làm việc. Caster được thoải mái “bay nhảy” khắp nơi bất kỳ lúc nào. Và caster luôn bị mắc bệnh nghề nghiệp, bởi gặp ai cũng muốn làm quen để cast.

Có lần đang đi chơi với bạn bè, thoáng thấy một gương mặt hợp ý lướt qua, Sam bỏ bạn để “săn” cho được. “Nghề thú vị, nhiều tính ngẫu hứng sáng tạo nhưng cũng rất áp lực” - Sam cho biết. Có công ty chỉ cho mình hai ngày để tìm người mẫu. Nếu thuyết phục được người mẫu đồng ý, lại phải chờ đạo diễn gật đầu. Có khi cast cả chục người mà đạo diễn vẫn chưa hài lòng.

Các bạn trẻ chờ casting. Ảnh: VĂN BẢY

Sam bảo, muốn trụ lại với nghề thì phải “máu” và có bản lĩnh. Caster phải theo người mẫu trong suốt quá trình thực hiện chương trình, vừa hướng dẫn kỹ thuật biểu diễn, vừa động viên người mẫu bị “khớp” khi đứng trước máy quay.

Chị Mỹ Thạnh, Chủ nhiệm CLB Mỹ Thạnh (quận 8), có thâm niên 10 năm trong nghề chuyên cung cấp người mẫu cho các công ty quảng cáo. Chị cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi chi chít các số điện thoại, album hình người mẫu. Chị cho biết, công ty hiện quản lý trên 1.000 diễn viên nghiệp dư.

Năng động và thu nhập cao

Có hai loại casting là casting quảng cáo và casting điện ảnh. Người mẫu cast quảng cáo chỉ cần phù hợp với yêu cầu quảng cáo sản phẩm. Đó có thể là trẻ em chưa đầy tuổi, thiếu nữ, hoặc phụ nữ đang mang bầu. Còn người mẫu cast điện ảnh thì nhất thiết đòi hỏi có kinh nghiệm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật.

Bạn Nguyễn Thị Lan Hương, sinh viên đã qua hai năm làm caster tự do, nói: “Thầy dạy mình cũng là đạo diễn. Lúc thầy cần diễn viên, mình giới thiệu cho thầy. Rồi vào nghề lúc nào không hay. Nghề này rất thú vị, làm mình năng động, mạnh dạn tiếp xúc với nhiều đối tượng, được chủ động thời gian.

Một caster đang tác nghiệp

Tuy nhiên, muốn có show đều đặn, cần nhanh nhạy, tạo đựơc nhiều mối quan hệ với đạo diễn, các công ty quảng cáo và cả người mẫu. Làm nghề này cũng có lắm nỗi vui buồn”. Lần cung cấp diễn viên khuyết tật cho một bộ phim, Hương phải tìm mất cả tháng mới cung cấp được 20 người nhưng chỉ chọn được năm người.

Hương bật mí: “Lương khá hấp dẫn!”. Tùy theo caster nghiệp dư hay chuyên nghiệp, trung bình thu nhập mỗi tháng từ năm triệu đồng đến trên 10 triệu đồng. “Vui nhất là khi casting thành công, nhìn gương mặt được tạo dựng có sự đóng góp của mình, mình thấy hãnh diện lắm!” - Hương nói.

Càng khó khăn, càng thú vị gần như là chân lý của những người trẻ tuổi. Đó là lý do khiến nhiều bạn trẻ lao vào nghề casting. Bạn Lê Thị Như Ý hai năm làm caster nghiệp dư cho rằng: Đây là nghề của những người “trông mặt bắt hình dong”. Không cần cái đẹp hoàn hảo, chỉ qua một lần tiếp xúc, tính biểu cảm trên gương mặt người mẫu chính là tầm ngắm của các caster.

Mặc dù nghề casting hiện nay phát triển khá phổ biến nhưng nhìn chung tất cả đều tự phát, chưa được sự quản lý của một cơ quan chức năng nào.

HOÀNG MAI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2009)


Video đang được xem nhiều