Tìm giải pháp nâng cao chuẩn đầu ra môn tiếng Anh cho học sinh phổ thông

GD&TĐ - Ngày 14/12, Trường Đại học Sư phạm TPHCM đã tổ chức Hội thảo “ Thực trạng dạy học tiếng Anh trong việc đảm bảo chất lượng đầu vào và kết quả đầu ra môn tiếng Anh của học sinh các cấp phổ thông các tỉnh, thành phố Miền Nam”.

15.5771

Một tiết học ngoại ngữ của học sinh phổ thông với giáo viên bản ngữ tại TPHCM

Hội thảo có sự tham dự của gần 100 đại biểu đến từ các tỉnh thành trong khu vực. Với 18 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý gửi đến Hội thảo, các vấn đề trong công tác đào tạo, đổi mới chương trình, phương thức dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá…nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đã được các đại biểu cùng nhau trao đổi.

Tính đến thời điểm này, Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã chính thức bước sang năm thứ năm. Từ ngày triển khai đến nay, Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. 

Từ việc có nhiều mô hình phát triển dạy và học ngoại ngữ một cách hiệu qủa ra đời tại các trường phổ thông trong cả nước, đến năng lực, nghiệp vụ sư phạm của giáo viên ngoại ngữ được nâng lên thấy rõ thì điều quan trọng nhất chính là nhận thức của cán bộ quản lý các cấp về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong việc hội nhập đã thay đổi rõ rệt.

Tuy vậy, những khó khăn hiện hữu trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đặc biệt là nâng cao chất lượng đầu vào và chuẩn đầu ra môn tiếng Anh cho học sinh các bậc học phổ thông vẫn còn rất nhiều thách thức. Và để giải quyết được những vấn đề mang tính cấp bách hiện nay theo các nhà khoa học, quản lý tại Hội thảo, ngành giáo dục, xã hội cần phải cùng nhau bắt tay vào hành động, hành động một cách quyết liệt và có những bước đi tích cực, đột phá hơn cho vấn đề này.

Theo TS Trần Thị Minh Phượng (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) thì vấn đề then chốt nằm ở người dạy-tức người thầy. Người thầy hiện nay quá thiếu thời gian để nâng cao chuyên môn, rèn luyện các phương pháp sư phạm (vì phải làm đủ thứ việc), khiến không đáp ứng được mục tiêu giảng dạy, các giải pháp đổi mới.

“Thực tế cho thấy không thể duy ý chí áp đặt chỉ tiêu đạt chuẩn cho giáo viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hay đổi mới SGK, thay đổi cách thi cử là xong. Cái chính để thoát khỏi vòng luẩn quẩn thì chúng ta cần một quy trình mang tính đồng bộ, khoa học mà ở đó người giáo viên có thời gian để trau dồi nghiệp vụ, nâng cao chuyên môn, học sinh có thể chủ động học tập bằng nhiều hình thức, phương pháp sư phạm trên lớp. 

Song song đó, các em có thể chủ động tham gia học, rèn luyện khả năng nói, giao tiếp từ chính môi trường học tập chủ động do giáo viên tạo ra. Có như thế, việc đổi mới, nâng chất việc dạy ngoại ngữ mới hiệu quả, không gây nhàm chán cho học sinh”- bà Phượng nêu quan điểm.

Đồng tình với những phân tích của TS Trần Thị Minh Phượng, Th.s Nguyễn Đình Thanh - Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, tỉnh Sóc Trăng cho rằng hạn chế lớn nhất của việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông chính là việc chúng ta đang thiếu nguồn giáo viên chất lượng, đặc biệt là ở bậc Tiểu học và THCS khiến cho việc học tập của học sinh yếu kém, SGK tiếng Anh đang sử dụng chưa lôi cuốn học sinh, một bộ phận giáo viên tiếng Anh thiếu thời gian, động lực phát triển nghề nghiệp…

Từ đó, ông đưa ra một giải pháp phải nhanh chóng đổi mới hệ thống kiểm tra đánh giá cho phù hợp với mục tiêu đề ra trong Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020. 

“Các trường đại học, trung tâm ngoại ngữ có uy tín chịu trách nhiệm kiểm tra, đánh giá học sinh trong suốt năm học. Sớm thay đổi bộ SGK đang sử dụng, đồng thời gấp rút bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên bằng nhiều hình thức như: trực tuyến, tự học, trực tiếp, bồi dưỡng, mời chuyên gia và giáo viên bản ngữ hỗ trợ các trường…Có vậy việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ cho học sinh bậc phổ thông mới thật sự hiệu quả”- Thạc sĩ Nguyễn Đình Thanh đề xuất.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]