Tìm giải pháp bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh phổ thông

GD&TĐ - Hôm nay (21/1), Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 phối hợp với Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức Hội thảo "Đánh giá và đề xuất giải pháp quản lý, tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng giáo viên Tiếng Anh phổ thông".

15.5687

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng công tác bồi dưỡng tiếng Anh phổ thông tại các địa phương, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh và việc phối kết hợp giữa các đơn vị này để tìm ra giải pháp đồng bộ, thống nhất về quản lý, tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh từ trung ương đến địa phương.

Theo số liệu thống kê, hiện nay đội ngũ giáo viên tiếng Anh phổ thông đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ còn thấp so với mục tiêu đặt ra, đòi hỏi công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh phổ thông trong giai đoạn tới cần phải được quan tâm cấp thiết hơn, cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực cao của từng cá nhân giáo viên và các cấp quản lý.

Các tham luận tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng, khâu đột phá trong đổi mới dạy và học nói chung và đối với tiếng Anh nói riêng là nâng cao năng lực giáo viên. Đây cũng là yếu tố quyết định tới sự thành công của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.

Bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh có 2 yếu tố: năng lực ngôn ngữ và năng lực dạy học. Một GV đáp ứng được yêu cầu cần phải là giáo viên có năng lực ngôn ngữ đạt chuẩn và có được các kỹ năng dạy học cần thiết.

Tính đến thời điểm này, thành tựu rõ rệt nhất của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 là số GV đạt chuẩn năng lực sử dụng tiếng Anh trên cả nước đã tăng lên một cách đáng kể so với khi Đề án mới triển khai vào năm 2011.

Theo thống kê của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, chỉ tính trong năm 2015, tỷ lệ GV phổ thông đạt chuẩn năng lực sử dụng tiếng Anh đã tăng khoảng gần 5%.

Theo PGS. TS. Lê Văn Canh (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội): "Chất lượng giáo viên luôn giữ vai trò quyết định đến quá trình dạy học nhưng chất lượng giáo viên lại phụ thuộc vào chất lượng đào tạo ban đầu trong các trường sư phạm và cơ hội được bồi dưỡng và phát triển năng lực chuyên môn trong quá trình tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục."

Trên cơ sở những phân tích, PGS. Lê Văn Canh cũng đề xuất 9 giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng bồi dưỡng giáo viên.

Hội thảo đã lắng nghe nhiều ý kiến tham luận của đại diện các tỉnh, thành phố, các trường đại học trên cả nước và sẽ sớm đưa ra những giải pháp đồng bộ và gấp rút thực hiện trong thời gian tới để góp phần thực hiện thành công mục tiêu Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]