Tốt gỗ, tốt cả nước sơn

Mấy năm trước, người tiêu dùng còn bằng lòng với những chiếc quạt điện “tai voi” thô kệch nhưng bền bỉ của Nga hay những chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) “cục gạch” to, nặng của Motorola, Erisson... Nhưng nay, khuynh hướng “ăn chắc mặc bền” đã được thay bằng khuynh hướng thời trang và sự tinh tế trong từng sản phẩm...

15.6009
Ông Kwang - Ree Roh, giám đốc bộ phận bán hàng và tiếp thị của Samsung Electronic, nhận định: Người tiêu dùng sắm, đổi ĐTDĐ không chỉ để nghe, mà còn để ngắm nhìn và cao hơn là để khẳng định mình. Vì vậy, Samsung đặc biệt chú trọng đến kiểu dáng, thiết kế. Hàng triệu USD/năm đã được Samsung đầu tư cho công tác này. Hiện với 150 nhà thiết kế chuyên nghiệp, mỗi ngày Samsung ra đời khoảng 30 mẫu thiết kế ĐTDĐ mới, nhưng chỉ 15% trong số này được chọn và đời sống của một model ĐTDĐ cũng chỉ... 3 tháng. Với đặc tính ưu việt của thiết kế, Samsung đã trở thành 1 trong 5 thương hiệu tăng giá trị cao nhất năm 2004, theo một báo cáo vừa công bố của Business Week. Nokia, quý II vừa qua cũng đã đưa ra 30 mẫu ĐTDĐ đời mới, trong đó nhiều mẫu sử dụng công nghệ CDMA. Đó là một nỗ lực được giới phân tích đánh giá là “hơi muộn” của Nokia sau một thời gian khá dài chỉ tập trung vào nghiên cứu mặt siêu tiện ích của ĐTDĐ, mà bỏ qua sự quyến rũ của sản phẩm. Kết quả, Nokia đã mất 5 điểm trên thị trường, khiến mức thị phần ĐTDĐ của hãng chỉ còn dưới 30%, doanh thu quý I/2004 tụt giảm 2%. Motorola cũng đã giã từ những chiếc điện thoại “nồi đồng cối đá”, để chuyển sang những mẫu ĐTDĐ nhẹ nhàng thanh lịch, nhưng cái giá phải trả cho sự chuyển dịch chậm chạp là đã mất vị trí số 1 vào tay Nokia và sắp mất vị trí thứ 2 vào tay Samsung. Nhưng dường như các nhà sản xuất VN chưa nắm bắt được xu hướng thị hiếu mới này của người tiêu dùng. Các nhà nhập khẩu nhận xét: Hiện các doanh nghiệp VN chỉ mới tập trung vào các yếu tố “nhanh, tốt, rẻ mà chưa chú ý đến khâu thiết kế mẫu mã. Trong khi chính thiết kế mẫu mã là yếu tố quyết định làm nên thương hiệu sản phẩm (trong điều kiện thời nay, các sản phẩm đều sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, ít có sự khác biệt về chất). Hiện có khá nhiều sản phẩm vốn là thế mạnh của VN như may mặc, giày dép, hàng nông sản... “ruột” nội, nhưng nhãn hiệu, bao bì và cả thương hiệu đều là của nhà nhập khẩu. Tổng Giám đốc Metro Cash & Carry VN, ông James Scotl, cho biết: “Để đưa hàng hóa VN vào hệ thống Metro toàn cầu, phải chuẩn hóa các tiêu chuẩn về đóng gói, quản lý chất lượng, hệ thống mã vạch và cách thức nhận biết sản phẩm. Đó cũng là những yếu tố cần thiết cho cuộc cạnh tranh trên thị trường quốc tế”.

“Tốt gỗ, hơn tốt nước sơn” - đó là kinh nghiệm của người xưa. Nay, “tốt gỗ, tốt cả nước sơn” mới là sự lựa chọn của người tiêu dùng...

Minh Hà
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]