Trà sữa trân châu vẫn đắt khách

Nỗi lo về khả năng chứa chất polymer trong trân châu không thắng nổi sức hấp dẫn của ly trà sữa. Doanh số của các cửa hàng tại Hà Nội có giảm đôi chút vào đầu tháng, nhưng đang dần quay về mức bình thường.

15.5739

Đầu tháng 8 vừa qua, thông tin về hạt trân châu trong trà sữa tại Trung Quốc có chứa chất polymer khiến người tiêu dùng Việt Nam không khỏi lo lắng. Sự nghi ngờ hoàn toàn có cơ sở khi ngay các chủ cửa hàng kinh doanh trà sữa cũng mơ hồ về xuất xứ nguyên liệu trân châu.

Chị Ngọc Vân, vốn là một "tín đồ" của trà sữa phải bỏ qua món đồ uống ưa thích bấy lâu sau khi thông tin về trân châu có thể chứa polymer gây xôn xao dư luận. Chị đưa ra lý do đang mang bầu nên rất sợ chất polymer có thể gây hại cho em bé. Tuy nhiên, lượng người quay lưng lại với trà sữa như chị không nhiều.

Doanh số trong khoảng 20 ngày đầu tháng 8 của hệ thống các cửa hàng lớn trên phố Giảng Võ, Cầu Giấy... hay những điểm nhỏ lẻ trong khu dân cư tại Thành Công, Nghĩa Tân... không thay đổi nhiều so với trước.

Theo chị Hoài Anh, trợ lý điều hành hệ thống cửa hàng Feelings Tea, lượng khách của toàn hệ thống của công ty chị có giảm khoảng 30% trong những ngày đầu. Đến nay, tuy không được như trước nhưng doanh số cũng đã dần phục hồi.

Trà sữa vẫn là món đồ uống ưa thích của nhiều bạn trẻ. Ảnh: N.M

Một cửa hàng trên phố Giảng Võ vẫn bán được khoảng 300 cốc trà sữa trong một buổi sáng. Đối với những cửa hàng nhỏ như của anh Hoàng trong khu tập thể Thành Công, việc tiêu thụ trên dưới 100 cốc mỗi ngày không phải chuyện quá khó.

Chị Hoa, chủ một cửa hàng trà sữa gần trường tiểu học Nghĩa Tân cho biết. Khách ở đây chủ yếu là học sinh và phụ huynh mua trà sữa cho con. "Cũng có vài ông bố bà mẹ thắc mắc về trân châu còn học sinh thì chẳng thấy hỏi gì. Nói chung là vẫn bán được...", chị nói.

Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng khi nghe tin uống trà sữa trân châu có thể không tốt cho sức khỏe nhưng vì chiều con và vội công việc nên tặc lưỡi cho qua. "Bây giờ chỉ thỉnh thoảng mới cho cháu uống chứ không phải ngày nào cũng một cốc như trước kia" - một phụ huynh cho biết.

Nhiều bậc cha mẹ khác cho rằng có thể hạn chế rủi ro bằng việc tiếp tục cho con uống trà sữa không có trân châu nhưng giới trẻ lại ít ủng hộ ý tưởng này. "Trà sữa mà không có trân châu hay thạch rau câu thì ai còn muốn uống" -Phương, một học sinh trường Phan Đình Phùng nhận xét. "Em cũng nghe bố mẹ nói là không đảm bảo vệ sinh nhưng uống quen rồi nên không bỏ được" - Phương nói thêm.

Chị Hoài Anh khẳng định trân châu được sử dụng trong hệ thống cửa hàng của chị là do tự sản xuất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để trấn an khách, các cửa hàng trong hệ thống còn dán bảng thành phần hạt trân châu với chứng nhận của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hà Nội ngay tại cửa ra vào và quầy phục vụ.

Giấy chứng nhận thành phần hạt trân châu được dán tại một số cửa hàng. Ảnh: N.M

Trong khi đó, cửa hàng nhỏ của anh Hoàng trong khu tập thể Thành Công lại không có giấy chứng nhận này. Anh cho biết toàn bộ lượng trân châu, bột trà sữa được mua tại một cửa hàng trên phố Hàng Buồm. Trân châu được đóng thành bịch, giá khoảng hơn 10.000 đồng một kg. Anh Hoàng cho biết "Chỗ quen thì mua. Họ nói là của Trung Quốc. Cũng có loại của Việt Nam, đắt gấp đôi nhưng thấy bảo lại không để được lâu"

"Tôi cũng chẳng muốn bán cho khách đồ ăn, thức uống không tốt nhưng bản thân chẳng thể biết loại trân châu đắt tiền có an toàn hơn hay không. Khách hàng cũng không phàn nàn gì nên trước thế nào, giờ tôi vẫn bán như vậy..." - Anh Hoàng nói thêm.

Trong đợt thanh tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trà sữa gần đây, Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã tiến hành xử lý một cửa hàng sử dụng trân châu quá hạn. Tuy nhiên, theo ông Trần Vũ Linh, đội trưởng đội Quản lý thị trường số 14, vẫn chưa phát hiện loại hạt trân châu chứa polymer. Ông Linh cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua trà sữa trân châu ở những cửa hàng có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố.

 Nhật Minh

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]