Trở về với "bầu sữa" mẹ

"Gần 10 năm làm việc ở một công ty đa quốc gia, nhất là sau 3 năm ra nước ngoài, tôi đã thay đổi cơ bản cách nhìn nhận về xây dựng chiến lược kinh doanh"...

15.7843

"Chúng tôi đã xác định không tạo được lợi thế cạnh tranh không thể bảo vệ và phát triển được thương hiệu Việt trong giai đoạn mới."

Đang là giám đốc phụ trách về đa dạng hoá sản phẩm (Innovation Director) tại đầu não của một tập đoàn nước giải khát quốc tế lớn ở Mỹ, Trần Bảo Minh * xin về làm phó tổng giám đốc một công ty Việt Nam với mức lương chưa bằng 1/4.

Trước đây 3 năm, một tờ báo lớn đã bài viết về Bảo Minh dưới nhan đề "Người thành danh cá biệt", khi anh trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào đầu não của Tập đoàn Pepsi quốc tế với một chức vụ quan trọng. Một chàng sinh viên sẵn sàng bỏ một kỳ thi chỉ để tập trung xem bóng đá cho đã và sau đó là tập trung thi... lại, cuối cùng cũng đã trưởng thành.

Sau 3 năm trên "xứ người" vừa về nước, Minh tâm sự:

- Tôi học ở Australia, nhưng được phát triển và trưởng thành ở một công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Ba năm làm việc tại New York, Thái Lan và Indonesia là khoảng thời gian học hỏi được rất nhiều điều bổ ích và những kinh nghiệm quý giá để có thể tự tin làm được điều gì đó cho đất nước mình, tôi đã xin trở về.

Thật ra, tôi ra nước ngoài làm việc nhưng chưa một ngày nào trái tim của tôi rời khỏi Việt Nam. Dù ban ngày làm việc đến cật lực nhưng đêm về trong tôi lại cháy bỏng một niềm mơ ước và khát khao được quay trở về Việt Nam.

Anh thường ví mình là người làm thuê chuyên nghiệp cho công ty đa quốc gia để học hỏi kinh nghiệm, vậy anh sẽ áp dụng những điều đã học như thế nào khi về làm việc cho một công ty trong nước?

Gần 10 năm làm việc ở một công ty đa quốc gia, nhất là sau 3 năm ra nước ngoài, tôi đã thay đổi cơ bản cách nhìn nhận về xây dựng chiến lược kinh doanh.

Ví dụ về marketing, ở các công ty Việt Nam, thường ít chú trọng hoặc nếu có thì mới dừng ở mức xây dựng được một chương trình khuyến mãi hay, hoặc một chương trình quảng cáo tốt, và hài lòng, nhưng quên đi hoặc không biết rằng xây dựng được một chiến lược về định vị thương hiệu dài hơi, có tính đến cơ hội phát triển và cải tiến thương hiệu đó trong tương lai mới quan trọng hơn.

Nhưng để xây dựng được thương hiệu Việt trong "phiên chợ toàn cầu" không phải là điều dễ?

Hoàn toàn chính xác nếu như anh không có được một lợi thế riêng.

Khi vào WTO, những lợi thế của một nước mới phát triển là nguồn lao động dồi dào, giá nhân công rẻ - yếu tố chi phối lớn đến giá thành sản phẩm - sẽ không còn là lợi thế riêng của các doanh nghiệp Việt Nam. Chưa kể nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thiết bị, quy trình công nghệ và cả năng lực quản lý kinh nghiệm điều hành của các công ty đa quốc gia đều vượt hơn chúng ta.

Chính vì vậy, muốn tồn tại và phát triển, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thể hiện và khai thác được hai lợi thế mà các công ty đa quốc gia khó có thể hơn chúng ta đó là văn hóa tiêu dùng của chính người Việt và nguồn nguyên liệu tại chỗ. Đặc biệt, nếu các công ty Việt Nam không tạo được những lợi thế riêng biệt (nguyên liệu, giá cả, lợi nhuận...) anh sẽ thua trong cuộc chiến xây dựng và bảo vệ thương hiệu đường dài.

Anh nói nhiều đến lợi thế cạnh tranh, vậy theo ông, lợi thế cạnh tranh của các công ty đa quốc gia là gì?

Vấn đề then chốt của việc tạo nên lợi thế trong sân chơi WTO là việc tạo nguồn nguyên liệu chủ động.

Các công ty đa quốc gia luôn mua được giá tốt nhất bởi có lợi thế rất lớn về quyền lực đàm phán với các nhà cung cấp nguyên vật liệu và dịch vụ khắp toàn cầu dựa trên sức mạnh của những đơn đặt hàng với số lượng cực lớn tổng hợp từ nhiều thị trường trên thế giới. Điều này buộc đối tác của họ phải cung ứng và bán nguyên liệu cho họ với giá thấp nhất mà không một công ty đơn lẻ nào có thể được hưởng.

Từ đó, các tập đoàn đa quốc gia luôn tạo được ưu thế về chi phí giá thành.

Cụ thể đối với Vinamilk, nơi anh làm Phó tổng giám đốc, việc tạo lợi thế được tiến hành thế nào?


Nếu vào WTO, mình cũng đi nhập sữa bột thì đâu còn là lợi thế của mình, nhất là so với các công ty đa quốc gia. Do đó, cùng với các giải pháp về phát triển đàn bò sữa, khai thác, thu mua tại các vùng nguyên liệu trước đây, Vinamilk đã chủ động đầu tư trực tiếp để tạo nguồn nguyên liệu riêng cho mình.

Chúng tôi đã xác định không tạo được lợi thế cạnh tranh không thể bảo vệ và phát triển được thương hiệu Việt trong giai đoạn mới.

Nhiều năm làm việc cho công ty đa quốc gia, anh có kinh nghiệm hay lời khuyên gì với các bạn trẻ sau anh đang hăm hở chuẩn bị hành trang bước vào hội nhập?


Rất nhiều người đã từng làm quản lý hoặc từng nắm trọng trách ở những công ty đa quốc gia khác, thậm chí các bạn trẻ sắp rời ghế nhà trường đều ngại về làm việc cho một công ty Việt Nam.

Ngay cả việc các công ty Việt Nam có thể trả lương rất cao, kèm theo những điều kiện làm việc tốt nhất nhưng vẫn rất khó thu hút nhân tài. Lý do, theo họ các công ty đa quốc gia tạo cho họ môi trường làm việc rất chuẩn.

Trên thực tế, theo tôi, họ tự làm cho mình sợ thôi. Bởi nếu có tâm huyết, có khả năng, hoàn toàn họ có thể thành công. Có thể xem đây là một lời nhắn nhủ (cười) với các tài năng trẻ, bởi trong một sân chơi chung, các công ty Việt Nam cũng phải chuẩn hoá để theo kịp và phát triển, nhưng là công ty Việt Nam, họ biết cách để trân trọng những cống hiến của chính người Việt Nam.

* Trần Bảo Minh sinh năm 1967. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Tp.HCM, Thạc sĩ Thương mại - Marketing (Đại học Tây Sydney - Australia). Đã từng đảm nhiệm các vị trí: Giám đốc nhãn hàng, Giám đốc marketing PepsiCo Việt Nam; Giám đốc đa dạng hoá sản phẩm Tập đoàn.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]