8 giờ sáng một ngày thứ Sáu, chị Trần Thị Ngân Khánh (quận BìnhThạnh) “canh me” tại Phòng Công chứng số 1 để chờ người của “nhà đài” đến quay chương trình “10 phút tiếp dân”. “Tôi cùng anh chị em được thừa kế một căn nhà nhưng người anh tôi mất liên lạc đã lâu. Nay tôi và người chị muốn bán nhà thì làm thế nào?”, chương trình vừa bắt đầu là chị Khánh “xông vào” hỏi ngay, rất tự nhiên, khỏi cần lệnh “action” tua đi tua lại!

Hỏi - đáp tới cùng

Kênh tuyên truyền pháp luật mới này do Sở Tư pháp TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện. Bí thư Đoàn Sở Tư pháp TP.HCM - anh Nguyễn Đức Thịnh, thành viên ban tổ chức chương trình bật mí: Chương trình “10 phút tiếp dân” có ba điều thật: hồ sơ thật, cán bộ thật, người dân thật. “Nhà đài” có thể tổ chức quay hình tại nhà của người dân tham gia chương trình, hay tại trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước.

Không như nhiều chương trình pháp luật khác dàn dựng tiểu phẩm và có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên chuyên nghiệp, điểm hay của chương trình là người dân đối thoại trực tiếp với cán bộ có thẩm quyền. Người dân nêu câu hỏi, cán bộ trả lời. Chưa rõ điểm nào, người dân hỏi tiếp và được giải thích rõ hơn. Nhờ có tính tương tác cao, mỗi thắc mắc đều được giải đáp cho đến cùng mới thôi.

Chẳng hạn, với thắc mắc của chị Khánh, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó phòng Công chứng số 1 TP.HCM, giải đáp: “Nếu có một đồng sở hữu vắng mặt và không xác định được nơi cư trú của người đó, các chủ sở hữu chung còn lại phải có đơn yêu cầu tòa án tuyên bố người đó bị mất tích trước khi bán nhà. Khi bán nhà, các chủ sở hữu chung còn lại có trách nhiệm gửi tiền bán nhà tương ứng với phần giá trị quyền sở hữu nhà ở của người bị tuyên bố mất tích vào ngân hàng nơi có nhà ở được bán”.

Người dân vào vai bằng chính câu chuyện của họ ngoài đời nên chương trình rất tự nhiên và gần gũi. Ảnh chụp lại từ chương trình: ÁI PHƯƠNG

Chị Ngân Khánh hỏi tới: “Vậy nếu mai mốt anh tôi trở về thì sao?”. Bà Bình Thuận tiếp: “Khi người mất tích trở về thì gia đình bà có thể liên hệ ngân hàng để nhận lại số tiền đã gửi, gồm tiền gốc và lãi suất không kỳ hạn”. “Lỡ như sau đó anh tôi bị tòa tuyên chết rồi?” - chị Khánh vẫn băn khoăn. Câu trả lời tiếp: “Thì phần sở hữu của người chết sẽ được giải quyết theo quy định pháp luật về thừa kế”.

Chưa dừng lại, chị Ngân Khánh còn đặt ra rất nhiều câu hỏi khác: “Chị em tôi gặp khó khăn nên mới bán nhà, chúng tôi định sau một thời gian nữa sẽ chuộc lại, có được không? Giá chuộc lại nhà như thế nào? Chị tôi đi lại khó khăn, muốn nhờ công chứng viên đến nhà chứng được không? Công chứng viên có làm việc vào Chủ nhật không?...”.

Không riêng chị Ngân Khánh, những người dân tham gia chương trình đều tỏ ra rất hài lòng. Ông Lê Văn Lập (quận Gò Vấp), người được cán bộ Phòng Công chứng số 5 trả lời các thắc mắc liên quan đến việc lập di chúc, nói: “Tôi đã hiểu hơn về hồ sơ, thủ tục lập di chúc, tránh những rắc rối pháp lý về sau”.

Thật như đời

Những người dân được mời tham gia chương trình đều “vào vai” rất “ngọt”. Đơn giản vì họ chính là người dân có những thắc mắc thực ở ngoài đời thực. Họ không phải được mời để “đóng vai” nhân vật, để đóng kịch về tình huống pháp luật. Thế nên mặc dù biết là quay phim, họ cũng không phải “diễn” mà đối thoại rất tự nhiên. Như trường hợp ông Phạm Văn Định (quận Bình Thạnh), khi được tư vấn cần phải có người làm chứng khi lập di chúc, ông hỏi lại tỉnh rụi: “Ủa, lên đây đã có công chứng viên rồi, sao lại cần thêm người làm chứng?”. Công chứng viên mới giải thích rằng vì ông Định không biết đọc, biết viết, theo luật cần có người làm chứng.

Chương trình “10 phút tiếp dân” là công trình thanh niên của Đoàn Sở Tư pháp TP.HCM và Đoàn Đài Truyền hình TP.HCM nhưng ít ai biết những người tham gia viết kịch bản chương trình là các đoàn viên Sở Tư pháp với format ban đầu do Ban Khoa giáo Đài Truyền hình TP.HCM gửi qua.

Anh Nguyễn Đức Thông, người tham gia viết nhiều kịch bản cho “10 phút tiếp dân”, bộc bạch: “Là chuyên viên của Phòng Hộ tịch - Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM, qua công việc mình nắm được các quy định pháp luật liên quan và hiểu được người dân cần gì nên luôn cố gắng viết kịch bản sao cho sát với quan tâm của người xem”. Nhờ vậy, “Qua sáu tuần phát sóng, chương trình đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả xem đài” - anh Nguyễn Đức Thịnh, Bí thư Đoàn Sở Tư pháp, tiếp lời.

Chương trình “10 phút tiếp dân” được phát sóng trong 15 phút, bắt đầu từ 8 giờ sáng thứ Sáu hằng tuần trên HTV9 và được phát lại vào lúc 23 giờ 40 trên HTV9 vào thứ Hai tuần kế tiếp. Khán giả cũng có thể xem lại chương trình trên website Sở Tư pháp TP.HCM (www.sotuphap.hochiminhcity.gov.vn).

Để tham gia chương trình, khán giả có thể gửi thư về Ban Khoa giáo Đài Truyền hình TP.HCM, số 14 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, email: .

Chúng tôi mong muốn chương trình sẽ là cầu nối giữa người dân và cơ quan công quyền. Theo đó, cơ quan công quyền có một kênh chuyển tải thông tin đến người dân một cách nhẹ nhàng nhất và ngược lại, phía người dân ngoài việc được hướng dẫn các thông tin, chính sách pháp luật, còn được tiếp cận với cơ quan công quyền và từ đó có cái nhìn thiện cảm hơn.

Biên tập viênNHƯ SƯƠNG
(Ban Khoa giáo Đài Truyền hình TP.HCM)

ÁI PHƯƠNG


Video đang được xem nhiều