Du lịch mạo hiểm là một hình thức du lịch có nhiều yếu tố khám phá, trải nghiệm mang đến cho du khách sự thích thú nhưng kèm theo độ nguy hiểm cũng tăng cao.

Trở lại với câu chuyện du lịch mạo hiểm ở Lâm Đồng, lãnh đạo địa phương đã xác định  vụ việc khiến du khách nước ngoài tử nạn tại thác Datanla là bài học không chỉ đối với ngành du lịch, với du khách mà còn cả với các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên điều đáng nói chính là việc khai thác du lịch mạo hiểm ở nước ta đã hợp lý hay chưa và chúng ta có đang rơi vào tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” hay không?

Trao đối với báo giới, ông Vũ Thế Bình (Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam) cho rằng, du lịch mạo hiểm đang có tốc độ phát triển rất nhanh, mang lại lợi nhuận to lớn cho nền du lịch nói chung và các điểm du lịch nói riêng.

Nói là mạo hiểm nhưng không phải ai cũng biết được làm thế nào để tiếp cận du lịch mạo hiểm một cách đúng nhất và trên hết vẫn đảm bảo tính an toàn cho người tham gia. Muốn vậy, buộc các doanh nghiệp du lịch phải làm việc một cách thực sự chuyên nghiệp và khoa học.

So sánh với loại hình du lịch ở nước ngoài, ở đây chương trình du lịch mạo hiểm là một loại hình riêng biệt, các hướng dẫn viên tham gia đều phải có chứng chỉ hành nghề, du khách khi tham gia đều được khám sức khỏe, được huấn luyện, được đóng bảo hiểm và được trang bị đầy đủ trang thiết bị đảm bảo trước khi tham gia bất kì tour du lịch mạo hiểm nào.

Tiếp tục trao đổi với báo giới về vấn đề này, ông Bình cũng cho biết thêm: “Hệ thống quản lí của chúng ta hiện đang rất bất cập và bản thân cơ quan nhà nước không đủ năng lực để quản lí, kiểm soát hết những hoạt động du lịch đó. Đồng thời chúng ta đang thiếu hẳn một đội ngũ chuyên môn để rà soát hết những điểm du lịch mạo hiểm này”.

Cũng theo Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, chúng ta đang rất cần những thanh tra du lịch. Đặc biệt, những thanh tra chuyên ngành cần phải có trình độ, có chuyên môn vững vàng. Đối với du lịch mạo hiểm, hướng dẫn viên phải được đào tạo chuyên sâu và phải có chứng chỉ hành nghề.

Dù rằng, du lịch mạo hiểm đang tạo được sức hút không nhỏ nhưng lại tiềm ẩn trong đó nhiều khúc mắc. Theo ông Bình, phương pháp để giải quyết khả thi nhất chính là siết chặt quản lí, hệ thống luật pháp cần phải được bổ sung ngay, công tác đào tạo hướng dẫn viên cần được thay đổi.

Nhìn lại sự việc thương tâm vừa qua đối với du khách nước ngoài tại Việt Nam thì đây chính là hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng đầu tư, khai thác và quản lý loại hình du lịch mạo hiểm ở nước ta hiện nay. 
Chúng ta đang kêu gọi khách nước ngoài tới Việt Nam nhưng liệu chúng ta đã cho họ được những gì? Đây quả thực là câu hỏi đáng để suy ngẫm, không chỉ cho ngành du lịch.

Thu Anh