5 bài học sau 18 năm kết hôn

18 năm chung sống không một lần xô xát, thành quả lớn nhất từ cuộc hôn nhân của gia đình anh Nhâm - chị Loan (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) chính là hai cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi. Trong buổi tiệc kỷ niệm 18 năm ngày kết hôn, cả hai rưng rưng xúc động khi kể về cuộc hành trình gần hai thập kỉ và năm bài học gìn giữ hạnh phúc gia đình.

15.5734

Hôn nhân bền vững được tạo nên từ những điều nhỏ nhặt

"Tôi bị chứng toát mồ hôi tay mỗi khi thời tiết trở nồm. 18 năm nay chưa lần nào cô ấy quên không để sẵn trong túi áo tôi một chiếc khăn mùi xoa nhỏ nhỏ. Nếu không phải là người phụ nữ hết lòng lo lắng cho chồng con thì khó có thể làm được như thế", anh Nhâm rút từ túi áo bên ngực trái một chiếc khăn mùi xoa để mở đầu câu chuyện của mình. Ngồi kế bên anh, chị Loan mỉm cười nhè nhẹ, thi thoảng lại liếc mắt nhìn chồng, ánh mắt rạng ngời hạnh phúc.

Mỗi hành động giống như một viên gạch và bạn được quyền lựa chọn có sử dụng nó để tạo dựng bức tường thành bảo vệ hạnh phúc gia đình hay không. Nguyên tắc xây dựng hạnh phúc gia đình dựa trên sự cảm thông, chia sẻ giữa vợ và chồng. Mỗi lần thảo luận, thay vì đòi hỏi, mỉa mai, hãy lắng nghe và cầu thị.

Đừng quên dành điều bất ngờ cho nhau

Tiếp lời anh Nhâm, chị Loan kể: "Có một lần tôi mắc lỗi trong công việc đến mức suýt bị cho nghỉ việc. Thời điểm cuối năm, công việc của anh ấy rất bận rộn, tôi không muốn vì chuyện của tôi mà thêm áp lực với anh. Vậy mà chẳng hiểu sao anh vẫn biết. Tối hôm từ công ty trở về, tôi thấy trên bàn 2 tấm vé đi Hạ Long. Lúc đó, tôi đã khóc nhiều lắm, khóc cho trôi hết những tấm tức trong lòng".

Một bó hoa, một tấm thiệp hoặc một bữa tối tự tay chuẩn bị là những điều không mất nhiều thời gian nhưng rất có ý nghĩa để làm mới cuộc sống vợ chồng. Không phải chỉ khi yêu nhau mới cần lao tâm khổ tứ làm điều bất ngờ mà tuyệt nhất hãy làm như vậy suốt cả cuộc đời.

Mỉm cười với khó khăn

Bài học thứ ba của gia đình anh Nhâm có tên gọi nụ cười. Bởi theo anh Nhâm, cuộc sống độc thân khó khăn bao nhiêu thì khi về chung một nhà, những phức tạp còn tăng lên gấp bội. Đặc biệt là giai đoạn năm năm đầu tiên sau kết hôn. Hai bên nội ngoại ở xa, chị Loan sinh con đầu lòng và chuyển công ty cùng thời điểm, hai anh chị đã phải vật lộn với cuộc sống kinh tế eo hẹp. Rồi thì "cái xảy nảy cái ung", vợ chồng có lúc khục khặc nhưng cũng may cả hai đều rất lạc quan nên mọi chuyện rồi lại đâu vào đó.

"Con người có xu hướng phức tạp hóa vấn đề và tự mình đi lạc vào những khó khăn. Bất kể vấn đề nào cũng có cách giải quyết. Quan trọng là giữ được tinh thần tốt và xem mọi chuyện giản đơn", anh Nhâm nói.

Tận dụng những sự hỗ trợ cần thiết

Sai lầm lớn nhất của các cặp gia đình không hạnh phúc đó là họ tự bó buộc cuộc sống chỉ có hai người. Bên cạnh chúng ta còn có gia đình nội - ngoại, bạn bè, đồng nghiệp và cả những người hàng xóm thân thiết. Họ sẽ cho chúng ta lời khuyên sáng suốt mà đôi khi những người trong cuộc không biết phải làm thế nào.

Làm gương cho con cái

"Khi tôi tự nhủ rằng tôi đối xử với vợ mình như thế nào thì sau này các con tôi cũng đối xử với vợ chúng như thế, tôi ý thức tốt hơn việc mình đang làm", anh Nhâm hướng mắt về phía hai cậu con trai và nói.
Rõ ràng khi lên chức bố, mẹ, mỗi người đều cảm thấy mình có trách nhiệm lớn hơn. Muốn làm một việc gì cũng phải cân nhắc việc đó có ảnh hưởng thế nào tới gia đình, tới con cái mình. Còn bọn trẻ, chúng sẽ nhìn vào hành động của cha mẹ chúng để bắt chước và làm theo.

Kha Di

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]