5 "hiểm họa" khi đi giày cao gót thường xuyên

Nhờ tác dụng tôn dáng, giày cao gót khiến phụ nữ trở nên quyến rũ và hấp dẫn hơn, song nếu sử dụng thường xuyên, đôi chân của bạn có thể phải trả giá đắt.

15.6019
Theo PGS-TS Nguyễn Vĩnh Ngọc, Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai, bàn chân người có cấu trúc vòm khiến trọng lượng cơ thể được phân bổ đều trên cả diện tích bàn chân.
 
Tuy nhiên, khi dùng giày cao gót, cơ chế này bị phá vỡ do giày cao gót thường xuyên có sự chênh lệch đáng kể độ cao đế giày và mũi giày. Điều này khiến đôi chân có thể gặp một số vấn đề sau:
 
Mọc gai xương gót

Khi đi giày cao gót, gót chân luôn ở vị trí cao hơn đáng kể so với mũi bàn chân do đó luôn phải trực tiếp chịu sức nặng của cơ thể. Mô mềm gan bàn chân vốn có tác dụng như một giảm xóc cũng không chịu được tải trọng quá lớn dẫn đến tình trạng bị chấn thương kéo dài. Dần dần, xuất hiện hiện tượng gai xương gót, làm tổn thương vùng gót chân tăng lên đáng kể.

Biến dạng ngón chân

Mũi bàn chân – bộ phận phải chịu lực thứ hai sau cổ chân – đến lượt mình cũng phải hứng chịu phần đáng kể trọng lượng cơ thể, dẫn đến tình trạng thoái hóa sớm các khớp bàn chân, ngón chân và biến dạng khớp.
 
Nếu giày cao gót có thêm yếu tố mũi nhọn thì rất dễ dẫn đến hiện tượng vẹo ngón chân cái (ngón cái chồng lên hoặc quặp xướng dưới ngón bên cạnh) và biến dạng (hoặc thoái hoá) các ngón chân còn lại ở mức độ khác nhau.

Trên thực tế, nhiều người bị vẹo ngón cái do giày cao gót mũi nhịn không thể đi lại được do quá đau đớn đã phải phẫu thuật tạo hình lại ngón chân cái để phục hồi chức năng và vận động cho bàn chân.

Thoái hóa sớm khớp cổ chân, khớp gối

Theo PGS Nguyễn Vĩnh Ngọc, có tới 50% người Việt Nam có dị tật chân (chân chữ bát, chân vòng kiềng). Điều này đồng nghĩa với việc diện tiếp xúc các khớp gối bị thu hẹp.
 
Khi đi giày cao gót lâu ngày, các khớp phải làm việc liên tục trong khi diện tiếp xúc ít dẫn tới tình trạng khớp bị lỏng lẻo và thoái hóa sớm. Điều này cũng xảy ra với cả khớp cổ chân. Chính vì vậy, người hay đi giày cao gót thường gặp hiện tượng đau, mỏi gối và mỏi chân.

Tổn thương da bàn chân

Khi đi giày cao gót, mũi nhọn, các ngón chân bị chèn ép và cọ xát liên tục, do đó ở các vị trí tiếp xúc giữa ngón chân với giày, da có thể bị đỏ, rộp, trầy xước, thậm chí có phỏng nước. Lâu ngày, vùng da bị tổn thương không còn mềm mại mà trở thành các vết chai dày, cứng. Các vết chai thường gặp ở gót chân, các ngón chân, nơi tiếp xúc trực tiếp với giày.

Sưng phù chân

Không gian chật chội của những đôi giày cao gót mũi nhọn khiến máu lưu thông kém, vì thế bàn chân thường hay có hiện tượng phù, gây cảm giác đau đớn, khó chịu.
 
Để hạn chế bớt các tác hại của giày cao gót với sức khỏe đôi chân, bạn nên hạn chế tối đa việc đi giày quá cao. Chỉ đi giày cao gót trong thời gian ngắn trong các dịp lễ hội, tiếp đón chính thức, long trọng, đi đường. Còn khi đến cơ quan làm việc, nên đi giày mềm hay dép.
 
Không nên chọn giày quá chật, mà có độ ôm vừa phải, được làm từ các chất liệu tự nhiên, mềm mại để không gây cọ xát và kích ứng cho da vùng bàn chân. Phần đế giày không quá nhọn và dốc so với mũi giày. Chiều cao thích hợp của đế giày là từ 2 – 4cm, đường kính 3 – 5cm.
 
Theo Thời trang Trẻ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]