5 món ăn thuốc giúp thi tốt

Trong những ngày đi thi, các sĩ tử thường lâm vào tình trạng căng thẳng khiến cho việc ăn uống, ngủ nghỉ thất thường, thậm chí có em còn bị mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, chán ăn, chậm tiêu...

15.6061

(SKDS) -  Trong những ngày đi thi, các sĩ tử thường lâm vào tình trạng căng thẳng khiến cho việc ăn uống, ngủ nghỉ thất thường, thậm chí có em còn bị mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, chán ăn, chậm tiêu... Bởi vậy, việc lo cho con em có một đời sống tinh thần thoải mái và một chế độ ăn đủ chất, giàu dinh dưỡng và cân bằng là điều quan tâm của các bậc phụ huynh. Một số món dược thiện dưới đây có thể là những gợi ý rất hữu ích cho các em.

Bài 1: trứng chim cút 4 quả, hạt sen 15g, long nhãn 10g. Trứng chim luộc chín bỏ vỏ, hạt sen bỏ tâm, long nhãn rửa sạch. Tất cả cho vào nồi ninh trong 30 phút, chế thêm một chút đường phèn, ăn cái uống nước. Công dụng: kiện tỳ ích khí, dưỡng huyết an thần. Dùng cho những sĩ tử sắc mặt nhợt nhạt, mệt mỏi như mất sức, có cảm giác khó thở, mất ngủ, giấc ngủ hay mê mộng, dễ hồi hộp, trí nhớ giảm sút, chán ăn, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt... Trong bài, long nhãn và hạt sen là hai vị thuốc có công dụng dưỡng tâm an thần, phối hợp với trứng chim cút có tác dụng bồi bổ phủ tạng tạo nên tác dụng đặc thù của bài thuốc.

 Gà ác nấu nhân sâm bổ khí dưỡng huyết, tốt cho sĩ tử, người mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, hay hồi hộp.

Bài 2:

Canh đậu đỏ, đại táo: đậu đỏ 250g, đại táo 200g, đường phèn vừa đủ. Đậu đỏ ngâm nước qua đêm, hôm sau rửa sạch, để ráo. Táo ngâm nước lạnh 5 phút rồi rửa sạch bụi. Cho đậu đỏ vào nồi, nước đủ dùng, đun nước sôi sau hạ nhỏ lửa, nấu đến khi hạt đậu nứt đôi thì cho táo vào nấu chung. Khi hai thứ chín mềm thì cho đường phèn vào, nấu đường tan, nếm vừa ăn là được. Tác dụng: bổ trung ích khí, hoạt huyết, bổ huyết, trị hoa mắt chóng mặt, người bần thần, tứ chi mệt mỏi, lưng đau, ít ăn, khó ngủ, đau nhức cơ khớp, gối mỏi, sưng thũng. Phụ nữ sau kỳ kinh thường hay nhức đầu chóng mặt. Dùng tốt cho các sĩ tử trong và sau những ngày thi căng thẳng.

Bài 3: bạch chỉ 10g, bạch linh 30g, trần bì 8g, bán hạ chế 12g, ý dĩ 50g. Sắc bạch chỉ, bạch linh, trần bì và bán hạ trong nửa giờ rồi bỏ bã lấy nước ninh với ý dĩ thành cháo, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: khứ phong hóa đàm, giáng trọc chỉ thống. Dùng cho những người học nhiều dễ đau đầu, mình mẩy nặng nề, đầu choáng mắt hoa, ngực bụng đầy trướng, hay có cảm giác lợm giọng buồn nôn, đại tiện lỏng nát, rêu lưỡi trắng dày, miệng nhạt... Trong bài, bạch chỉ có tác dụng ôn táo trừ thấp, giảm đau và làm nhẹ đầu óc; bạch linh kiện tỳ trừ thấp, định tâm an thần; trần bì và bán hạ chế hành khí kiện vị, táo thấp hóa đàm; ý dĩ bổ tỳ, trừ thấp. Các vị thuốc phối hợp với nhau tạo nên công năng khứ phong hóa đàm, giáng trọc chỉ thống.

Bài 4:rùa 1 con khoảng 250g, bách hợp 30g, hồng táo 10 quả. Rùa làm thịt, bỏ mai, đầu và nội tạng, rửa sạch, chặt miếng; bách hợp rửa sạch, hồng táo bỏ hạt. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ trong 2 giờ, thêm gia vị, chia ăn vài lần trong 2 ngày. Công dụng: tư âm dưỡng huyết, điều bổ tâm thận. Dùng cho những sĩ tử hay đau đầu choáng mắt hoa, ù tai, lưng đau gối mỏi, môi khô miệng khát, tâm trạng bồn chồn bất an, lòng bàn tay, bàn chân nóng, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn đỏ...

 Bài 5:thịt gà ác 150g, nhân sâm 10g, nhung hươu 3g. Thịt gà rửa sạch thái mỏng, nhân sâm tán vụn, tất cả cho vào bát, chế nước vừa đủ rồi đem hấp cách thủy trong 3 giờ, thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: song bổ khí huyết, dưỡng huyết bổ não. Dùng cho những sĩ tử sức khỏe suy yếu, mệt mỏi nhiều, sợ lạnh, hay đổ mồ hôi cả khi thức lẫn khi ngủ, đầu choáng mắt hoa, tâm phiền bất an, ngủ kém hay mộng mị, dễ hồi hộp lo sợ. Trong bài, nhân sâm đại bổ nguyên khí, dưỡng tâm an thần; nhung hươu bổ nguyên dương, ích khí huyết, cường tinh tủy; thịt gà ác bổ dưỡng âm huyết, tăng tinh sinh tủy, điều dưỡng ngũ tạng. 3 vị phối hợp với nhau tạo nên công năng bổ dưỡng khí huyết, điều hòa âm dương, cải thiện chức năng các tạng phủ.

ThS.Hoàng Khánh Toàn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]