7 trò bé càng chơi càng thông minh

Những trò chơi hết sức đơn giản như gọi điện thoại, đoán đồ vật, đóng vai... nhưng sẽ kích thích trí tưởng tượng của trẻ, giúp bé phát triển trí thông minh ngay từ bé.

0

1. Chơi trò “đoán đồ vật” với con

Mẹ hãy lấy một con thú bông, giấu trong một cái túi và đố con đoán vật. Mẹ cũng đừng để con đoán mò đơn thuần, hãy cổ vũ, kích thích bé đưa ra câu trả lời bằng những gợi ý: “Đây có thể là gì nhỉ? Nó mềm lắm!”. Khi bé còn đang suy nghĩ, mẹ hãy bất ngờ tiết lộ đồ vật bị giấu: “Đây rồi! Là một con thỏ bông!”. Việc làm đó sẽ giúp tăng khả năng ghép nối những ý nghĩ tách biệt của bé.

Ngoài ra, hai kỹ năng quan trọng hơn nữa mà bé sẽ học được thông qua trò chơi này là: nhìn vào vật mà người khác đang chỉ và chỉ vào vật để làm người khác chú ý – đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển khả năng nhận thức của bé.

2. Gọi điện thoại

Đây là môt trò chơi vô cùng đơn giản. Mẹ hãy chuẩn bị 2 điện thoại đồ chơi cho mẹ và bé. Mẹ vừa đọc số điện thoại (khoảng 3 – 5 chữ số cho bé dễ nhớ) vừa ấn ngón tay lên bàn phím điện thoại để gọi cho bé. Sau đó mẹ bắt chước tiếng chuông kêu “reng reng”.  Hướng dẫn bé nhấc điện thoại nói “Alo, bé xin nghe” sau đó hai mẹ con tiếp tục nói chuyện. Những lần sau, mẹ có thể đổi vai và nên để bé tự bấm và gọi trước.

Trò chơi này giúp bé phát triển vận động ngón tay và phối hợp động tác giữa mắt và tay, nó cũng giúp bé tập dần với thói quen giao tiếp qua điện thoại và giúp bé sớm nhận diện được các mặt số.

Khi bé từ 2 tới 3 tuổi, các mẹ có thể cho bé dùng điện thoại thật để gọi cho người thân ở xa. Giai đoạn này mẹ có thể dạy bé nhận biết mặt số rồi cho con tự bấm số điện thoại để gọi điện nói chuyện. Mẹ có thể đọc chậm từng chữ số điện thoại của ông bà rồi hướng dẫn bé bấm số trên phím gọi điện.

3. Múc bóng


Trò múc bóng giúp trẻ vận động ngón tay và bàn tay (ảnh minh họa)

Mẹ hãy chuẩn bị 2 cái bát 1 to 1 nhỏ. Sau đó đặt một quả bóng vào bát to, dùng thìa múc bóng từ bát to sang bát nhỏ rồi múc ngược trở lại. Mẹ làm mẫu cho bé xem trước, khi bé đã thuần thục trò chơi này có thể cho bé cầm bát đổ bóng từ bát to sang nhỏ hoặc ngược lại. Trò chơi giúp phát triển vận động ngón tay và bàn tay, đồng thời, giúp bé học cách cầm thìa để chuẩn bị cho bé tự xúc cơm.

4. Vẽ tranh

Vẽ tranh cũng là một trong các trò chơi giúp trẻ thông minh. Trò vẽ tranh thích hợp nhất cho các bé 3 tuổi. Vẽ tranh không chỉ là trò chơi được rất nhiều bé yêu thích mà còn là một trò chơi giúp phát triển trí thông minh cho bé. Nó giúp bé phát huy trí tưởng tượng, nhận biết màu sắc, hình thành khả năng tư duy và phối hợp như quả cam có hình tròn, chiếc lá màu xanh. Không những thế bé còn có thể học tập và phân biệt được các hình khối đơn giản.

5. Trò chơi tìm kho báu


Trò chơi tìm kiếm kho báu là cách hữu ích để giúp trẻ vận động và khám phá những điều mới mẻ theo một cách chủ động (ảnh minh họa)

Trò chơi tìm kiếm kho báu là cách hữu ích để giúp trẻ vận động và khám phá những điều mới mẻ theo một cách chủ động. Bố mẹ có thể chơi với con những trò chơi tìm kiếm như: tìm màu phù hợp, nhận biết tên, nhận biết số, ghép bảng chữ cái…

6. Trò chơi vận động

Mẹ và bé có thể đi tới công viên, chơi đùa để bé có thể vận động nhiều hơn hàng ngày. Cả gia đình có thể cùng nhau chơi trò cúp bắt, đuổi nhau, chạy tìm chữ cái... hoặc đi dạo nhẹ nhàng cùng khám phá những điều thú vị trong công viên.

Khi quá bận rộn và không thể dắt con ra khỏi nhà, mẹ cũng nên nghĩ ra một vào trò chơi vận động trong nhà giúp bé có thể hoạt động nhiều hơn.

7. Trò chơi đóng vai

Trò chơi đóng vai khuyến khích bé tưởng tượng. Bé có thể giả vờ làm một bác sỹ và bố mẹ sẽ là bệnh nhân để chơi trò khám bệnh.

Ngoài ra bố mẹ cũng có thể cùng bé đóng vai người bán và người mua trong cửa hàng. Mẹ sẽ là người “đi chợ” mua hàng và khuyến khích con tham gia vào việc mặc cả, trả tiền…

Trò chơi đóng vai không chỉ giúp bé tưởng tượng tốt mà còn là một cách tuyệt vời để giúp bé phát triển vốn từ vựng, xây dựng những kỹ năng xã hội đơn giản.

Cuối cùng, mẹ cần nhớ trẻ con có sự chú ý cực kì ngắn. Chúng có thể chơi đất nặn trong 15 phút, chơi trò đóng vai 10 phút, đọc 2-3 cuốn sách và chạy hoạt động chơi ở bên ngoài… Vậy là trẻ đã có 45 phút chơi hết sức bổ ích trong ngày rồi. Mẹ đừng yêu cầu việc bé phải chơi như thế nào. Đôi khi việc chơi này có thể kéo dài hơn phụ thuộc vào sở thích của bé.

Hảo Min (tổng hợp)

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]