Bà mất, ông hay ngã, phải làm sao?

Bà nội tôi vừa qua đời, gần như lập tức ông tôi có nhiều biểu hiện mà người ta hay gọi là lú lẫn, nhưng điều lo lắng nhất là ông hay té ngã hơn.

15.5864

Liệu có liên quan gì giữa "cú sốc tâm lý" với chuyện té ngã của ông.

Quỳnh Hoa (Đắk Lắk)

Người có tuổi nên tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp thể trạng - Ảnh: N.C.T.

Vì sao hay té ngã?

Tuổi tác phân định sự khác biệt sức khỏe của con người. Sau tuổi 65, chức năng sinh lý của cơ thể lão ông có nhiều điểm khác biệt so với lão bà. Khoa học đã xác định được những khác biệt giữa hai phái trong cách đáp ứng với những căng thẳng đời sống, trong bệnh lý hay mức độ đáp ứng với thuốc điều trị.

Stress trong đời sống vô cùng đa dạng: sức khỏe (bệnh tật), tình cảm (người thân yêu hay bạn bè mất, vợ bệnh hay gặp tai nạn, chia xa con cái, thậm chí là từ bỏ một thói quen hay thú tiêu khiển, kinh tế khó khăn, chuyển chỗ ở...). Người già là nữ sau tuổi 60, nam sau 65 tuổi, phản ứng với những stress hoàn toàn khác nhau.

Stress tác động lên ông không hề nhẹ hơn bà không chỉ bởi khác biệt sinh lý mà còn bởi vị thế xã hội - gia đình của ông trước đây làm ông khi đối diện với stress ở tuổi răng long đầu bạc thường khó khăn hơn.

Nhóm người có nguy cơ té ngã nhiều nhất là những người có bệnh mãn tính, huyết áp hay đường huyết dao động tăng hoặc giảm, mới qua cơn bệnh, đang có vấn đề lo lắng.
Ở người có tuổi, sợ nhất là té ngã gãy xương. Y học ghi nhận khi có stress người có tuổi dễ té ngã hơn người không bị stress. Các ông té ngã vẫn nhiều hơn các bà dù là gặp kiểu stress nào. Càng có nhiều stress càng dễ té.

Stress làm kích hoạt đáp ứng nội tiết - thần kinh, giải phóng hormone chống stress dễ gây té ngã và những bất lợi khác cho sức khỏe. Ngoài ra, những xúc cảm "bất thình lình" còn làm mất cân bằng, thay đổi thị giác góp thêm vào những lần té ngã của các cụ.

Chăm sóc

Bản thân người già cũng rất sợ té do cơ teo dần theo tuổi tác kéo theo sức cơ hoặc độ mạnh của cơ giảm rõ rệt, kém thăng bằng hay do lo lắng. Ngoài ra cảm giác sợ té ngã, linh cảm té ngã cũng là một vấn đề nên được quan tâm thay vì bỏ qua như trước đây.

Những người thường có cảm giác mình dễ té lại bị té nhiều hơn. Vì vậy khi chăm sóc người có tuổi, người thân và nhân viên y tế đừng bỏ qua chi tiết tự cảm nhận dễ té của họ và ghi nhận lần té ngã trước đó. Dù thuộc nhóm có nguy cơ té hay không, người ít cảm nhận mình té trên thực tế lại ít té hơn những người không cảm thấy có thể té.

Phần đông họ là những người có cái nhìn tích cực về cuộc sống, thường xuyên hoạt động thể chất và tham gia sinh hoạt cộng đồng. Tư vấn trao đổi nhắm đến hỗ trợ tâm lý, tập vận động sẽ giúp người cao tuổi giảm thiểu té, thậm chí bớt sợ té ngã giúp họ tự tin hơn. Những can thiệp tưởng như bình thường này lại có ý nghĩa tích cực: giảm được số lần té ngã thật sự.

Bài tập vận động nào cũng đều có lợi cả hai mặt: giảm cảm giác sợ té lẫn nguy cơ té. Khi tập luyện, người già cải thiện được khả năng thực hiện công việc hằng ngày, gia tăng hoạt động tinh thần như sự chú ý và ghi nhớ, củng cố sức cơ và độ mạnh của cơ, từ đó cải thiện khả năng cân bằng tư thế, về lâu dài sẽ tăng hiệu năng của tim và mạch máu.

Bất kỳ loại hình tập luyện nào, cường độ tập và thời gian tập ra sao cũng đều có lợi. Chỉ một lưu ý là các bài tập phải phù hợp với tình trạng sức khỏe. Chẳng hạn, riêng đối với người thể chất yếu hoặc không cảm thấy thoải mái khi vận động, khuyến khích tập 15 hay 20 phút, được bao nhiêu cũng đã là tốt hơn, không nhất thiết phải cố đạt cho được chuẩn 45 phút mỗi ngày.

Hay, người già thường yếu chân, đau hai gối khiến đi bộ nhẹ nhàng cũng rất khó khăn, dễ khiến bỏ cuộc giữa chừng. Họ có thể đứng tập tại chỗ (như tập dưỡng sinh, múa gậy), tập ở tư thế ngồi (trên ghế tựa) hay tập trên giường... vẫn đảm bảo lợi ích như khi đi bộ.

Ngoài ra, cú sốc tâm lý vì mất người thân yêu cũng sẽ nguôi ngoai phần nào nếu trong gia đình thường xuyên có người trò chuyện với các cụ, các cháu quây quần vui đùa với ông bà.

AloBacsi.vn
Theo BS Lê Tuyết Hoa - Tuổi trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]