Bản lĩnh trẻ: Thầy Khắc Hiếu - đừng trả giá đắt để nổi tiếng

Ranh giới giữa hai phạm trù này ngày càng rút ngắn do sự thiếu nhận thức của một bộ phận người trẻ hiện nay.

15.5981

Sau Trần Hùng John, hôm nay, trường quay Tiin với chủ đề Bản lĩnh trẻ sẽ chào đón một nhân vật rất đặc biệt và có sức ảnh hưởng lớn đến giới trẻ hiện nay. Người luôn mang đến những tràng cười sảng khoái bởi lối nói chuyện cuốn hút, hài hước; người đã cho ra đời những bộ ảnh, những clip giáo dục sâu sắc và ý nghĩa. Nhân vật đặc biệt ấy không ai khác chính là thầy giáo, Thạc sĩ Tâm lí Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu.

Ngoài những chia sẻ bổ ích xoay quanh chủ đề Bản lĩnh trẻ, thầy Khắc Hiếu còn bật mí nhiều thông tin cá nhân thú vị, đặc biệt là con đường đến với nghề giáo.

Cùng trò chuyện với thầy Khắc Hiếu.

Nhiều bạn trẻ nhầm lẫn giữa tai tiếng và nổi tiếng

Thầy nhận định thế nào về giới trẻ hiện nay?

Từ xưa đến nay, nhu cầu khẳng định bản thân thời nào cũng có. Tuy nhiên, cách thể hiện sẽ khác vì ngày nay các bạn có thế giới mạng. Chỉ với 1 cú click chuột, các bạn có thể thể hiện mình trước cả ngàn người, thậm chí cả triệu người. Chính vì thế, chưa bao giờ nhu cầu thể hiện mình lại bùng cháy mạnh mẽ và khát khao như bây giờ, đây cũng là mấu chốt làm nảy sinh nhiều vấn đề hơn.

Một số bạn trẻ ngày nay thể hiện bản lĩnh của mình một cách ấn tượng, bên cạnh đó cũng có khá nhiều bạn chọn cách thể hiện gây sốc.

Hậu quả của việc thể hiện mình bằng cách gây sốc có lẽ ai cũng đã nhìn thấy. Tuy nhiên, với những người trong cuộc thì họ coi đó là thành công. Theo thầy, đây có phải là sự ngộ nhận không?

Có lẽ các bạn đang nhầm lẫn giữa 2 chữ: nổi tiếng và tai tiếng. Đằng nào cũng có nhiều người biết đến cả, nhưng một bên là được biết đến với thái độ được trân trọng, một bên lại được biết đến với thái độ mỉa mai, khinh thường.

Vì chưa phân biệt được 2 điều này mà nhiều bạn trẻ sẵn sàng để nhiều người biết đến mình theo nghĩa tai tiếng.

Các bạn trẻ ngày nay rất thông minh. Họ thừa biết rằng mình nổi tiếng, dù sự nổi tiếng ấy được đánh đổi bằng tai tiếng. Mà một khi đang nổi tiếng theo cách đó thì tại sao họ phải dừng lại? 

Những bạn trẻ chấp nhận việc bị ném đá để nổi tiếng thì giá trị sống của các bạn ấy đang bị lệch lạc chút xíu rồi. Có nhiều bạn lợi dụng sự tai tiếng đó để thu hút sự chú ý từ người khác rồi đột ngột thay đổi hình tượng. Khi ấy, từ ném đá, những bạn trẻ này sẽ nhận được sự thông cảm từ người khác và nghiễm nhiên chuyển từ tai tiếng sang nổi tiếng.

Mỗi cư dân mạng online là một kênh truyền thông

Người trẻ ngày nay mắc nhiều căn bệnh “dễ”: dễ yêu, dễ mến, dễ quên,… Thầy có nghĩ rằng vì nghĩ người khác dễ quên mà nhiều bạn trẻ đã chọn cách nổi tiếng bằng những scandal?

Trong thực tế, không phải cái gì cũng đến nhanh rồi qua nhanh. Cha ông ta có câu: “Ngàn năm bia đã cũng mòn/Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ". Mặc dù nói quên nhưng người ta vẫn còn nhớ trong tiềm thức. Khi gặp những nhân vật đó thì tiềm thức sẽ sống dậy, họ sẽ nhớ những scandal mà bạn đã làm để nổi tiếng trong quá khứ.

Thầy đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong việc nổi tiếng của giới trẻ?

Truyền thông ở đây không chỉ là báo chí mà còn là mạng xã hội và những người tham gia mạng xã hội ấy. Việc bấm nút “like” quá dễ khiến nhiều bạn trẻ nghĩ rằng họ nhận được sự hưởng ứng từ nhiều người khác và họ sẽ cởi nhiều hơn, ra nhiều clip hơn. Khi ấy, chính chúng ta cũng là một kênh truyền thông.

Là một cư dân mạng online, chúng ta phải ý thức được những điều đó, phải tránh xa những clip xấu và thông tin đen.

Làm cách nào thầy có thể tiếp cận được với cuộc sống và nắm bắt được tâm lí của những người trẻ?

Nói về việc nắm bắt tâm lý của những người trẻ thì hơi quá sức (cười).

Theo tuổi thì mình nghĩ mình đã không còn trẻ lắm, việc còn giữ được sự trẻ trung thứ nhất là do mình thường xuyên tiếp xúc với các bạn trẻ và thứ 2, mình cũng suy nghĩ là, một người thầy giáo mà lúc nào mình cũng uy nghiêm quá thì điều đó sẽ tạo ra khoảng cách rất lớn. Vì vậy mình đã hóa thân để thân thiện hơn với các bạn trẻ.

Người trẻ trước tai tiếng

Vì quá tự tin vào bản thân mình mà nhiều bạn khi nhận được một luồng dư luận trái chiều, họ sẽ lập tức phản ứng lại ngay. Đó có phải là một hành động khôn ngoan không, thưa thầy?

Trước tiên, bản thân mỗi người nên nhìn nhận điều mình làm là điều gây sốc hay là điều cải tiến. Chúng ta xem xét dựa vào kết quả của nó. Nếu kết quả chỉ mang lại cho chính bản thân chúng ta nhưng bị cộng động lên án thì khi đó, chúng ta đang làm ảnh hưởng đến người khác. Vì vậy, chúng ta phải tự điều chỉnh bản thân của mình nếu không sẽ bị tẩy chay, đào thải.

Khi dư luận phản ứng, nhiều bạn trẻ lại xù gai nhím lên và phản bác lại một cách gay gắt. Thay vào đó, khi bị ném đá, hãy đứng ra xin lỗi và xin phép sửa. Khi đó, cộng đồng mạng sẽ nhìn nhận đây là một con người biết tiếp thu và họ sẽ không còn lí do gì để ném đá nữa.

Nhiều bạn trẻ sẵn sàng chào đón những cục đá lớn hơn, bởi sau những cục đá này sẽ là sự nổi tiếng lớn hơn. Có cách nào để xóa bỏ quá trình lặp đi lặp lại này không thưa thầy?

Nếu việc cố tình phản ứng mạnh mẽ để chào đón những cục đá lớn hơn thì khi đó, các bạn trẻ đã có động cơ rồi, để thay đổi tư tưởng của những bạn này thường rất khó và chỉ có pháp luật mới răn đe được. Trong trường hợp họ không muốn nhưng họ đã lỡ làm như thế thì chúng ta dễ dàng khuyên nhủ hơn.

Con đường để thực hiện ước mơ

Thầy đã thực hiện ước mơ trở thành nhà giáo tâm lý của mình như thế nào?

Ước mơ trở thành nhà giáo tâm lý xuất hiện từ năm lớp 9. Trong quá trình thực hiện cũng gặp khá nhiều trắc trở. Tuy nhiên, khi chúng ta tin rằng ở cuối con đường sẽ đạt được mục đích của mình thì dù có nhiều ngã rẽ chúng ta vẫn vượt qua được.

Thầy có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ muốn thực hiện ước mơ theo những con đường bị người đời phản đối?

Trong quá trình thực hiện ước mơ, điều quan trọng không phải là rẽ hay không rẽ, mà chúng ta cần có niềm tin vào điều mình mong muốn thực hiện. Chúng ta hình dung được mình sẽ đi đâu, làm gì và từ con đường đi đó mới vạch ra được từng bước đi của mình. Trên những bước đường ấy, chúng ta phải làm sao để không hại người này, không làm người kia đau đớn hay bị ảnh hưởng, và mang đến được những giá trị cho những người khác thì khi đó, con đường chúng ta chọn mới thật sự là con đường tốt.

Làm thế nào để các bạn trẻ thực hiện ước mơ bằng chính năng lực của mình chứ không phải là “đốt cháy giai đoạn”?

Trong cuộc đời chuyện gì cũng có cái giá của nó, có người mua thành công bằng công sức, có người mua bằng tài năng hoặc có người mua bằng nhân phẩm của chính bản thân mình. Chúng ta lấy cái gì để mua thì cái đó sẽ đánh giá giá trị sống của chúng ta.

Có thể nếu mua thành công bằng công sức thật sự có thể lâu hơn một chút nhưng trên đường đi đó chúng ta được phát triển, được có thêm kinh nghiệm. Nếu phải trả giá bằng cả nhân phẩm của bản thân thì đó là cái giá quá đắt.

Trò chơi trí tuệ cùng thầy Khắc Hiếu

Với trò chơi này, thầy Hiếu muốn gửi gắm thông điệp rằng: khi thực hiện một điều gì đó, bạn phải biết đang làm gì. Tiếp theo đó là phải vạch ra những chiến lược cụ thể để cố gắng đạt được mục tiêu cuối cùng.

Cùng đón xem những chia sẻ hết sức thú vị của các khách mời Bản lĩnh trẻ tại đây!

Chương trình được thực hiện bởi Báo Đất Việt tại Trường quay Tiin.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]