Bàn về Cách xưng hô trong gia đình

Cách xưng hô trong một số gia đình hiện nay thường không thống nhất, đôi khi tuỳ tiện, thiếu chuẩn mực. Điều tưởng như nhỏ ấy lại là một trong những nguyên nhân làm cho quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo, thiếu bền vững. Hậu quả tất yếu xảy ra sau đó là các quan hệ gia đình bị phá vỡ và các hậu quả xấu thì hết sức khó lường.

15.6074

Trong gia đình Việt Nam truyền thống, quan hệ xưng hô là một trong những nét đặc trưng, không kể đó là miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, miền xuôi hay miền ngược. Các thế hệ sống chung dưới một mái nhà với các mối quan hệ như: ông bà - cha mẹ ; ông bà - cháu; cha mẹ - con cái; anh chị em với nhau... với cách xưng hô tương ứng đã tạo nên một lối hành xử bất thành văn nhưng được đảm bảo thực hiện bằng bổn phận và trách nhiệm. Đây được xem là “luật pháp” của gia đình mà ta thường gọi là gia pháp, gia phong hay gia giáo. Truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “trên kính dưới nhường”, “gọi dạ bảo vâng”, qua những cách xưng hô thể hiện tính trật tự, văn hoá và điều đó tạo nên sự bền vững trong cơ cấu của gia đình. Đất nước có luật pháp, gia đình có gia pháp, có như vậy mới giữ được nếp nhà, truyền thống đạo lý của dân tộc, ổn định xã hội, đất nước.

 

Ngày nay, khi mà mô hình gia đình ngày càng có xu hướng hạt nhân hoá mạnh, thì cơ cấu gia đình cũng có sự thay đổi nhanh chóng và theo đó là quan hệ trong gia đình cũng thay đổi. Gia đình hạt nhân với cơ cấu có hai thế hệ là vợ chồng và con, đã tỏ ra thích nghi với xu thế xã hội mới, các thành viên ít chịu sự “giám sát” lẫn nhau, mặt khác sự năng động để thích nghi với môi trường xã hội luôn tạo cho các thành viên sự tự do theo cả nghĩa chủ quan và khách quan. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực của mô hình gia đình hạt nhân, đã bộc lộ những nét khiếm khuyết. Một trong các mặt hạn chế đó là quan hệ xưng hô giữa các thành viên với nhau đã “có vấn đề”, chính điều này đã tạo ra sự lỏng lẻo trong quan hệ gia đình. Trong quan hệ vợ chồng đã có sự thay đổi trong động từ nhân xưng một cách phong phú và đa dạng hơn, đôi khi còn mang tính tuỳ tiện, thiếu chuẩn mực. Tôi đã chứng kiến hai vợ chồng hàng xóm nọ, sau một hồi khẩu chiến đã lôi ra hết các “mỹ từ” trút lên nhau, điều nguy hiểm là họ đã công khai chỉ trích nhau ngay trước mặt đứa bé, họ đâu nghĩ rằng những từ ngữ đó sẽ in đậm trong đầu óc đứa bé sau này. Trong quan hệ vợ chồng đã vậy, quan hệ cha mẹ - con cái, anh em còn phức tạp hơn, họ gọi nhau là “mày, tao; đồ này, đồ nọ...”, chính những ngôn từ đó đã làm cho đứa trẻ khi ra ngoài xã hội, khi ứng xử đã trở nên thiếu tính mềm mỏng, thô lỗ, cục cằn và chống đối.

 

Chúng ta không hoàn toàn bi quan khi đề cập đến vấn đề này, nhưng rõ ràng nếu thiếu tế nhị trong giao tiếp, xưng hô trong gia đình, thì từ các vấn đề tưởng như vô hại ấy sẽ trở thành một tiền lệ gây tác hại không nhỏ trong đời sống gia đình xã hội, nhất là thế hệ trẻ sau này.

 

Đi tìm nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục hiện tượng trên đã có nhiều ý kiến khác nhau, theo tôi lý do cơ bản là do cơ cấu gia đình thay đổi. Trước đây, trong gia đình có nhiều thế hệ nên trong cuộc sống các chủ thể có sự quan tâm chăm sóc nhau; ông dạy cháu khi cha mẹ đi vắng, anh bảo em... Tóm lại thời gian mà các thành viên dành cho nhau nhiều hơn, một cách thường xuyên hơn, mặt khác các chuẩn mực lễ giáo vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến các quan hệ trong gia đình. Ngược lại, trong tình hình kinh tế xã hội mới với xu hướng hạt nhân hoá gia đình cộng với các quan niệm chuẩn mực mới về lối sống đạo đức... nên trong một chừng mực nào đó, đã làm thay đổi các nề nếp, truyền thống nói trên.

 

Các nhà xã hội học cho rằng: Không nên đỗ lỗi cho hoàn cảnh xã hội, cái chính là mỗi chúng ta phải nhận thức được vấn đề và tìm cách khắc phục các vấn đề trên một cách hợp lý. Trước hết nên có cách giáo dục con cái đúng đắn, mặt khác nên dành thời gian quan tâm đến nhau nhiều hơn, đặc biệt nên tự xem xét lại mình trong mọi hoàn cảnh sinh hoạt thì vấn đề sẽ đơn giản hơn nhiều.

 

Xây dựng cơ cấu gia đình bền vững bao gồm nhiều yếu tố, nhưng rõ ràng quan hệ xưng hô trong gia đình là một yếu tố rất quan trọng, vì thông qua đó chúng ta có thể dạy bảo con cái biết lễ phép, kính trọng, tuân thủ các chuẩn mực xã hội, còn mỗi chúng ta sẽ tự hoàn thiện mình hơn. Đồng thời, thông qua cách xưng hô trong gia đình, chúng ta có thể đánh giá một gia đình có nề nếp, gia phong hay một con người có văn hoá khi ra ngoài xã hội, làm tốt từ những việc tưởng như nhỏ đó cũng sẽ góp phần xây dựng một đời sống văn hoá mới trong gia đình và cộng đồng xã hội.

 

Theo Cao Quốc Kỳ

(Tạp chí Gia đình & Trẻ em)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]