Bao dung, độ lượng

Chín năm trôi qua, tôi chưa một lần được gặp lại thầy nhưng ấn tượng về một thầy hiệu trưởng khoan dung, nhân từ, độ lượng và dạy rất giỏi môn vật lý thì không bao giờ phai nhạt trong trái tim tôi. Đó là thầy Nguyễn Ngọc Ánh (Trường THCS xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn - tỉnh Bình Định).

15.6228
Thầy có dáng người ốm, cao, khuôn mặt sáng và một đôi mắt nhân từ, thỉnh thoảng đôi mắt ấy như nhìn thấu vào tâm can bọn học trò chúng tôi, làm cho những đứa phạm tội run cầm cập, tuy thầy chưa hề nói gì cả. Tôi nhớ như in, năm tôi học lớp chín, trong giờ giải lao tiết vật lý của thầy, khi bước vào lớp bất ngờ tôi phát hiện cuốn nhật ký trong cặp của tôi bị một bạn trai ngồi bàn bên cạnh mở ra đọc ngấu nghiến. Cơn giận trong người tôi sôi lên, tôi giật cuốn nhật ký và quăng nó bay vèo, vừa lúc thầy hiệu trưởng bước vào lớp, thầy tránh không kịp và hậu quả như thế nào chắc các bạn cũng đoán ra. Lúc này, không chỉ riêng tôi mà cả lớp đều ngơ ngác, cảm giác vừa sợ vừa lo. Tôi đứng lặng như trời trồng, còn người bạn bên cạnh tôi thì run như cầy sấy. Chúng tôi đang đợi lệnh phán xử của thầy. Thầy nhẹ nhàng sửa lại gọng kính và đến bên bàn giáo viên, ổn định lớp, cho lớp vào học tiếp bài như không có việc gì xảy ra. Trong suốt tiết học hôm đó, người tôi nóng ran, một cảm giác ân hận, xấu hổ bao trùm lấy tôi, đầu tôi đảo lộn với bao ý nghĩ. Tôi phải làm sao đây nếu ba mẹ của tôi biết được chuyện này? Tôi phải trả lời với thầy chủ nhiệm như thế nào về việc sổ đầu bài bị điểm kém? Điều tôi lo lắng nhất là tôi bị kiểm điểm trước cột cờ giữa hàng hàng lớp lớp học sinh. Chắc tôi độn thổ quá. Nhưng tất cả những điều ấy cũng không bằng sự xúc phạm mà tôi gây cho thầy, cho dù là tôi không cố ý. Và hình ảnh cô học trò ngoan hiền trong mắt thầy chắc sẽ không còn nữa. Buổi học kết thúc, các bạn đi về hết, tôi vẫn ngồi lại trong lớp, tôi quyết định đi gặp thầy hiệu trưởng. Như đã đoán được suy nghĩ của tôi, thầy ngồi trong phòng giáo viên đợi. Tôi rón rén bước vào chào thầy, thầy nở một nụ cười hiền hậu đón tiếp tôi, điều đó càng làm tôi hối hận hơn và nó theo mãi tôi trong nhiều năm trời mỗi khi nhớ về thầy. Thầy bảo tôi ngồi xuống ghế và rót nước cho tôi uống (trời! Tôi đâu đáng được đối xử như vậy), lúc này tôi bật khóc - tôi khóc vì cảm động, vì hối hận. Thầy xoa đầu tôi, vỗ về an ủi tôi như người cha đối với đứa con thơ. Thầy bảo: “Thầy hiểu tất cả, con không phải nói gì đâu”. Và thầy kể cho tôi nghe câu chuyện ngày xưa thầy cũng nóng tính, không làm chủ hành động của mình để dẫn tới hậu quả xấu như thế nào. Và thầy đã đúc kết được những gì qua lần sơ suất đó. Thầy còn kể cho tôi nghe biết bao câu chuyện về cách ứng xử, rèn luyện làm người. Thầy khẳng định rằng: Thầy tin sau chuyện này, tôi sẽ có cách hành xử khéo léo hơn và sẽ được nhiều người thương mến hơn. Dòng đời cuốn tôi đi bao ngả, tôi từ giã mái trường tuổi thơ, giã từ thầy, nhưng tấm lòng khoan dung, độ lượng của một thầy giáo già với khuôn mặt hiền lành, phúc hậu, mái tóc hoa râm thì không bao giờ nhòa trong ký ức của tôi. Bài học về cách tự kiềm chế, về cách ứng xử với mọi người của thầy luôn là hành trang cho tôi trên mỗi bước đường của cuộc sống.
Hộp thư Cuộc thi viết về người thầy mang tên “Người thầy của tôi” do Báo Người Lao Động phối hợp với Công ty Cổ phần May Nhà Bè tổ chức nhận bài đến hết ngày 15-4-2008. Địa chỉ nhận bài dự thi: Tòa soạn Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, Q.3 - TPHCM; Fax: (08) 9304707; e-mail: [email protected] (ngoài bì thư ghi: Bài dự thi “Người thầy của tôi”).

Mời bạn đọc xem chi tiết trên Người Lao Động online (www.nld.com.vn).

Trương Thị Bích Vân (Trường Đại học KHXH&NV TPHCM)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]