Bảo dưỡng phanh đĩa giúp phanh làm việc hiệu quả hơn, lâu mòn hơn, an toàn và tiết kiệm hơn.

Theo Autocarvietnam

15.5986

Trong quá trình sử dụng xe, bụi bẩn hay bùn đất có thể chui vào bên trong các ngóc ngách của hệ thống phanh. Nếu để lâu ngày, nhiều chi tiết có thể bị gỉ sét, kẹt cứng làm ảnh hưởng đến hoạt động của phanh, gây nên những sự cố mà bạn không thể lường trước. Bảo dưỡng là việc cần phải được tiến hành thường xuyên để đảm bảo hệ thống phanh luôn hoạt động tốt. 


Phanh đĩa cần được bảo dưỡng định kỳ, thậm chí ngay sau một chuyến đi lội bùn.

Chi tiết quan trọng của bộ phanh đĩa là các giá đỡ phanh, có chức năng chuyển áp suất dầu từ hệ thống phanh thành năng lượng cơ khí để hãm bánh xe bằng cách áp má phanh vào đĩa phanh. Sự an toàn của những người ngồi trên xe phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của bộ giá này, cho dù xe được trang bị hệ thống phanh đĩa trên cả 4 bánh hay chỉ ở bánh trước.

Việc bảo dưỡng bộ giá đỡ phanh có thể được thực hiện đồng thời khi má phanh đĩa được thay thế do đã bị mòn đến giới hạn khuyến cáo. Tuy nhiên, các chủ xe có thể tự đánh giá tình trạng làm việc của xe để điều chỉnh việc này, chẳng hạn như xe thường xuyên đi offroad, dã ngoại, lội nước… thì có thể bảo dưỡng thường xuyên hơn, thậm chí sau mỗi chuyến đi lội bùn lầy ngay bị ngập nước biển.


Cẩn thận kẻo làm hỏng cảm biến.

Thông thường, bạn cần mang xe đến một gara uy tín để bảo dưỡng hay sửa chữa xe, nhưng bảo dưỡng phanh đĩa là việc khá đơn giản và nhiều người có thể tự làm được nếu muốn. Quy trình tiến hành như sau:

1. Để cần số ở chế độ P (số tự động) hoặc cài số 1 (xe số sàn) để xe không bị dịch chuyển trong quá trình thao tác. Vặn lỏng các ốc bánh xe ra, khoảng ¼ - ½ vòng ren. Tiếp đó, dùng kích nâng bánh xe lên hẳn rồi tháo bánh xe ra khỏi xe.

2. Tháo các con ốc phía sau bộ giá phanh, nơi bắt hệ thống phanh vào xe. Bạn có thể phải sử dụng một chiếc cờ-lê chuyên dùng để tháo phanh. Rút chốt cắm của hệ thống cảm biến độ mòn (nếu có). Nhấc bộ giá đỡ ra khỏi đĩa phanh rồi tháo các má phanh.

3. Rút các suốt trượt (có chức năng định vị bộ giá đỡ ở bên ngoài đĩa phanh, nhưng vẫn có thể trượt linh động theo chiều ngang). Khi tất cả các bộ phận đã được tháo rời, đặt tất cả chúng vào một chiếc khay lớn hay vị trí sạch sẽ.

4. Vệ sinh giá đỡ phanh và bộ cùm đỡ má phanh bằng dung dịch vệ sinh phanh chuyên dụng hoặc dùng nước sạch với xà phòng. Nhẹ nhàng khi vệ sinh các chi tiết bằng cao su hay nhựa. Lau sạch sẽ gỉ sắt hay bụi bẩn trong tất cả các ngóc ngách, các rãnh hay khe của bộ giá đỡ. Chú ý không để dầu mỡ bám vào đĩa phanh, mà chỉ vệ sinh đĩa phanh bằng nước sạch với xà phòng. Má phanh thì có thể dùng giấy nhám để cọ sạch. Chú ý vệ sinh cả lớp chống ồn được dán bên ngoài một bên má.


Cặn bẩn có thể gây trục trặc cho phanh.

5. Vệ sinh suốt trượt rồi bôi mỡ vào chi tiết này. Đưa các chốt trượt vào lỗ rồi thử kiểm tra độ trơn trượt một cách nhẹ nhàng.

6. Lắp lại các chi tiết theo quy trình ngược lại với lúc tháo ra, nghĩa là chi tiết nào tháo sau cùng sẽ được lắp trước. Cụ thể là đặt bộ cùm vào, rồi các má phanh, lắp bộ giá phanh vào xe rồi bắt và siết chặt lại các ốc, cắm lại đường dây của hệ thống cảm biến.

7. Lắp lại bánh xe vào và vặn êm các ốc cho đến khi vừa đủ chặt. Hạ kích để cho bánh xe chạm xuống nền và cuối cùng là siết chặt lại các ống bánh xe.

Quá trình thao tác có thể mất vài giờ đồng hồ, nhưng đổi lại chiếc xe của bạn sẽ được an toàn hơn và bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn trong những hành trình tiếp theo.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]