Bất ngờ với khu nhà VIP dành cho giáo viên ở vùng xa

15.5995

Tại những ngôi trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh An Giang, các giáo viên đang được sinh hoạt trong ngôi nhà công vụ đẹp và đầy đủ tiện nghi như khách sạn.

Lâu nay, với trị giá bình quân 30 triệu đồng, mỗi căn mái ấm công đoàn dành cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, chỉ có thể xem là tạm được. Thế nên, khi nghe ông Võ Văn Khanh – Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh An Giang – giới thiệu về mái ấm công đoàn chẳng thua gì khách sạn, tôi không giấu được nụ cười hoài nghi. Và, ông Khanh đã cho tôi một lần mắt thấy tai nghe để hết cười kiểu đó.

Bất ngờ

Trước mặt tôi là căn nhà ở tập thể dành cho giáo viên tọa lạc tại xã Cần Đăng, huyện Châu Thành. Nếu không nắm thông tin từ trước, tôi cứ tưởng đây là những khu nhà nghỉ VIP dành cho khách trọ không thích chốn bình dân.

Cười thân thiện đón khách, thầy Lê Tấn Đạt (giáo viên trường THCS Cần Đăng) giới thiệu: “Toàn ngôi nhà có diện tích 120m2, gồm một khoảng sân, 3 phòng ở (mỗi phòng bố trí 4 giáo viên vào ở), bếp ăn và khu sinh hoạt tập thể. Trong mỗi phòng có thiết kế sẵn 4 tủ âm tường bằng chất liệu nhôm kính. Mỗi căn nhà như thế này có giá trị xây dựng dao động từ 550-750 triệu đồng”.

Thầy Đạt quê ở huyện chợ Mới. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Sinh (đại học An Giang), thầy được phân công về dạy học ở Cần Đăng. Do còn người em nhỏ đang học ở  thành phố Long Xuyên (An Giang), nên hai anh em cùng thuê trọ sống ở đó, rồi mỗi ngày, thầy phải đi 80 cây số đường đến lớp.

“Đường xa, mưa nắng thất thường nên nhiều hôm đi dạy về, vừa mệt vừa phải chịu thêm cảnh ngột ngạt trong phòng trọ chật chội, xuống cấp, khiến tôi gần như phát điên. Đến năm 2012 thì tôi được chuyển đến ở nhà này. Ban đầu, tui cứ nghĩ, ngôi nhà chắc cũng giống như bao khu ký túc xá khác, nhưng khi thấy mới giật mình, vì nơi ở mới rất khang trang và đầy đủ tiện nghi” – thầy Đạt chia sẻ.

Sau 2 năm dọn về nơi ở mới, thầy Đạt đã tiết kiệm được hơn triệu đồng tiền xăng và thuê nhà trọ mỗi tháng. “Chỗ ở coi như miễn phí, còn tiền điện, nước mình chia ra, hết thảy mỗi tháng khoảng 200.000 đồng, tính ra mỗi người chỉ đóng khoảng 20.000 đồng. Điều quan trọng nhất là việc đi lại đã thuận tiện hơn trước rất nhiều, tôi có thể dành thêm nhiều thời gian cho các hoạt động ngoại khóa của trường”.

Tại trường THCS Lương An Trà (huyện biên giới Tri Tôn, An Giang), tôi gặp cô Nguyễn Thị Kim Hồng, cũng quê ở huyện Chợ Mới. Năm 2012, cô về trường THCS Lương An Trà nhận công tác và được bố trí ở trong một căn nhà tập thể xuống cấp, nhà vệ sinh lại hỏng, những đêm khuya, nhiều lúc đi vệ sinh phải… rủ thêm mấy đồng nghiệp.

Khi được Liên đoàn lao động tỉnh đầu tư xây nhà mái ấm công đoàn cho tập thể giáo viên, ai cũng phấn khởi. Nhưng ban đầu mọi người chỉ tưởng ngôi nhà đơn giản, đến khi bàn giao nhà, ai cũng bỡ ngỡ, cứ tưởng là khách sạn.

Cô Hồng hạnh phúc: “Bây giờ nhà ở có đầy đủ điện, nước, vệ sinh riêng, nên rất thuận tiện cho giáo viên. Nhiều hôm đi dạy về mệt mỏi, nhưng nhìn thấy chỗ ở khang trang, tươm tất, chị em chúng tôi cũng thấy nhẹ nhõm. Ở vùng sâu, vùng xa mà có được nhà ở ngon lành thế này thì chúng tôi yên tâm công tác”.

Khi công đoàn xây tổ ấm cho nhà giáo

Về gốc tích của những căn nhà tập thể, ông Khanh kể, năm 2007, Liên đoàn lao động tỉnh An Giang thực hiện cuộc vận động đóng góp cho quỹ Mái ấm công đoàn trong tình cảnh rất khó khăn, chủ yếu do đời sống của công nhân viên còn bấp bênh, cơm ăn ngày hai bữa.

Tuy nhiên, bằng sự kiên trì vận động, cộng thêm nguồn quỹ được sử dụng đúng mục đích, với hiệu quả an sinh, từng bước được chứng minh bằng thực tiễn, nên công tác vận động không ngừng thu được hiệu quả ngoài mong đợi. Đến nay, quỹ đã nhận được trên 33 tỷ đồng đóng góp.

Từ nguồn quỹ này, Liên đoàn lao động tỉnh An Giang đã hỗ trợ cất mới và sửa chữa 1.100 nhà với tổng số tiền xây dựng trên 30 tỷ đồng. Ông cho biết: “Mới đây, một doanh nghiệp ở thành phố Long Xuyên dù đang rất khó khăn, nhưng cũng đã ra tay nghĩa hiệp bằng cách hiến đất để xây dựng nhà.

Lúc đầu, chúng tôi đắn đo, vì chuyện này chưa có trong tiền lệ của quỹ. Tuy nhiên sau khi bàn bạc kỹ, chúng tôi quyết định nhận đất để xây nhà, bởi mọi yếu tố, nếu có lợi cho công nhân lạo động, mình đều không thể bỏ qua”.

Cũng theo ông Khanh, năm 2012, trong một lần ngồi lại để đánh giá hoạt động của quỹ, ban thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh An Giang phát hiện hơn một nửa số tiền là do các đoàn viên thuộc công đoàn ngành giáo dục đóng góp. Nhưng sự thụ hưởng của nhóm đối tượng này chưa tương xứng với những gì họ đã đóng góp.

An Giang có địa hình núi rừng trắc trở, nhiều giáo viên được điều động về công tác tại các huyện biên giới (giáp ranh với Campuchia), nên việc đi lại cũng như cuộc sống của họ rất khó khăn.

Lúc bấy giờ, cùng với cả nước, nhu cầu về nhà ở dành cho giáo viên ở An Giang đang rất bức xúc. Từ thực tế đó, ban thường vụ đã quyết định bổ sung vào quy chế hoạt động của quỹ với nội dung xây dựng nhà cho tập thể giáo viên. Và đây là mô hình đầu tiên được triển khai trong cả nước cho đến thời điểm này.

Sau khi vận động và được địa phương hiến đất, Liên đoàn lao động tỉnh bắt tay vào xây dựng nhà ở tập thể đầu tiên. Đầu năm 2012, ngôi nhà thí điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên.

Cũng trong năm này, mô hình nhà ở được tiếp tục nhân rộng với thêm 8 căn tại các huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn, Châu Phú, An Phú, Chợ Mới, Phú Tân và Tân Châu. Sang năm 2013, con số này được nâng lên 15 căn, mỗi căn giải quyết chỗ ở cho 12 người.

Từ cách làm của huyện Châu Phú, nhiều địa phương đã bắt đầu hưởng ứng theo. Tùy vào điều kiện của mỗi nơi mà con số đối ứng dao động từ 20-50%, tất cả đều trên tinh thần tự nguyện. Đặc biệt, sự hưởng ứng không chỉ đến từ những người có trách nhiệm, ngay cả các nhà thầu cũng góp sức cho mô hình nhà ở tập thể.

Theo Zing.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]