Bí kíp phân biệt đặc sản côn trùng nuôi và tự nhiên

(ĐSPL) - Gần đây, những món ăn được chế biến từ dế, bọ xít, kiến, bọ cạp... dần lên ngôi và trở thành món đặc sản thu hút nhiều người. Không khó để được thử những món ăn này bởi chúng được bán khá phổ biến.

15.6144

Phóng to

Bọ cạp chiên giòn

Nguồn hàng dồi dào

Theo tìm hiểu của PV, có rất nhiều trang trại nuôi côn trùng trên cả nước, hiện riêng khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng có đến gần chục trang trại, chưa kể những hộ nuôi nhỏ lẻ. Và đầu ra cho các sản phẩm côn trùng nuôi hiện nay chính là các nhà hàng, quán nhậu.

Chị Xuân (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội), chủ một trang trại nuôi côn trùng cho biết, trang trại của chị hiện nay vừa cung cấp giống đi các nơi, vừa cung cấp các loại côn trùng thương phẩm sống, đông lạnh. Ngoài ra, chị cũng thu mua các loại côn trùng thương phẩm khác.

Sản phẩm của chị được bán ra cho các nhà hàng, siêu thị, quán nhậu… Các loại côn trùng được nuôi phổ biến hiện nay ở trang trại của chị là dế mèn, bọ cạp, rết, tắc kè. Những loài như bọ xít, ve sầu, trứng kiến… hiện chưa nuôi được nên bên chị thu mua tự nhiên để bán cho những nơi có nhu cầu.

Theo chị Xuân, dế là loài côn trùng được ưa chuộng hiện nay. Mỗi ngày, riêng trang trại của chị cung cấp trung bình khoảng 50kg dế các loại. Các loài khác như bọ cạp, rết, tắc kè thì lượng tiêu thụ thấp hơn một chút. Giá dế bán ra hiện nay từ 160 - 180 nghìn đồng/kg (tùy chất lượng sản phẩm; to nhỏ, đồng đều hay không…). Riêng tắc kè thì tùy loại, giá từ 100 nghìn đồng/con trở lên.

Anh Tuấn (Bắc Ninh), người đang nuôi và cung cấp dế thương phẩm cho biết: "Hiện có những nhà hàng chuyên về các sản phẩm côn trùng nhưng chưa nhiều, vì sản phẩm còn kén khách. Tuy nhiên, nhiều nhà hàng vẫn nhập những sản phẩm này để làm phong phú, đa dạng cho thực đơn của mình. Riêng dế, có thể bảo quản đông lạnh được 6 tháng".

Đánh giá về thị trường tiêu thụ, anh Tuấn cho biết: "Thị trường hiện nay rất khả quan. Tuy nhu cầu mua côn trùng để phục vụ thú chơi chim cảnh, nuôi cá… đã giảm đáng kể do kinh tế khó khăn, nhưng việc mở rộng cung cấp thương phẩm cho các nhà hàng, quán nhậu vẫn rất thu hút khách bởi đó là những món ăn rất ngon và cũng giàu dinh dưỡng. Những ai đã thử một lần thì chắc chắn muốn ăn nhiều lần nữa".

Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, côn trùng có thể là một giải pháp đối với vấn đề sức khỏe và lương thực của thế giới. Chúng có nhiều chất dinh dưỡng, thân thiện với môi trường và rất phong phú. Trước đó, nhiều quốc gia đã coi côn trùng là nguyên liệu trong thực đơn hàng ngày của mình.

Rất gần Việt Nam, các quốc gia như Thái Lan, Campuchia là những nước ưa chuộng các món ăn chế biến từ côn trùng. Việc dùng côn trùng làm thức ăn cũng được cho là rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Ở Việt Nam hiện nay, từ các nhà hàng sang trọng đến những quán nhậu bình dân, các món côn trùng được bày bán ngày càng phổ biến, đa dạng và trở thành món ăn đãi khách, đãi bạn mà nhiều người chọn lựa.

Phóng to

Ve sầu nướng

Thận trọng khi dùng

Thực tế cho thấy, lượng côn trùng tự nhiên không hẳn dồi dào, sẵn có mà theo từng thời điểm, mùa vụ. Chính vì thế, mô hình nuôi côn trùng thương phẩm đang là giải pháp tạo nguồn cung ổn định. Anh Tuấn (Bắc Ninh) cho biết: "Hầu hết các nhà hàng, quán nhậu hiện nay đều là các sản phẩm côn trùng nuôi. Rất ít các sản phẩm tự nhiên vì giá cả của các sản phẩm tự nhiên thường rất đắt và nguồn không ổn định".

Giá của côn trùng nuôi và côn trùng tự nhiên có sự chênh lệch rất lớn. Chính vì vậy, đôi khi thực khách dễ bị "móc túi" bởi những chiêu bài của các nhà hàng do không phân biệt được sản phẩm nuôi hay sản phẩm từ tự nhiên. Một khách hàng sành ăn đã chia sẻ bí quyết phân biệt món ăn được chế biến từ dế tự nhiên và dế nuôi như sau: "Dế tự nhiên thường to hơn, bóng bẩy hơn. Dế nuôi nhỏ hơn, do bị ép lớn trong một thời gian nhất định, nuôi dày nên con lớn con bé, không được đồng đều. Giá của một sản phẩm tự nhiên thường đắt gấp nhiều lần so với các món ăn được chế biến từ côn trùng nuôi".

Câu hỏi đặt ra là, với mức độ các loại côn trùng nuôi phổ biến như hiện nay thì chất lượng đầu ra được kiểm soát thế nào? Một chủ trang trại cho biết: "Để đảm bảo chất lượng và sự an toàn cho người tiêu dùng thì phải tuân thủ quy trình nuôi nghiêm ngặt, ăn sạch, ở sạch, thức ăn đảm bảo. Có những loại, trước khi xuất phải ngừng cho ăn trong thời gian khoảng 1 - 2 ngày để sạch ruột, nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng khi sử dụng".

Tuy nhiên, để kiểm soát một cách chặt chẽ quy trình và kiểm tra chất lượng đầu ra sản phẩm đòi hỏi sự sát sao của các cơ quan chức năng. Trên thực tế, có một số lượng không nhỏ côn trùng thương phẩm do người dân nuôi nhỏ lẻ được thu mua lại, việc tuân thủ các quy trình nuôi để đảm bảo chất lượng và an toàn phải dựa vào phần lớn ý thức, trách nhiệm người nuôi, không thể có sự kiểm định quy trình một cách chặt chẽ.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật (BVTV), bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo: "Nếu dùng côn trùng làm thực phẩm thì nên khai thác trong tự nhiên là chính. Đối với côn trùng được nuôi, cần kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi, tránh để các loài có hại thoát ra ngoài môi trường, đặc biệt cần có sự kiểm tra về chất lượng các loài côn trùng này trước khi làm thực phẩm".

Một mối lo ngại nữa đối với thực khách, các món côn trùng không phải dễ chế biến và cũng không phải ai cũng ăn được. Anh Kiên (Hà Nội) chia sẻ: "Ăn dế nếu cơ địa người nào không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng bị dị ứng giống như khi ăn nhộng tằm. Tôi cũng đã từng bị dị ứng khi ăn món này".

Đặc biệt, với những loại côn trùng chứa nhiều độc tố, có nọc độc như bọ cạp, ong, nhện… nếu quá trình chế biến chưa loại bỏ hết độc tố sẽ gây ra nguy cơ bị dị ứng mẩn ngứa, sưng tấy toàn thân, ngộ độc, thậm chí là gây tử vong. Chính vì vậy, các món ăn được chế biến từ côn trùng rất cần kinh nghiệm và phương pháp chế biến đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, trước hết mỗi người tiêu dùng cũng cần phải thông minh và tỉnh táo để biết cách lựa chọn sản phẩm hợp lý và những địa chỉ ăn uống tin cậy.

Theo báo cáo của tổ chức nông lương Liên Hợp Quốc, côn trùng là loại thức ăn giàu dinh dưỡng do chứa nhiều protein, chất béo và chất khoáng. Nhộng ong, bọ xít, nhộng tằm, châu chấu, dế mèn, cà cuống, bọ cạp và nhiều loại côn trùng khác là thực phẩm khá phổ biến tại các quốc gia đang phát triển. Chúng là nguồn thực phẩm bổ sung cực kỳ quan trọng đối với trẻ suy dinh dưỡng.

Côn trùng nuôi cũng là nguồn cung cấp thực phẩm rất tốt. Tuy nhiên, để côn trùng nuôi trở thành món ăn bổ dưỡng thực sự, rất cần một hệ thống quy trình quản lý, kiểm soát để đảm bảo sản phẩm nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Điều này rất cần sự sát sao của các cơ quan chức năng trong việc kiểm định quy trình nuôi và đầu ra sản phẩm.

Trần Phượng

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]