Nếu bước vào một cửa hàng truyền thống để mua sắm, nhân viên sẽ bước đến hỏi bạn cần sản phẩm gì và cố gắng tìm kiếm món đồ phù hợp nhất. Sự chăm sóc cá nhân này khiến nhiều người cảm thấy hài lòng hơn so với việc phải ghi nhớ, tìm kiếm hàng chục trang mua sắm online để đặt mua được món đồ mình yêu thích.
Tuy nhiên, thương mại điện tử đang nỗ lực cải thiện điều này. Trong một nghiên cứu gần đây của Deloitte và ExactTarget, hơn 50% các giám đốc marketing nói muốn cải thiện dịch vụ chăm sóc từng cá nhân. Dưới đây là 3 trong số những bí quyết chăm sóc khách hàng khiến Amazon trở thành gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử thế giới.
Cung cấp danh sách sản phẩm tham khảo chi tiết
Đây có thể là chiêu dễ nhất trong việc chăm sóc khách hàng mà chính Amazon là người tiên phong. Chiếm 60% trang chủ của Amazon là các sản phẩm tham khảo cho từng người dùng. Nghiên cứu của Forrester và Gartner cho thấy một chiến lược giới thiệu các sản phẩm liên quan được thực hiện tốt có thể tăng doanh thu tới 300%. Đó chính xác là điều Amazon đang thực hiện và khách hàng của họ không thể ngó lơ các món hàng xuất hiện ở danh sách sản phẩm đề nghị.
|
Danh sách các sản phẩm liên quan quyết định nhiều đến hành vị mua hàng của người lướt web.
|
Mang đến cho khách hàng trải nghiệm cá nhân
Tưởng tượng bạn bước vào một cửa hàng truyền thống và nhận thấy tất cả mọi thứ được bày biện theo đúng sở thích, nhu cầu của bạn. Sản phẩm được treo ở vị trí quan trọng nhất lại chính là món đồ hợp gu, những thứ bạn yêu thích lại nằm phía trước của cửa hàng. Đây chính là một sự cá nhân hóa đáng mơ ước với bất kỳ người mua hàng nào.
Cửa hàng truyền thống khó làm được điều này trong khi các trang bán hàng thương mại điện tử hoàn toàn có thể thực hiện được, từ banner nằm ở trang chủ khi khách hàng truy cập đến cách sắp xếp các hạng mục sản phẩm mua hàng đều có thể được thiết kế tùy ứng với nhu cầu, đặc tính của từng người mua. 86% khách hàng nói rằng một thiết kế tùy ứng ảnh hưởng nhất định đến quyết định mua sắm của họ.
|
Sự khác nhau của giao diện Amazon với một người dùng lần đầu tiên truy cập và một người đã có tài khoản, từng mua sắm trên trang bán hàng này.
|
Mọi người thường nói rằng một bức ảnh thay nghìn lời nói. Amazon thực hiện tốt điều này với từng người dùng khi nắm rõ lịch sử truy cập của từng người, phân loại những mặt hàng họ yêu thích, lựa chọn thêm những món đồ liên quan và trình bày một cách đẹp mắt mỗi khi người dùng truy cập vào. Không chỉ ở trang chủ, với mỗi tài khoản khách hàng, Amazon thay đổi thứ tự các hạng mục sản phẩm xuất hiện trong danh sách chung tới kết quả tìm kiếm để mọi sản phẩm xuất hiện phù hợp nhất với khách hàng. Nhờ vậy, họ nhanh chóng tìm kiếm ra món đồ cần thiết với mức giá phù hợp và còn được tham khảo đầy đủ thông tin cần thiết.
Nói chuyện với khách hàng theo cách thấu hiểu
Khi truy cập một website mua hàng nào đó, bạn thường nhận được tin nhắn hoặc thông báo về mã giảm giá một sản phẩm nào đó hoặc chương trình khuyến mãi. Amazon thực hiện điều này, nhưng với một sự am hiểu đến từng cá nhân - mỗi người khác nhau sẽ có những kiểu phản ứng khác nhau.
|
Lời lẽ, nội dung thông báo cũng được Amazon tùy chỉnh theo từng thị hiếu khách hàng.
|
Ví dụ, một số người thực sự nhạy cảm trước sự khan hiếm, nên thông báo "chỉ còn 4 sản phẩm" sẽ thực sự hiệu quả với học. Một số khác, họ lại bị thuyết phục bởi bằng chứng từ những người dùng khác, nên dễ quyết định mua một món hàng khi được thấy những người khác sử dụng chúng như thế nào. Trong trường hợp đó, phần phản hồi về sản phẩm nếu được chăm sóc tốt với sự xuất hiện của hàng loạt lời bình luận, mô tả sẽ thực sự hữu ích. Một thông báo "pop-up" không chỉ đúng thời điểm mà còn có nội dung thực sự thu hút với mỗi người dùng.
Thu Ngân (theo Business2community)