Bí quyết kinh doanh của Toyota

Nhiều người tự hỏi, đâu là bí quyết tạo nên thành công của Tập đoàn sản xuất ôtô Toyota, nhãn hiệu hàng đầu trong top 50 hãng, công ty đứng đầu thế giới? Song gốc rễ làm lên sự lớn mạnh của Toyota hôm nay mà ngay các đối thủ của nó cũng không hiểu đó chính là họ biết cách biến công việc thành một chuỗi các thực nghiệm đan xen nhau.

15.593

Toyota, một trong những hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới

Nhiều người tự hỏi, đâu là bí quyết tạo nên thành công của Tập đoàn sản xuất ôtô Toyota, nhãn hiệu hàng đầu trong top 50 hãng, công ty đứng đầu thế giới? Song gốc rễ làm lên sự lớn mạnh của Toyota hôm nay mà ngay các đối thủ của nó cũng không hiểu đó chính là họ biết cách biến công việc thành một chuỗi các thực nghiệm đan xen nhau.

Điều này cũng được Phó giáo sư Trường Đại học Kinh doanh Harvard (Boston) Steven Spear đúc kết thành 4 nguyên tắc cơ bản tạo lên sức mạnh của Toyota.

Theo Steven Spear, nhiều công ty đã sai lầm khi chỉ chú ý tới các thiết bị và chiến thuật mà quên đi các nguyên tắc căn bản trong hệ thống sản xuất Toyota. "Thành công thực sự của họ không phải là tạo ra và sử dụng các thiết bị, quy trình sản xuất mà cốt lõi nhất đó là, họ biết cách biến công việc thành một chuỗi các thực nghiệm đan xen nhau", Steven Spear nói.

Tại Toyota, nhất nhất mọi người phải biết rõ công việc của mình trước khi thực sự bắt tay vào làm. Khi công việc diễn ra, nhân viên vừa là công nhân trong dây chuyền sản xuất, vừa là nhân viên của phòng thí nghiệm. Họ phải quan sát xem có thể cải thiện quy trình làm việc như thế nào.

Toyota coi việc quan sát quá trình sản xuất và phát hiện những lỗi phát sinh quan trọng hơn là giải quyết các sai lầm khi chúng đã xảy ra. Chẳng hạn, một lãnh đạo cao cấp người Mỹ của Toyota đã phải trải qua 12 tuần thực tế "mắt thấy, tay làm" tại cơ sở sản xuất trước khi chính thức nhận ghế ngồi trong văn phòng.

Vị lãnh đạo mới này đã buộc phải quan sát kỹ một dây chuyền để tìm hiểu những việc và trả lời những câu hỏi tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất như: Tại sao máy móc bị hỏng, vị trí ngồi của nhân viên như thế nào, tiếng ồn trong lao động..? Từ đó, ông này phải đưa ra những thay đổi, có thể chỉ đơn giản là đổi vị trí của một công tắc để công nhân trong dây chuyền không vô tình chạm phải khi máy chạy, hay thay đổi vị trí các giá linh kiện nhằm giảm thời gian đi lại và mang vác...

Nguyên tắc thứ hai theo Steven Spear đó là, những thay đổi mà lãnh đạo Toyota muốn đưa ra phải được coi là thử nghiệm. Nguyên tắc này giúp những người liên quan luôn có câu hỏi: Liệu còn giải pháp nào tốt hơn giải pháp hiện có không? 

Nguyên tắc thứ ba mà Toyota đặc biệt chú ý đó là công nhân và nhà quản lý phải tiến hành các thử nghiệm càng nhiều càng tốt. Tiến hành nhiều thí nghiệm nhỏ để học hỏi dần trước khi bắt tay vào các thí nghiệm lớn hơn để đảm bảo các sai lầm nếu xảy ra sẽ không quá lớn.

Điều cuối cùng không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn này là người quản lý chỉ đóng vai trò giúp nhân viên tiến hành công việc cụ thể và thực hiện những thay đổi cần thiết.

Sau nhiều năm nghiên cứu Steven Spear nghiệm ra rằng, phải thực sự trải nghiệm hệ thống sản xuất của Toyota mới biết rằng, không ai có thể đồng hóa hoặc tái tạo được gen thành công của Toyota. "Nếu áp dụng bốn nguyên tắc trên một cách đầy đủ và sáng tạo thì chắc chắn sẽ có một khởi đầu tốt trong quá trình sao chép hệ thống "gen khỏe" của Toyota vào "cơ thể” công ty của bạn", Steven Spear khẳng định.

(Theo Sài Gòn Doanh Nhân)

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]