Bí quyết của giới kinh doanh châu Á

Doanh nhân hàng đầu châu Á là ai, bí quyết thành công của họ là gì? Tuần báo TIME ấn bản châu Á vừa có loạt bài giới thiệu các thương gia có đóng góp lớn trong 60 năm qua. Từ những thanh niên nghèo khó họ đã vươn lên trở thành doanh nhân tầm cỡ trên thương trường thế giới.

15.5976

Tỷ phú người Hong Kong Li Ka-shing. Ảnh: VDC.

Đối với ông Li Ka-shing, người Hong Kong giàu nhất châu Á với tài sản 18 tỷ đôla Mỹ, nhạy bén trong kinh doanh có lẽ là phẩm chất hàng đầu. Ông cho rằng quan trọng nhất là bán cái người ta cần, mua cái người ta bỏ đi, nhưng phải chọn đúng thời điểm với tầm nhìn xa. Từ một nhà máy nhựa và 30 năm kinh nghiệm, năm 1979 ông thâu tóm Công ty Hutchinson Whampoa của Anh tại Hong Kong lúc đó đang thua lỗ trầm trọng. Ông đã biến Hutchinson Whampoa thành một tập đoàn đa ngành, kinh doanh từ cảng biển, bất động sản, bán lẻ đến viễn thông; lĩnh vực nào cũng thành công.

Năm 1991, ông mua Công ty Dầu mỏ Husky Oil của Canada và chịu lỗ nhiều năm, bây giờ khi giá dầu cao ngất ngưởng thì nó trở thành con gà đẻ trứng vàng. Năm 1999, ông bán Công ty Điện thoại Orange cho tập đoàn Mannesmann của Đức, thu về 14,6 tỷ đôla lợi nhuận và chỉ một năm sau, sự suy thoái của các công ty viễn thông đã chứng tỏ ông dự đoán đúng. Thành công của ông Li còn do sự ủng hộ của công chúng vì ông làm ra tiền không chỉ cho riêng mình mà còn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Họ tự hào về ông - một doanh nhân địa phương đã có khả năng đánh bại những ông lớn ngay trong kinh doanh quốc tế. Năm nay 78 tuổi, ông Li quyết định dành một phần ba tài sản cho quỹ từ thiện, trở thành nhà từ thiện rộng rãi nhất châu Á.

Năm 1944, một sĩ quan trẻ trong hải quân Hoàng gia Nhật cùng một kỹ sư nhỏ hơn mình 13 tuổi làm việc cho một dự án về vũ khí. Chiến tranh kết thúc, nước Nhật tan hoang, hai người hợp tác cùng nhau xây dựng một thương hiệu mang tính biểu tượng về phép lạ kinh tế Nhật Bản. Thiên tài của Akia Morita và Masaru Ibuka - hai người sáng lập Sony - nằm ở khả năng nhận biết đâu là sản phẩm mà xã hội cần vào lúc nào đó. Radio dùng transistor, máy ghi âm, TV màu, máy nghe nhạc bỏ túi… Mặt hàng nào của Sony cũng gây sốt trên thị trường toàn cầu và mở đường cho các doanh nghiệp khác noi theo. Sự nhạy bén kinh doanh của Akia cộng với tài năng công nghệ của Masaru là cốt lõi đằng sau thành công của Sony cho đến tận bây giờ, dù hai ông đã tạ thế.

Ông Stan Shih.
Ảnh: VDC. 

Cũng trong lĩnh vực điện tử, Stan Shih của hãng Acer (Đài Loan) đưa ra một ý tưởng sản xuất mà nhờ đó chiếc máy vi tính cá nhân (PC) chỉ có giá 1.000 đôla thay vì 10.000 đôla. Phương pháp của ông là tối ưu hóa dây chuyền cung cấp linh kiện. Mỗi công ty thay vì sản xuất toàn bộ chiếc máy tính thì chỉ chuyên sản xuất một số loại linh kiện nào đó theo những tiêu chuẩn công nghệ nghiêm ngặt - nhà sản xuất cuối cùng chỉ việc lắp ráp các linh kiện vào nhau. Năm 1986, Acer đưa ra thị trường chiếc máy PC sử dụng bộ xử lý Intel 386 chỉ một tháng sau Compaq, nhưng là công ty đầu tiên sản xuất bằng cách “lắp ráp”. Stan Shih không chỉ tạo ra một thương hiệu máy tính toàn cầu mà còn kích thích sự bùng nổ công nghiệp điện tử của Đài Loan - nơi sản xuất và cung ứng phần lớn linh kiện cho các công ty máy tính toàn thế giới - và đem lại cảm hứng cho một thế hệ các nhà kinh doanh Đài Loan.

Cũng người Đài Loan, chàng sinh viên Đại học Stanford, Jerry Yang khởi sự một ý tưởng đơn giản là lập thư mục tất cả các trang web để giúp sinh viên dễ tìm tài liệu tham khảo trên mạng. Thế là Yahoo! ra đời năm 1995. Nhìn thấy triển vọng lớn lao từ ý tưởng đơn giản này, hãng truyền thông khổng lồ America online đã đặt giá mua Yahoo! song Jerry Yang từ chối. Thay vì vậy, anh vay tiền của quỹ đầu tư mạo hiểm để phát triển sáng kiến của mình; bây giờ thì với doanh số hàng năm 6 tỷ đôla, Yahoo! đã là “ông khổng lồ” trên Internet.

Ông Momofuku Ando. Ảnh: VDC.

Không đi vào lĩnh vực công nghệ cao, năm 1958 Momofuku Ando, người Nhật sinh trưởng ở Đài Loan, khởi nghiệp trong cái bếp sau nhà ở Osaka bằng một sản phẩm đơn giản: mì ăn liền. Lúc đầu, mì ăn liền bị coi là món ăn xa xỉ, không có khả năng cạnh tranh với thức ăn tươi vừa phong phú vừa rẻ tiền. Nhưng Ando tin rằng thế giới có hàng triệu người lao động mỗi ca chỉ có 10 phút nghỉ ăn cơm, hàng triệu nhân viên văn phòng phải làm việc qua trưa hoặc suốt đêm... họ chính là khách hàng mà ông hướng tới.

Để thêm thuận tiện, năm 1961 Ando cho ra đời loại mì đựng trong tô giấy. Và dự báo của ông thật chính xác: Năm 2005, nhân loại tiêu thụ 85,7 tỷ gói mì ăn liền, bình quân mỗi người tiêu thụ mỗi tháng một gói mì ăn liền. Từ tô mì đầu tiên trong gian bếp của Ando năm 1958 đến 85 tỷ gói mì bây giờ là con đường dài nhưng thật ấn tượng của một ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh.

(Theo TBKTSG)

 

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]