Ông Hồ Văn Thước (Trưởng thôn 6, xã Phước Lộc) dẫn chúng tôi đi thăm những bọng ong chuẩn bị thu hoạch và chia sẻ bí quyết về cái nghề độc đáo này.
Để nhử được ong rừng lấy mật là một việc làm hết sức công phu và tỉ mỉ. Trước tiên phải cẩn thận trong việc chọn loại cây, rồi tạo ra những bọng ong bằng cách khoét sâu vào trong thân cây 25 - 30cm. Sau đó phải chọn những cục đá suối vừa cửa bọng lắp vào làm nắp, chỉ chừa một lỗ nhỏ đủ cho ong vào làm tổ. 
Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, nên chọn những cây đại thụ có thân to bằng một vòng ôm trở lên để đặt bọng ong, vị trí mỗi bọng cách gốc chừng 30cm trở lên. Việc chọn đá suối làm nắp đậy là kinh nghiệm quan trọng trên cơ sở hiểu rõ đặc tính của loài ong ruồi, loại ong cho mật có chất lượng tốt nhất. Nhờ vào các dấu hiệu riêng trên những hòn đá, đến mùa, đàn ong sẽ tìm về tổ. Mỗi bọng ong được coi như tài sản riêng giữa rừng già của từng gia đình.
Cũng theo ông Thước, năm nào hoa rừng nhiều thì năm đó mật ong sẽ được mùa và chất lượng cũng tốt hơn. Ở huyện miền núi Phước Sơn, người sử dụng thường tìm cho được mật ong Phước Lộc vì đảm bảo chất lượng. 
Ông Hồ Văn Yên (một người dân địa phương) cho biết, mỗi gia đình trong thôn thường có từ 20 - 30 bọng ong, riêng gia đình ông có đến gần 80 bọng. Theo ước tính, cả thôn hiện có khoảng 500 bọng, trung bình mỗi bọng cho từ 2 - 7 lít mật trong một mùa. Hiện mật ong bán ngay tại thôn có giá dao động từ 350 - 400 nghìn đồng/lít. Sản lượng mật ong thu hoạch được hàng năm khá lớn, trong khi đầu ra còn hạn chế. Chỉ tính riêng mùa mật năm 2013 cả thôn thu hoạch được hơn 900 lít, nhưng chỉ bán được hơn 300 lít, vì vậy mật ong ở đây dôi dư khá nhiều. 
Chị Hồ Thị Ba (một người dân thôn 6) khẳng định: “Nhờ được những con ong rừng hút mật hoa, lại không bị dính nước mưa như mật ong treo nên chất lượng mật ở đây rất tốt. Ở xứ rừng núi này không có gì ngoài đặc sản mật ong, trong thôn nhà nào cũng có mật ong dự trữ. Chúng tôi bán không được nên những người trong làng thường dùng mật ong thay cho đường”.
Ông Lưu Huyền Thoại - Phó Chủ tich UBND xã Phước Lộc cho biết, việc tạo bọng, nhử ong rừng để lấy mật là một nghề khá độc đáo, cần được phát huy để tạo thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, lượng mật thì nhiều nhưng vẫn chưa có đầu ra do đường sá xa xôi cách trở. Nếu trong tương lai khi đường giao thông thuận lợi, nhu cầu sử dụng mật ong rừng tăng cao, địa phương sẽ nghiên cứu tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong rừng để nâng cao thu nhập đồng bào.
Hoàng Yên - Duy Thá- - Báo Quảng Nam